Chị em khởi nghiệp thành công nhờ chịu khó và sáng tạo

07:03, 03/03/2022

Bằng nhiều hình thức, phong trào thi đua thiết thực và giải pháp sáng tạo, Hội LHPN tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho chị em vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Bằng nhiều hình thức, phong trào thi đua thiết thực và giải pháp sáng tạo, Hội LHPN tỉnh đã chủ động triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho chị em vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Phụ nữ khởi nghiệp với nhiều sản phẩm sáng tạo.
Phụ nữ khởi nghiệp với nhiều sản phẩm sáng tạo.

Tích cực đồng hành cùng phụ nữ

Phụ nữ chiếm trên 45% lực lượng lao động; đa phần đóng góp ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, việc làm, thương mại, công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu; phụ nữ nông thôn tham gia nhiều ở lĩnh vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX), sản xuất nông nghiệp, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, thích ứng dần với biến đổi khí hậu. Điển hình, có 8 công ty, HTX và cơ sở sản xuất kinh doanh do phụ nữ làm chủ, xây dựng thành công thương hiệu, đạt chất lượng sản phẩm OCOP.

Các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự doanh nghiệp thông qua hỗ trợ vốn, cây con giống, khoa học kỹ thuật… Trong năm 2021, các cấp hội tổ chức được trên 1.400 cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho trên 30.000 hội viên, phụ nữ về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Qua đó, các cấp hội tư vấn, hỗ trợ 463 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số tiền hỗ trợ trên 9 tỷ đồng; trong năm tiếp tục giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm của 16 công ty, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh và các ý tưởng khởi nghiệp ký gửi trưng bày tại Phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh, với hơn 60 loại sản phẩm.

Bên cạnh, các cấp hội tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, truyền thông, hội thi, đối thoại, kết nối giới thiệu, quảng bá nhiều mặt hàng nông sản của HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp do phụ nữ quản lý cho gần 75.000 lượt phụ nữ. Nổi bật là Hội thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp”, giúp phụ nữ mạnh dạn phát huy ý tưởng sáng tạo, với nhiều cách làm hay và hiện thực hóa được ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên nhiều lĩnh vực. Qua 4 năm (2018- 2021), đã có 87 ý tưởng đăng ký dự thi cấp tỉnh, 26 ý tưởng được chọn dự thi cấp Trung ương, 15 ý tưởng được vào vòng sơ khảo cấp vùng và toàn quốc.

Bà Lý Thị Kiệp- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, năm 2022, Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017- 2025”, tập trung bồi dưỡng kỹ năng, hỗ trợ tiếp cận vay vốn, kết nối thị trường, trưng bày sản phẩm và kết nối tiêu thụ sản phẩm; nhất là phát triển Hội Nữ doanh nhân tỉnh Vĩnh Long ngày càng lớn mạnh, uy tín, chất lượng, liên kết cạnh tranh trên thị trường.

Từ sáng tạo đến khởi nghiệp

Cùng với sự hỗ trợ của các cấp Hội LHPN trong tỉnh, sự chịu khó và sức sáng tạo phong phú, dám nghĩ dám làm của phụ nữ đã giúp các chị mạnh dạn bắt tay khởi nghiệp.

Trăn trở với việc phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, chị Lê Thị Mỹ Ngân (Phường 1- TP Vĩnh Long) đã hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp với đa dạng các sản phẩm từ vỏ bưởi. “Thực hiện dự án khởi nghiệp này, tôi hướng đến việc hạn chế được phần rác thải trong cộng đồng, chung tay bảo vệ môi trường. Đồng thời, tận dụng và phát huy thế mạnh của nguồn nguyên liệu sẵn có trong tỉnh để tạo ra ngành nghề sản xuất mới phục vụ cho nhu cầu sử dụng của mọi người”- chị Ngân chia sẻ.

Từ làm mứt vỏ bưởi để dùng và tặng bạn bè thấy ngon miệng, chị Ngân quyết đầu tư máy móc bắt tay khởi nghiệp. Tự mày mò học hỏi trên mạng, thêm vào sự khéo léo và sáng tạo, chị Ngân làm thử nghiệm và sản xuất thêm được nhiều sản phẩm hợp khẩu vị của người tiêu dùng như vỏ bưởi sấy dẻo, bưởi nguyên chất sấy dẻo, trà vỏ bưởi. Hiện nay, chị còn sáng tạo thêm món bưởi sấy dẻo chanh dây, bưởi sấy dẻo chua cay; chế biến thêm món vỏ cam sấy dẻo, trà cam- sả- gừng, cà na sấy, xoài sấy... Các sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu Mekong và tiêu thụ trong- ngoài tỉnh, bán cho khách du lịch và trưng bày tại các hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Sản phẩm được áp dụng công nghệ hút chân không, túi lọc nhằm bảo quản được lâu hơn. Đồng thời, hướng đến yếu tố thân thiện môi trường và chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng với nhiều công dụng tốt từ vỏ bưởi, vỏ cam. Bên cạnh, mô hình của chị Ngân còn giúp giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho một số lao động nữ tại địa phương, giúp họ cải thiện cuộc sống, kinh tế gia đình.

Cuối năm 2021, với sự sáng tạo độc đáo, sản phẩm thạch bưởi nấu chè Mekong của chị Ngân đạt chứng nhận OCOP 3 sao do UBND tỉnh cấp. Ngoài ra, chị Lê Thị Mỹ Ngân còn nhận được bằng khen của UBND tỉnh về phong trào phụ nữ khởi nghiệp, là một trong những ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu của Hội LHPN tỉnh.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19, tình hình sản xuất kinh doanh của chị Ngân cũng gặp khó khăn. Thị trường tiêu thụ giảm, nguồn nguyên liệu không ổn định, không có sẵn, không chủ động được nguồn nguyên liệu khi có đơn đặt hàng.

Chị Lê Thị Mỹ Ngân trưng bày các sản phẩm từ vỏ bưởi, vỏ cam.
Chị Lê Thị Mỹ Ngân trưng bày các sản phẩm từ vỏ bưởi, vỏ cam.

Chị Lê Thị Mỹ Ngân chia sẻ: “Tuy đợt Tết vừa qua cũng sản xuất được khá tốt nhưng việc kinh doanh vẫn chưa được ổn định. Hướng tới, tôi mong muốn có được sự quan tâm hỗ trợ từ Hội LHPN và địa phương, ngành chức năng để quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn. Khi được học hỏi kiến thức khởi nghiệp, kinh doanh, giúp phụ nữ sẽ vững tin, mạnh mẽ và ngày càng sáng tạo để có những sản phẩm tiêu biểu, thành công hơn nữa trên thị trường”.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh