Kỳ 2: "Lúa bán trên đồng, xoài bán trên cây thì còn nghèo"

09:10, 26/10/2021

Dịch COVID- 19 ví như "cú đấm bồi" cho những hạn chế trong việc tiêu thụ nông sản ĐBSCL thời gian  qua, bởi yếu kém trong liên kết và sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nên dù "chỉ mới tác động", chuỗi liên kết lập tức đã bị đứt gãy. Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan chỉ rõ: "Chừng nào lúa bán trên đồng, xoài bán trên cây thì chúng ta còn nghèo."

Dịch COVID- 19 ví như “cú đấm bồi” cho những hạn chế trong việc tiêu thụ nông sản ĐBSCL thời gian  qua, bởi yếu kém trong liên kết và sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Nên dù “chỉ mới tác động”, chuỗi liên kết lập tức đã bị đứt gãy. Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan chỉ rõ: “Chừng nào lúa bán trên đồng, xoài bán trên cây thì chúng ta còn nghèo.”

Cam sành đang vẽ nên bức tranh mới cho chuyển đổi cây trồng ở huyện Trà Ôn.
Cam sành đang vẽ nên bức tranh mới cho chuyển đổi cây trồng ở huyện Trà Ôn.

Lợi thế nhưng đang… thất thế

ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu hecta- là nơi sinh sống của hơn 20 triệu dân, mỗi năm đóng góp khoảng 27- 28 triệu tấn lương thực- thực phẩm, đóng góp khoảng 20% GDP quốc gia. Sau biến đổi khí hậu, nay là dịch bệnh đang thực sự đe dọa đến nền nông nghiệp của vùng. Trong suốt thời gian dài, chúng ta cứ hô hào phải thực hiện liên kết vùng, nhưng thực tế thiếu bền vững, cách thức liên kết thế nào, ai “đầu tàu” thì còn lúng túng, dẫn đến “đầu ra” ra sao, kết nối cung- cầu như thế nào không xác định.

Chi phí cao, chất lượng thấp và cách trở giao thông dẫn đến khó phát triển hệ thống logistics cũng là “điểm liệt” hiện hữu. Nếu chỉ “loay hoay” với sản xuất theo kiểu tăng diện tích, tăng sản lượng mà không chú trọng đến chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, phát huy công nghệ bảo quản, chế biến, phát triển thị trường thì nông nghiệp sẽ tiếp tục rơi vào bế tắc.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc Hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ- Vĩnh Long) cho biết: Mặc dù sản phẩm của hợp tác xã đã đạt được các chứng chỉ về VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhưng hiện đầu ra gặp nhiều khó khăn, nhất là con đường xuất ngoại. Trong khi chi phí sản xuất cao nhưng sản lượng xuất khẩu lại nhỏ lẻ, nhiều rào cản, khiến nông dân không an tâm sản xuất.

Tín hiệu thị trường và thực tế đã cho thấy, đồng bằng đang thừa mứa lúa gạo.
Tín hiệu thị trường và thực tế đã cho thấy, đồng bằng đang thừa mứa lúa gạo.

Sau khi tìm hiểu và khảo sát vùng khoai lang Bình Tân với ý định mở rộng thu mua, tiến tới chế biến mặt hàng này, bà Nguyễn Thị Lan Hương- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc (Hà Nội) đánh giá: “Đây là vùng khoai rất nhiều tiềm năng”. Điều này được bà dẫn chứng, khi hiện khoai lang tím Nhật ngoài thị trường Trung Quốc, thì một số thị trường Đông Bắc Á và ASEAN cũng rất ưa thích. Tuy nhiên, để phát triển ổn định, bà cho rằng cần phải có chiến lược. “Cái chính là làm sao quản lý được chất lượng từ lúc trồng cho tới sơ chế, đóng gói xuất khẩu, hay cung ứng nội địa. Giao thông ở đây chỉ cho xe 10 tấn trong khi cầu thì cũng không đáp ứng. Chúng ta không nên coi việc xuất khẩu bằng tiểu ngạch không cần tiêu chuẩn, bởi hiện nay người tiêu dùng Trung Quốc đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao, và khả năng số hóa của họ rất tốt.”- bà Nguyễn Thị Lan Hương lưu ý.

Còn đối với cây lúa, trái ngược với sản lượng xuất khẩu tăng đều hàng năm, thu nhập của người trồng lúa lại giảm và lợi nhuận thấp. Thời kỳ “hái trái ở cành thấp” đi qua, “vựa lúa gạo quốc gia” ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức bởi giá giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... liên tục tăng khiến nông dân bi quan. Cũng từ đây xuất hiện nhiều mô hình “xé rào” thay thế trồng sen ở Long An, trồng xoài ở An Giang, cam sành Vĩnh Long…Nhiều mô hình khẳng định hiệu quả, nhưng cũng không ít thiếu bền vững, “chạy theo phong trào”, chưa gắn sản xuất với tiêu thụ. Điều này được minh chứng ở vùng cam sành Trà Ôn (Vĩnh Long), sau khi nhiều hộ giàu nhờ cam, kéo theo phong trào trồng theo mà không am tường kỹ thuật, đầu ra thiếu ổn định để rồi….ôm nợ.

Theo ông Phan Tuấn Thanh- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoai lang Thanh Bình Tân (Bình Tân), điền kiện doanh nghiệp cần là phải có quy hoạch vùng nguyên liệu, để xây dựng vùng trồng và truy xuất nguồn gốc rõ ràng, để tiến tới, đi được chính ngạch, khi đó giá cả ổn định, không chỉ doanh nghiệp và nông dân cũng được lợi.

Trong khi đó, một nông dân ở An Giang nói thật rằng: “Nếu không làm lúa vụ 3 thì biết làm gì. Chuyển đổi thì chuyển cây gì. Nói chuyển đổi phải đảm bảo đầu ra, chứ khơi khơi thì chết chắc”. Đó là lý do vì sao lúa vụ 3 vẫn tồn tại, dù được ngành chuyên môn khuyến cáo chất lượng hột lúa không tốt và an toàn mỗi khi nước lũ về.

Dễ dãi trong sản xuất

Tín hiệu thị trường và thực tế đã cho thấy, đồng bằng đang thừa mứa lúa gạo. Thế nên, thời gian qua không chỉ tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo “đảm bảo nông dân lãi 30%”, mà vấn đề nên giảm bớt diện tích trồng lúa, chuyển đổi cây trồng khác, cơ cấu lại mùa vụ cũng trở nên nóng rẫy.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khi nông sản mùa trước được giá thì mùa sau “nở nồi” dẫn đến cung- cầu mất cân đối. Hạ tầng giao thông yếu kém, thì thị trường chưa được quan tâm, chỉ chú trọng sản xuất, mà không đánh giá rủi ro thị trường. ĐBSCL hiện mới chỉ khoảng 10% lúa liên kết với doanh nghiệp. Khi dịch bệnh xảy ra, những hộ này được thu mua với giá cả đảm bảo, còn lại nông dân chật vật tìm đầu ra.

Sự dễ dãi trong sản xuất đang khiến nhiều nông sản đánh mất giá trị. Điều này cũng được Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rõ sau chuyến khảo sát vùng khoai lang Bình Tân vừa qua: “Nền sản xuất của mình là nền sản xuất dễ dãi, trồng sao cũng được, sạch cũng được không sạch cũng được, chuẩn cũng được, không chuẩn cũng được, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được không cũng được, thế nào cũng có người mua, bán chợ sáng không được thì bán chợ chiều. Bán xuất ngoại không được thì nhờ trong nước giải cứu…”. “Chúng ta đang đánh cược nhiều hơn là làm kinh tế nông nghiệp”- Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan đồng thời chỉ rõ: “Chừng nào lúa bán trên đồng, xoài bán trên cây thì chúng ta còn nghèo.”

Vùng nguyên liệu khoai lang Bình Tân rất tiềm năng nhưng cũng cần có đầu tư bài bản hơn.
Vùng nguyên liệu khoai lang Bình Tân rất tiềm năng nhưng cũng cần có đầu tư bài bản hơn.

GS.TS Nguyễn Đông Phong- Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh Phân hiệu Vĩnh Long- cũng cho rằng, việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu đồng bộ, đặc biệt khâu bảo quản và chế biến sâu thiếu và yếu là hạn chế. Đẩy mạnh liên kết cả chiều dọc lẫn chiều ngang, từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ là giải pháp, cùng sự tham gia phối hợp giữa “6 nhà” (nhà nông- nhà nước- nhà khoa học- nhà doanh nghiệp- nhà băng- nhà phân phối) là bắt buộc để hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Một lợi thế nông sản chưa được phát huy tại ĐBSCL, theo các chuyên gia, diện tích, sản lượng lớn nhưng bất lợi là các mặt hàng nông sản “na ná” nhau, tỉnh nào cũng có xoài, cam, quýt, nhãn…Nếu liên kết, hợp tác “phân vùng” sản xuất hợp lý thì sẽ là lợi thế, nhưng chưa có ai đứng ra tổ chức, điều tiết, tạo thương hiệu riêng nên cuối cùng thế mạnh thành điểm yếu!

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- TẤN ANH

 

 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh