Giữa vòng xoáy COVID- 19: Cần tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp

05:10, 25/10/2021

Dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp ĐBSCL, nhất là đầu ra cho các mặt hàng nông sản. Hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là "giọt nước tràn ly" khi nay phải tiếp tục hứng chịu những tổn thương nặng nề. 

 

Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan trực tiếp khảo sát vùng khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long) hồi tháng 6/2021.
Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan trực tiếp khảo sát vùng khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long) hồi tháng 6/2021.

Dịch COVID-19 đã tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp ĐBSCL, nhất là đầu ra cho các mặt hàng nông sản. Hạn chế sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là “giọt nước tràn ly” khi nay phải tiếp tục hứng chịu những tổn thương nặng nề. Nếu trước đây, việc ùn ứ nông sản có tính chu kỳ, thì khó khăn hiện liên tục kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Chuỗi liên kết đứt gãy, “tắc” đường đi, thì giải cứu là giải pháp được nhiều địa phương thực hiện trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”.

Song đó cũng chỉ giải quyết “phần ngọn” mà chưa phải là dài hơi. Một tư duy sản xuất mới trong sản xuất nông nghiệp để thích ứng trước tình huống bất ngờ như dịch COVID-19 hay các rủi ro khác- là vấn đề nóng rẫy đang đặt ra hiện nay.

Kỳ 1: Nông sản đồng bằng dội chợ

Những năm trước đây, khi ĐBSCL bước vào thu hoạch rộ nông sản, thì gần như ít nhiều đều xuất hiện cảnh “dội chợ” ở một vài mặt hàng. Đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát, các tỉnh- thành phía Nam giãn cách xã hội tạo “ngăn sông, cách chợ” thì đầu ra tiêu thụ nông sản càng trở nên bi đát…

Ách tắc chuỗi cung ứng

Chưa bao giờ nghề trồng khoai lang ở huyện Bình Tân (Vĩnh Long) “nếm trái đắng” như năm nay, khi từ tháng 3 giá khoai giảm dần. Bước vào thời điểm thu hoạch rộ, khó khăn càng chồng chất khi dịch COVID- 19 bùng phát. Các tỉnh- thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, lưu thông trao đổi mua bán hạn chế, nhất là vận chuyển xuất khẩu, khiến mặt hàng mà hơn 80% xuất bán tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc này gần như “bí” đầu ra. Không khí trầm lắng bao trùm trên những ruộng khoai quá lứa tại “thủ phủ” khoai lang lớn nhất miền Tây.

Ông Sơn Văn Luận- Giám đốc Hợp tác xã khoai lang Thanh Ngọc (Bình Tân) cho biết: Trước Tết Nguyên đán, giá khoai lang tím Nhật được thương lái mua dao động khoảng 1 triệu đồng/tạ (60kg), nhưng sau tết xuống còn 600.000 đồng, 400.000 đồng, rồi tiếp tục rớt “chạm đáy” còn chỉ 60.000 đồng. Trừ chi phí tiền công, vận chuyển,…nông dân lỗ tầm từ 15- 17 triệu đồng mỗi công khoai, còn đi thuê đất trồng thua lỗ lên đến trên 20 triệu đồng.

“Chưa vụ khoai nào như vậy, chỉ khi nào bán được khoai, tiền bỏ túi người trồng mới dám mừng”- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân- Nguyễn Văn Tập nói chua chát. Ông cũng cho biết, trong tổng số khoảng 12.000 ha gieo trồng, đỉnh điểm thu hoạch sản lượng có thể đạt đến 350.000 tấn, nhưng toàn huyện chỉ có 14 hợp tác xã thu mua, chiếm chỉ khoảng 10% số hộ và diện tích. Ngoài dịch bệnh, thiếu thị trường tiêu thụ, xuất khẩu tiểu ngạch, thì phần lớn người dân sản xuất theo tập quán cũ, trồng chuyên canh và hạn chế áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nên hiệu quả, chất lượng củ khoai không cao, điều này phần nào ảnh hưởng đến bảo quản.

Trong khi đó, khâu chế biến mặt hàng này tại địa phương gần như...số 0! Công ty TNHH Đông Phát Food nằm ngay trên vùng nguyên liệu (xã Tân Bình)- được xem là “cơ sở duy nhất” chế biến mặt hàng khoai sấy, nhưng công suất mỗi tháng cũng chỉ 150- 200 tấn. Lúc dịch bệnh khó chồng khó, khi lượng hàng xuất khẩu đã giảm mạnh từ 50- 70%.

Ông Trần Hoàng Đông- Giám đốc Công ty TNHH Đông Phát Food cho biết, để duy trì, công ty làm những kho trữ lạnh nhưng năng lực hạn chế nên việc thu mua không là bao so sản lượng thực tế.

Không chỉ cây khoai, mà nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác như: thủy sản, lúa, hoa màu…cũng đều rơi vào “thế bí” đầu ra tương tự. Thức ăn không thể đến được vùng nuôi; thương lái không thể đến ao để thu mua…là tình cảnh của ngành tôm tại 2 tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu. Tại tỉnh An Giang, lúa Hè Thu chín vàng đồng nhưng vắng thương lái do địa phương thực hiện giãn cách “ai ở đâu ở yên đó”.

Hệ thống phân phối các chợ truyền thống đứt quãng, trong khi chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8- TP Hồ Chí Minh) được xem “kênh” tiêu thụ phần lớn nông sản miền Tây, nhưng sau đó cũng đóng cửa khi phát hiện ca nhiễm COVID-19, nông sản khu vực này lại rơi vào ngõ cụt!

Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan khảo sát quy trình chế biến khoai lang.
Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan khảo sát quy trình chế biến khoai lang.

Giải cứu và tổ công tác đặc biệt

Đã có rất nhiều cuộc họp từ trung ương đến địa phương bàn giải pháp tìm đầu ra cho hàng trăm nghìn tấn nông sản đồng bằng đang thu hoạch chính vụ cần thị trường tiêu thụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- Lữ Quang Ngời nhìn nhận: Ở địa phương không đủ mạnh và chưa có các doanh nghiệp đủ sức thực hiện sơ chế. Đau đầu nhất là tình trạng không kết nối được vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp sản xuất nông sản trên địa bàn nhưng mua nguyên liệu lại ở nơi khác. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tỉnh luôn chăm chút để làm sao các doanh nghiệp theo hướng phát triển. Tuy nhiên, liên kết hiện nay rất ngắn, khi lệ thuộc một nhà đầu tư nào đó thì bị hụt hẫng, đứt gãy.

Để giải quyết khó khăn, UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản giao Sở Công thương phối hợp Sở Nông nghiệp- PTNT và UBND các huyện- thị- thành nắm sát tình hình sản xuất nông sản của các địa phương, cập nhật thông tin về diện tích, sản lượng, thời điểm, thu hoạch,… để có kế hoạch thu gom, phân phối tiêu thụ phù hợp.

Theo đó, sau khi đã thống kê những mặt hàng nông sản đang gặp khó, Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp- PTNT xem xét hỗ trợ tìm thị trường tiêu thụ cho nhãn xuồng cơm vàng, rau xanh, khoai lang tím Nhật, bưởi Năm Roi..., tiếp cận thị trường tiêu thụ TP Hồ Chí Minh. Hội Nông dân tỉnh đã chủ động phối hợp với Ngân hàng thực phẩm Foodbank Việt Nam tổ chức “Chiến dịch khoai lang nghĩa tình”.

Tỉnh Đoàn cũng đã phát động phong trào “Chung tay hỗ trợ khoai lang Bình Tân” bằng cách vận chuyển khoai đi bán lẻ với giá 3.000 đồng/kg, bằng với giá mua tại ruộng. “Tự cứu mình”, Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Bình Tân) Nguyễn Hoàng Anh ít nhất 2 lần phải viết thư ngỏ, tha thiết “kính nhờ quý doanh nghiệp, cùng quý thiện hữu hãy cùng chúng tôi tiêu thụ khoai lang, giúp cho bà con nông dân bớt phần nào khó khăn do dịch COVID-19”.

Tại An Giang, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định thành lập Tổ phản ứng nhanh, triển khai tháo gỡ, xử lý các tình huống khó khăn để hỗ trợ địa phương thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản thuận lợi, thông suốt. Đồng Tháp đã phối hợp với các đơn vị để đưa sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn.

 Bộ Nông nghiệp- PTNT đã thành lập ngay Tổ công tác thường trực ở TP Hồ Chí Minh, phối hợp hàng ngày với tổ công tác của Bộ Công thương tổ chức nhiều buổi làm việc trực tuyến với 19 địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Ngoài khoai, nhiều nông sản khác đồng bằng cũng gặp khó khăn đầu ra.
Ngoài khoai, nhiều nông sản khác đồng bằng cũng gặp khó khăn đầu ra.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19 do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- PTNT Trần Thanh Nam- Tổ trưởng Tổ công tác 970 chủ trì diễn ra ngay sau đó. Để khắc phục hạn chế so những đợt dịch trước đây, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, một trong “sáng kiến” để không làm mất thời gian thực khi hiện cách ly cho đội ngũ tài xế vận chuyển hàng nông sản khi phải qua lại cửa khẩu như các đợt dịch trước đây, đợt dịch này sẽ ưu tiên tiêm vắc xin và cấp hộ chiếu vắc xin COVID-19. Đồng thời thúc đẩy những biện pháp song phương giữa hai nước Việt Nam- Trung Quốc, trong thời gian chờ nghị định thư về trái cây.

Trực tiếp Bộ trưởng Nông nghiệp- PTNT Lê Minh Hoan dẫn đầu đoàn công tác về làm việc với nhiều tỉnh- thành ĐBSCL để tìm giải pháp tiêu thụ hàng nông sản, cũng như định hướng sản xuất lâu dài. Tại Vĩnh Long, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có chuyến khảo sát thực tế vùng trồng khoai Bình Tân, tìm hiểu năng lực chế biến mặt hàng này, đồng thời có nhiều chỉ đạo gợi mở để “tính chuyện lâu dài” nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh.

Trong 9 tháng qua, Tổ công tác 970 đã xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả website: http://htx.cooplink.com.vn; kết nối và tiêu thụ thành công sản lượng bình quân khoảng 300 - 400 tấn nông sản/ngày, cao điểm có ngày đạt trên 1.000 tấn nông sản; kiến nghị với Trung Quốc sớm cho phép nhập khẩu trở lại các mặt hàng hoa quả tươi đã được phép xuất khẩu chính ngạch.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH- TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh