Từ Nghị quyết 120: Hành động và tư duy đổi mới cho tương lai đồng bằng

Kỳ cuối: Nghĩ đến một đồng bằng giàu mạnh

Cập nhật, 14:06, Thứ Tư, 07/04/2021 (GMT+7)

 

Được thuận lợi sống hài hòa với thiên nhiên là một trong những mục tiêu lớn của Nghị quyết 120.
Được thuận lợi sống hài hòa với thiên nhiên là một trong những mục tiêu lớn của Nghị quyết 120.

(VLO) Theo các chuyên gia, phát triển bền vững ĐBSCL thể hiện tư duy và cách tiếp cận chuyển đổi mới của Chính phủ đối với phát triển. Dù đang đối mặt với nhiều thách thức, nếu khéo léo vượt qua, ĐBSCL sẽ thành công và thịnh vượng, không chỉ có ý nghĩa đối với gần 20 triệu người dân đồng bằng, mà còn trở thành hình mẫu cho phát triển vùng.

Hãy cùng nhau bước đi xa

Theo nhịp phát triển, ĐBSCL còn rất nhiều mô hình, cách làm hay mà chúng tôi chưa kể hết, cho thấy sự chủ động của người dân, chính quyền ĐBSCL đã và đang hành động “thuận thiên”, thuận theo mùa.

Mà cái được nhất, nói như Ths. Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia độc lập về sinh thái: “Chúng ta không phải chống chọi với thiên nhiên: mùa lũ oằn mình chống lũ, mùa khô oằn mình chống hạn… Và sẽ được thuận lợi sống hài hòa với thiên nhiên”.

Đối diện với nhiều nguy cơ và thách thức của biến đổi khí hậu (BĐKH), tuy sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120, ĐBSCL đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng mục tiêu và nhiệm vụ tiếp theo vẫn còn rất thách thức, đòi hỏi sự đồng thuận và quyết tâm cao của các bộ, ngành, địa phương.

Rõ ràng có đồng thuận, liên kết sẽ giúp ĐBSCL bước đi xa vững chắc. Ở góc độ địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu thẳng thắn nhìn nhận: “Liên kết vùng thời gian qua đã gặp phải vấn đề xung đột lợi ích. Tôi cho rằng 13 tỉnh- thành ĐBSCL cần nhìn về một hướng với nhận thức chung, mục tiêu chung. Từ đó, chủ động trong hợp tác, liên kết với nhau”.

Đối với vấn đề liên kết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 825 ngày 12/6/2020 về thành lập và Quy chế hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020- 2025 để xem xét, quyết định các vấn đề lớn của vùng.

Tuy nhiên, theo Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình thì: “Cơ chế phối hợp vùng vẫn còn bất cập. Hội đồng Vùng thành lập nhưng chưa có thể chế nên rất khó thực hiện”.

Từ thành công bước đầu của mạng lưới liên kết cấp vùng ABCD Mekong (An Giang- Bến Tre- Cần Thơ- Đồng Tháp), Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng cần liên kết để “đi xa cùng nhau, vì Chính phủ và các địa phương ĐBSCL đã đặt vấn đề liên kết rất nhiều trong phát triển vùng, nhưng sự gắn kết chưa hiệu quả”.

Có thể nói những thách thức của BĐKH càng đặt ra yêu cầu cấp thiết trong liên kết vùng ĐBSCL để cùng hành động.

“Muốn đi xa thì hãy cùng đi”- tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn làm Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vấn đề này trong chữ “G” thứ tư.

Đó là gắn kết giữa Trung ương với địa phương, Nhà nước với thị trường, người dân và doanh nghiệp, giữa trong nước và các tổ chức, nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là gắn liên kết vùng ĐBSCL để cùng phát triển bền vững.

Theo Thủ tướng, chiến lược phát triển, thích ứng BĐKH là một chiến lược dài hạn và nhiều thách thức, vượt trên phạm vi chức năng, khả năng của bất kỳ một địa phương nào, một tổ chức nào. Đó là chiến lược gắn kết và hợp tác để cùng chia sẻ cơ hội, đóng góp nguồn lực để vượt qua thách thức là vô cùng quan trọng.

Tận dụng “bộ ba chính sách vàng”

“Bộ ba chính sách vàng” nhiều hy vọng tạo “đường băng” cho ĐBSCL cất cánh.
“Bộ ba chính sách vàng” nhiều hy vọng tạo “đường băng” cho ĐBSCL cất cánh.

Luật Quy hoạch 2017, Nghị quyết 120 và Quyết định 593 của Chính phủ về liên kết vùng có thể xem là “bộ ba chính sách vàng” cho ĐBSCL, mang nhiều hy vọng cho vùng đất sông nước này.

Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đã trực tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trong vùng.

3 năm qua, chúng ta đã hoàn thành cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, đường kết nối trung tâm ĐBSCL (nối Cao Lãnh- Rạch Sỏi) để hình thành một trục mới từ Cao Lãnh đến Kiên Giang, đem lại thế mạnh cho vùng và tạo điều kiện để phát triển kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ cũng dành gần 5.000 tỷ khởi công 3 gói thầu từ Trung Lương- Mỹ Thuận- Cần Thơ. Riêng cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ sẽ được hoàn thành trong năm 2022…

Hơn nữa, về “kế hoạch đầu tư công 2021- 2025 tại vùng ĐBSCL, chúng tôi đã thống nhất với Bộ Kế hoạch- Đầu tư đầu tư khoảng 57.000 tỷ đồng, tạo điều kiện phát triển tốt hơn để giúp khu vực chuyển đổi và phát triển bền vững”.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thời gian tới, sẽ kiến nghị Chủ tịch Hội đồng vùng tổ chức họp Hội đồng vùng để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện quy hoạch vùng, việc sử dụng nguồn lực, phân bổ nguồn lực, xây dựng danh mục dự án có tính lan tỏa, động lực, các dự án đường ven biển của vùng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị một số nội dung có ý nghĩa rất quan trọng đối với vùng ĐBSCL. Một là, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý tiếp nhận 2 tỷ USD hỗ trợ thêm cho vùng ĐBSCL giai đoạn 2021- 2025.

Hai là, giao Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng xem xét, sớm tổ chức thẩm định Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 4/2021. Ba là, các địa phương cần ưu tiên nguồn lực và bố trí nguồn vốn đối ứng để triển khai các dự án có tính chất kết nối liên vùng, liên tỉnh, có tác động lan tỏa.

Hướng đến đồng bằng thích ứng với BĐKH kiểu mẫu của thế giới

Nhà máy VNECO Vĩnh Long góp phần bổ sung nguồn năng lượng vào hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần phát triển năng lượng tái tạo.
Nhà máy VNECO Vĩnh Long góp phần bổ sung nguồn năng lượng vào hệ thống lưới điện quốc gia, góp phần phát triển năng lượng tái tạo.

Để ĐBSCL có thể vượt qua thách thức, trở nên thịnh vượng và còn làm hình mẫu cho các đồng bằng trên thế giới, Ths. Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, thay vì đổ tiền vào chống chọi với thiên nhiên, mùa lũ “gồng mình” chống lũ, mùa khô “gồng mình” chống mặn để tạo ra thật nhiều lúa gạo, nếu quy hoạch lần này tập trung đầu tư vào đường sá, logistics, chuyển hướng nền nông nghiệp thì tự động nhiều chuyện đang là vấn đề sẽ không phải là vấn đề nữa.

Có thể nói, ĐBSCL đã trải qua một quá trình học hỏi. Trong quá trình đó, thành công cũng có mà cái giá phải trả cũng nhiều. Không chỉ ĐBSCL, ngày nay các đồng bằng trên thế giới cũng bị nhiều vấn đề giống nhau: nước biển dâng, sạt lở, sụt lún, ô nhiễm.

Vậy nên, những bài học và cách tiếp cận đi tới tương lai theo Nghị quyết 120 của ĐBSCL có thể hữu ích cho các đồng bằng trên thế giới.

6 bài học được Ths. Nguyễn Hữu Thiện rút ra là: xem đồng bằng như một cơ thể sống, đòi hỏi phải có sự hiểu biết và đối xử có hệ thống để duy trì sức khỏe tổng thể. Kế đến cách nhìn phiến diện coi tài nguyên nước là mét khối sẽ không duy trì được sức khỏe của một đồng bằng.

Tiếp theo, kinh tế phải được hiểu rộng hơn, bởi vì nhiều giá trị tự nhiên như nước sạch, tôm cá tự nhiên, đất đai lành mạnh là miễn phí nên không có trong chỉ số GDP, nếu mất đi cũng không được tính trong GDP. Cùng với đó, tôn trọng quy luật tự nhiên chính là tầm thông thái của Nghị quyết 120.

Bài học tiếp theo là quy hoạch tích hợp là cách để đối xử với đồng bằng như một cơ thể sống, tránh mâu thuẫn lợi ích ngành, địa phương và để phân bố không gian phát triển hợp lý trên toàn vùng. Cuối cùng là liên kết vùng, nói đúng hơn là điều phối sự phát triển của vùng một cách hài hòa.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi là Thủ tướng: Hành động mạnh mẽ, quyết liệt để đồng bằng thịnh vượng

BĐKH suy cho cùng chỉ là những yếu tố mang tính ngoại sinh. Mục tiêu chúng ta vẫn giữ được cội nguồn văn hóa và tinh thần dân tộc, những yếu tố mang sức mạnh nội sinh, chúng ta phát triển giàu mạnh trên mảnh đất thiêng liêng kế thừa từ cha ông. Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các địa phương và toàn bộ hệ thống quyết tâm hành động mạnh mẽ, quyết liệt với tinh thần quyết liệt và danh dự để thúc đẩy nhanh những định hướng chiến lược và giải pháp đã đặt ra tại Nghị quyết 120. Khơi dậy tiềm năng lợi thế, đón lấy cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển bền vững đưa vùng đất “chín rồng”, không chỉ vì sinh kế của 20 triệu người dân miền Tây mà còn góp phần cùng cả nước hiện thực hóa ước vọng độc lập, tự cường, thịnh vượng đến năm 2045.

Bài, ảnh: NHÓM PV KINH TẾ