Doanh nghiệp xoay trở vượt "khủng hoảng dịch"

Cập nhật, 09:01, Thứ Bảy, 01/08/2020 (GMT+7)

 

Ông Nguyễn Văn Thành trao đổi ý kiến với các doanh nghiệp ở ĐBSCL về kịch bản cho doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Văn Thành trao đổi ý kiến với các doanh nghiệp ở ĐBSCL về kịch bản cho doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19.

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN), dịch COVID- 19 đã gây những tác động xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh. Theo đó, DN đã cố gắng xoay trở và tìm kiếm cơ hội trong nguy nan để vượt “khủng hoảng dịch”.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng đánh giá dịch COVID-19 đã có những tác động khiến tình hình sản xuất kinh doanh giảm đi, nhất là trong quý I/2020.

Trong đó giảm mạnh nhất là lượng đơn đặt hàng mới (80,7%), tổng doanh thu (77,8%), lượng mua nguyên vật liệu đầu vào (61,6%) và hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị (hơn 61%). Bên cạnh, DN cũng gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ dẫn đến nguyên vật liệu và sản phẩm tồn kho tăng, tăng thêm sức ép chi phí. Đối với các DN xuất khẩu, DN có lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm đi chiếm hơn 59%. Cho thấy, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia nước ngoài đã bị giảm nghiêm trọng.

Riêng ĐBSCL, 6 tháng đầu năm 2020, nếu ngành nghề bị tác động phải hoạt động cầm chừng, thu hẹp hoạt động hoặc tạm dừng kinh doanh. Dù sụt giảm về quy mô và doanh thu nhưng nhiều DN vẫn đang cố gắng duy trì, đảm bảo việc làm cho người lao động.

Ông Lê Thanh Thuấn- Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai- chia sẻ: “Cách đây vài tháng, các DN phải nghĩ làm sao tồn tại được.

Đối với Sao Mai thì từ nhiều năm nay đã xây dựng mô hình đa ngành nghề. Trong lúc dịch bệnh xảy ra thì Sao Mai có 3- 4 nhà máy năng lượng mặt trời cho nguồn thu khá ổn định- giúp duy trì hoạt động ngày thường của DN. Mảng bất động sản thì cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, đối với mảng nông- thủy sản, cụ thể là cá tra bị 2 tác động xấu vừa khủng hoảng dịch bệnh vừa khủng hoảng thừa.

Do đó, Sao Mai giảm nuôi, đi mua tự do nhiều hơn và tăng dự trữ. Đồng thời, đã tiên lượng sau khủng hoảng thừa sẽ tới thiếu nên cho dựng kho hơn 10.000 tấn cấp tốc trong vài tháng để tạo lợi thế. Đồng thời, tìm kiếm mở rộng thêm thị trường ở các nước ít bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Tuy vậy, sản lượng cũng hạn chế và giá cũng thấp. “Nói chung là chúng tôi rất vất vả, phải chọn cách cắt giảm nhiều chi phí trong lúc đợi tín hiệu phục hồi từ thị trường. Lời khuyên sống sót trong dịch bệnh thì DN nên hoạt động đa ngành nghề”- ông Lê Thanh Thuấn cho hay.

Ông Hồ Quốc Lực- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta- ở Sóc Trăng thì cho biết, thời gian qua, DN đã tìm cách xoay trở để biến áp lực thành động lực, tìm cơ hội trong nguy nan. Trước tiên, tuyên truyền những quy định phòng chống dịch bệnh để người lao động rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật tốt hơn. Mặt khác, các tỉnh ở ĐBSCL có nhiều lao động quay về địa phương- là cơ hội cho DN cần tuyển lao động.

“Công ty tôi trong quý II/2020 đã tuyển trên 450 người một cách thuận lợi”- ông Hồ Quốc Lực cho biết vậy và đúc kết- “Rút kinh nghiệm thời gian qua có DN tôm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và tới nay đã qua 6 tháng vẫn chưa có sự phục hồi. Cho thấy, DN xuất khẩu không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ, phải cơ cấu lại thị trường tiêu thụ cân bằng hơn. Trong tính toán, sắp xếp lại DN thì cần giữ mối quan hệ chặt chẽ, cảm thông chia sẻ với đối tác để kịp thời ứng xử, cùng hợp tác phát triển.

“Thời gian qua, công ty chúng tôi đã làm được nên góp phần vượt qua khó khăn và có tốc độ phát triển khá tốt 6 tháng đầu năm so trung bình của toàn ngành”- ông Hồ Quốc Lực nói.

Là DN hoạt động đa ngành, ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV- ở Vĩnh Long cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên 6 tháng đầu năm 2020 có những ngành rất rủi ro như “du lịch, nhà hàng gần như tê liệt”. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ gạo khá lạc quan.

Theo lý giải của ông thì từ năm 2019, khi sản phẩm gạo của Việt Nam (gạo ST25- PV) đạt giải gạo ngon nhất thế giới thì gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn. Đồng thời, khi dịch COVID-19 xảy ra, người tiêu dùng các nước có tâm lý mua tạm trữ nhiều hơn, giá thành đẩy lên…

Sản phẩm gạo Phước Thành IV góp mặt cùng các sản phẩm Vĩnh Long tại một hội nghị xúc tiến thương mại.
Sản phẩm gạo Phước Thành IV góp mặt cùng các sản phẩm Vĩnh Long tại một hội nghị xúc tiến thương mại.

Ông cũng chia sẻ tín hiệu vui là “gần đây chúng tôi đón 4- 5 nhà đầu tư Hàn Quốc về ĐBSCL đầu tư- nhằm đón làn sóng lao động ĐBSCL làm ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai đang “hồi hương”… Theo ông Nguyễn Văn Thành, dịch COVID- 19 lần này có khả năng bị hụt hẫng, xáo trộn; nhất là đối với những DN không có sự chuẩn bị đối mặt với thách thức từ trước. Tuy nhiên, “qua bệnh rồi thì DN sẽ có kháng thể tốt hơn”.

Cũng thông tin về bức tranh sáng của ngành gạo 6 tháng đầu năm, ông Phạm Thái Bình- Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An- ở Cần Thơ cho rằng “ngành gạo và kể cả các ngành khác cần có sự liên kết bền chặt giữa nông dân với DN. DN cần nắm được nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng”.

Chia sẻ về định hướng phát triển bền vững mà công ty đã theo đuổi hàng chục năm qua nên “công ty lúc nào cũng thiếu gạo bán kể cả lúc gạo trên thị trường dư thừa”- ông Phạm Thái Bình khẳng định: “Nếu sản xuất kinh doanh theo tín hiệu thị trường và hướng bền vững thì có nguy cơ gì xảy ra cũng giảm thiểu một cách tốt nhất thiệt hại cho DN”.

 

Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI, báo cáo sơ bộ những tháng đầu năm 2020, tỉnh Cà Mau có trên 26.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, dịch vụ buộc phải về quê. Tương tự, Sóc Trăng có 28.000, Hậu Giang 18.000 và Kiên Giang có 30.000 lao động về quê… Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới, đặc biệt là với những ngành như dệt may, giày dép.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU