Kỳ 2: Sản xuất cần gắn với tiêu thụ

01:05, 30/05/2019

Công tác phát triển và tổ chức lại sản xuất gắn kết chặt chẽ với chương trình tổ chức lại ngành nông nghiệp tại các huyện- thị tiếp tục được triển khai nhân rộng góp phần tích cực trong nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đây được xem là những tín hiệu đáng vui mừng trong việc tổ chức lại sản xuất.

 

Đến cuối quý I/2019, toàn tỉnh có 51/89 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

Công tác phát triển và tổ chức lại sản xuất gắn kết chặt chẽ với chương trình tổ chức lại ngành nông nghiệp tại các huyện- thị tiếp tục được triển khai nhân rộng góp phần tích cực trong nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Đây được xem là những tín hiệu đáng vui mừng trong việc tổ chức lại sản xuất.

Điều mong muốn của nông dân là sản phẩm làm ra có giá trị cao và được tiêu thụ dễ dàng.
Điều mong muốn của nông dân là sản phẩm làm ra có giá trị cao và được tiêu thụ dễ dàng.

Những tín hiệu vui

Trong khi một số địa phương phải chật vật thực hiện tiêu chí 13, thì Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Thới (xã Thuận Thới- Trà Ôn) là một trong những mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả tại địa phương vì xuất phát từ nhu cầu, lợi ích thiết thực của nông dân (ND).

Buổi đầu, khi mới được Đảng ủy phân công trực tiếp phụ trách tiêu chí tổ chức sản xuất, ông Tô Văn Em- Chủ tịch Hội ND xã- khá lo lắng vì “đây là một trong những tiêu chí khó”, do đa số ND sản xuất theo tập quán cũ, chưa có nhận thức cao về chuỗi giá trị...

Cũng vào thời điểm này, anh Nguyễn Văn Thảo (ấp Vĩnh Thạnh) đã tốt nghiệp cao học ngành công nghệ sinh học (ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh) và về quê khởi nghiệp phát triển mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế rất hiệu quả.

Thấy mô hình khá hiệu quả, ông Tô Văn Em đã đứng ra vận động anh Nguyễn Văn Thảo cùng một số thành viên tiêu biểu của các tổ hợp tác chăn nuôi và CLB khuyến nông cùng xây dựng mô hình nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế tiến tới thành lập HTX. Được sự hỗ trợ của BCĐ xây dựng NTM xã và các ngành chức năng, năm 2018 HTX Nông nghiệp Thuận Thới chính thức thành lập với sự tham gia của 15 xã viên trên diện tích 21ha.

Theo Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã Thuận Thới Nguyễn Văn Bỉ, Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm trong việc hỗ trợ ND sản xuất, trong đó có thành lập HTX theo đúng Luật HTX năm 2012. Việc xây dựng đạt tiêu chí 13 cũng đồng nghĩa tạo điều kiện cho bà con giao lưu hàng hóa, liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, không còn bị thương lại ép giá.

Điểm nổi bật của HTX là tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi có thêm thu nhập thông qua việc thu mua phân bò, bao tiêu phân trùn và trùn thương phẩm. Ngoài ra, HTX còn có lợi thế là Ban giám đốc và thành viên HTX trình độ chuyên môn cao (2 thạc sĩ, 2 kỹ sư) rất nhiệt tình hỗ trợ kỹ thuật cho ND.

HTX cũng có sự liên kết chặt chẽ với các viện, trường để được hỗ trợ về chuyên môn, đồng thời tạo mối quan hệ tốt với các HTX trong và ngoài tỉnh để cung cấp phân hữu cơ và trùn quế làm thức ăn chăn nuôi.

Đến dự đại hội thường niên HTX Thủy sản Huỳnh Tuấn (xã An Bình- Long Hồ), chúng tôi khá phấn khởi khi số xã viên tham gia vào HTX tăng lên 13 người, nâng tổng số bè cá lên 75 bè. HTX cũng đề ra mục tiêu sẽ cung ứng ra thị trường 650 tấn cá nguyên liệu. Theo ông Huỳnh Thành Tuấn- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, năm 2017 HTX thu được lợi nhuận 2,2 tỷ đồng- cao nhất từ trước đến nay.

HTX đã cung cấp cho thành viên 10 tấn cá giống, lợi nhuận của tổ cá giống khoảng 80 triệu đồng. Về cá nguyên liệu, đã cung cứng cho thị trường 550 tấn cá với doanh thu 19,25 tỷ đồng.

Nhờ giảm được một phần chi phí đầu vào (do gia đình xã viên tự quản lý, hạn chế thuê mướn nhân công), thời điểm thả cá giống giá còn thấp, bán trực tiếp cho doanh nghiệp, hình thức thanh toán tiền theo đúng hợp đồng, không còn tình trạng trả chậm hay chiếm dụng như trước đây nên sản xuất của thành viên có lợi nhuận cao.

Sản xuất gắn với tiêu thụ

Từ những năm 2012 đến nay, HTX Sản xuất dịch vụ Tấn Đạt (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) đã thực hiện liên kết sản xuất lúa gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị bằng cách đại diện ND ký hợp đồng với các công ty hoặc doanh nghiệp cung ứng vật tư cho ND sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho ND.

Về phía ND được mua vật tư giá thấp nhất và sản xuất cùng loại giống, nhờ sản xuất được lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường nên giá bán được cao hơn so với ND bên ngoài.

Vụ lúa Thu Đông năm 2018 vừa qua, HTX được Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp-PTNT) đầu tư mô hình liên kết gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị với quy mô 80ha (hỗ trợ 30% phân bón và 50% giống, giúp ND giảm được chi phí sản xuất).

Bên cạnh, ND còn được tập huấn kiến thức mới áp dụng vào sản xuất nhằm hạ đến mức thấp nhất chi phí đầu tư, đồng thời được trang bị thêm kiến thức trong đối phó với tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp, sản xuất song hành với bảo vệ môi trường sống tiến tới sản xuất theo hướng an toàn, sinh học.

Ngoài ra, ND còn được hỗ trợ đầu vào mua giống, vật tư giá thấp, đảm bảo chất lượng với giá thành thấp hơn 10% so mua bên ngoài đại lý. ND còn được hỗ trợ đầu ra cao hơn thị trường 100- 200 đ/kg. Như vậy, “nếu tính về hiệu quả kinh tế thì khi tham gia mô hình liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ theo chuỗi giá trị, ND sẽ có lời trước mắt hơn 500.000 đ/công.

Quan trọng nhất là qua mô hình quản lý dịch hại tổng hợp canh tác theo hướng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” làm giảm đáng kể chi phí trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, tăng giá trị hàng hóa”- ông Đoàn Văn Tài- Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nhận định.

Năm 2018, số lượng HTX thành lập mới tăng 25% so năm 2017, tăng 160% so Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 1/4/2016 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế tập thể; số lượng thành viên tham gia HTX quy mô ngày càng tăng (năm 2017 bình quân 17 thành viên/HTX, năm 2018 bình quân 20 thành viên/HTX).

Đạt được kết quả như trên là do có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong thực hiện đạt tiêu chí 13 về tổ chức sản xuất. Việc hỗ trợ chính sách của Nhà nước trực tiếp đến với HTX ngày càng đi vào chiều sâu, đáp ứng một phần khó khăn của HTX.

Từ tháng 1/2018, tỉnh thực hiện kế hoạch hỗ trợ cán bộ quản lý trẻ có trình độ CĐ trở lên về làm việc có thời hạn tại 10 HTX nông nghiệp, hỗ trợ cán bộ kỹ thuật cho 17 HTX nông nghiệp; tư vấn cho 5 HTX nông nghiệp về quản lý điều hành HTX, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh... Nhờ vậy, số HTX làm ăn có hiệu quả ngày càng tăng. Đa số các HTX tập trung tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ thành viên theo hướng đa dạng, đa ngành đi vào chiều sâu, có đến 30% số HTX thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 20% HTX nông nghiệp sản xuất theo hướng an toàn, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

>> Kỳ cuối: Để kinh tế tập thể phát triển bền vững-cần có chính sách đủ mạnh

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh