Để nối dài hành trình những chuyến xe buýt

06:10, 30/10/2018

Không chỉ là phương tiện giao thông công cộng an toàn, mang lại nhiều tiện ích, xe buýt còn là phương tiện kết nối giúp người dân nông thôn, vùng quê tiếp cận dễ dàng hơn với đô thị trung tâm, với thị thành. Vì vậy mà từ lâu xe buýt cũng đã trở thành phương tiện đi lại của nhiều người.

 

Tiết kiệm, an toàn, giảm tải giao thông, bảo vệ môi trường, đặc biệt chỉ cần leo lên xe, không cần biết đường cũng có thể đến nơi lại còn có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn… là những tiện ích mà xe buýt mang lại. Đã có thời xe buýt trở thành thời hoàng kim, thịnh hành. Tuy nhiên, dần về sau, xe buýt càng vắng, khách thưa dần.

Điều gì khiến xe buýt không còn sức hút? Và phải làm gì để xe buýt trở lại nhộn nhịp hơn, để những chuyến xe buýt- phương tiện kết nối đến những miền quê xa- không còn buồn, không còn vắng khách, thưa người?

Kỳ 1: Những chuyến xe buýt kết nối miền quê

Xe buýt vẫn còn là lựa chọn của nhiều người.
Xe buýt vẫn còn là lựa chọn của nhiều người.

Không chỉ là phương tiện giao thông công cộng an toàn, mang lại nhiều tiện ích, xe buýt còn là phương tiện kết nối giúp người dân nông thôn, vùng quê tiếp cận dễ dàng hơn với đô thị trung tâm, với thị thành. Vì vậy mà từ lâu xe buýt cũng đã trở thành phương tiện đi lại của nhiều người.

Kéo ngoại thành xích lại gần hơn với thị thành

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân theo tiêu chí rẻ- tiện, hệ thống xe buýt từ đó mà được hình thành và đã trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu của không ít người.

Nhiều người dân cho rằng, đi xe buýt không chỉ tiện mà còn lợi, như: tiết kiệm, an toàn, hạn chế căng thẳng hơn so với việc phải tự điều khiển xe. Đi xe buýt có thể thêm thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, đồng thời còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông và cũng sẽ tránh được khói, bụi.

Không chỉ vậy, xe buýt còn là phương tiện giao thông giúp kết nối những miền quê, vùng quê xa, hẻo lánh lại với nhau và kết nối gần với trung tâm, với thành thị, với nhiều dịch vụ công cộng tốt hơn và với chi phí rất rẻ- điều mà xe ôm hay taxi không thể nào cạnh tranh lại được.

Bởi đối với người dân ở các vùng quê, nếu muốn ra trung tâm huyện hay thành phố thay vì bắt xe ôm hoặc xe khách tốn tiền trăm (ngàn đồng) thì chỉ cần leo lên xe buýt, thong dong nói vài ba chuyện là đã đến nơi an toàn lại ít tốn kém.

Xe buýt góp phần “kết nối” nông thôn gần thành thị hơn.
Xe buýt góp phần “kết nối” nông thôn gần thành thị hơn.

Cũng có không ít người ở quê chọn xe buýt làm phương tiện để “lên thành” mua sắm, vui chơi từ sáng tới chiều mà chỉ tốn dăm ba chục ngàn đồng. Mê đi siêu thị nên cứ cách vài tuần là chị Nguyễn Ngọc Mai (xã Tích Thiện- Trà Ôn) lại cùng con gái theo xe buýt đi siêu thị ở TP Vĩnh Long chơi.

Chị Mai cười: “Do khách mối nên nhiều khi xe buýt không lấy tiền, lên đi chơi, mua sắm cho đã rồi về. Nhiều khi tôi đi khám bệnh hay đi công chuyện xa thì đi xe buýt tiện hơn, rẻ hơn. Chứ đi xe ôm hoặc xe khách có khi tốn tiền trăm hoặc tiền triệu”.

Cô Trương Thị Huệ- nhân viên bán vé xe bến xe khách huyện Vũng Liêm gần 20 năm- cho biết: “Người dân ở đây vẫn còn chuộng đi xe buýt lắm, nhất là học sinh, sinh viên. Có người sáng đi xe buýt lên Vĩnh Long đi siêu thị hay mua sắm rồi chiều lại theo xe buýt về, giá rẻ lại an toàn”.

Anh Nguyễn Văn Bé Ba- cho thuê đất làm bãi đậu xe buýt bến Tích Thiện- Trà Ôn chia sẻ: “Tôi thấy xe buýt bây giờ vẫn nhiều ưu điểm. Nếu có thời gian rảnh thì đi xe buýt khỏe hơn. Nhất là dành cho những người có thu nhập thấp như người đi bán vé số, người bán đồ rẫy có giang xe đi, bán xong lại theo xe về. Chỉ có xe buýt mới làm được vậy thôi”.

Theo ông Phan Tấn Hậu- Phó Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông- Vận tải): Các tuyến xe buýt đã đi vào hoạt động cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, như giải quyết được nhu cầu đến các chợ, bệnh viện, trường học, cơ quan, khu công nghiệp, khu dân cư trong đô thị... giảm được mật độ xe cơ giới cá nhân lưu thông trên các tuyến đường hạn chế ùn tắc giao thông và nhất là giảm thiểu được tai nạn giao thông.

Theo ông Phan Tấn Hậu, các tuyến buýt cũng đang góp phần “đô thị hóa” nông thôn. “Nhiều người dân lao động, buôn bán ở ngoại thành thay vì phải thuê nhà ở, thì nay họ cứ sáng đi theo xe buýt, tối lại về cùng xe buýt, rẻ lại tiện. Rồi bà con đi khám bệnh, chữa bệnh cũng thuận lợi hơn.

Đặc biệt là đối với trẻ em, người già và phụ nữ. Do đó, tôi thấy xe buýt “nở” về nông thôn và các vùng quê là rất có ích”- ông cho hay.

Ông Nguyễn Văn Hiệp- Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long- cũng cho rằng: “Không chỉ giúp người dân đi lại thuận lợi, xe buýt chính là nhịp cầu đầu tư, nhịp cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, kết nối nội thành- ngoại thành”.

“Bạn buýt”- bạn đồng hành của nhiều người dân

Không chỉ vậy, xe buýt còn được xem là “cứu tinh” cho học sinh, sinh viên nghèo ở xa. Không có xe máy, nhà xa khó di chuyển bằng xe đạp nên xe buýt đã trở thành bạn thân thiết của nhiều cô cậu học trò. 4 năm đại học là 4 năm Đỗ Anh Thư (Phường 1- TP Vĩnh Long) gắn với “bạn buýt”.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Thư đã chọn cho mình phương tiện di chuyển bằng xe buýt thay vì nằng nặc đòi mua xe máy như bạn bè. Thư chia sẻ: “Đi xe buýt vừa thuận tiện, an toàn lại giúp giảm bớt gánh nặng tiền bạc cho gia đình. Tính ra mỗi tháng Thư tiết kiệm cả triệu đồng tiền đi lại, vậy nên cũng nhẹ chi phí cho ba mẹ hơn”.

 Nhiều người mua bán “có giang” theo xe buýt sáng đi chiều về.
Nhiều người mua bán “có giang” theo xe buýt sáng đi chiều về.

Là khách mối của chuyến xe buýt từ Vũng Liêm đến TP Vĩnh Long, chú Lê Văn Thanh (thị trấn Vũng Liêm) cho hay: “Tôi thường xuyên đi xe buýt, cũng rất thích đi xe buýt do giá rẻ, lên Vĩnh Long chỉ tốn có mấy chục ngàn.

Đồng thời, ngồi trên xe để cảm nhận được nhịp sống hối hả xung quanh. Quan trọng là có thể thong dong đi đến đâu mà không cần biết đường, cũng không phải lo gặp mưa gió, lại không sợ cảnh sát giao thông kiểm tra bằng lái hay tuýt còi vì những lỗi không mong muốn. Tiện lợi biết bao nhiêu!”

Thế nhưng, vài năm trở lại đây nhiều chủ xe buýt than rằng “Xe buýt bây giờ ế lắm”, chỉ có thể “sống qua ngày thôi”. Theo hợp tác xã xe khách Vĩnh Long, đã qua rồi thời hoàng kim của xe buýt- cách đây khoảng 10- 15 năm trước. Lúc đó, xe buýt gần như trở thành phương tiện giao thông phổ biến dành cho nhiều người. Tuy nhiên, càng về sau này xe buýt lại càng dần mất lợi thế và dần tuột lại phía sau.

Cô Trương Thị Huệ- nhân viên bán vé xe bến xe khách huyện Vũng Liêm- cho hay rằng: “Hiện tại bến xe còn hơn 20 chiếc xe buýt. Một số chiếc đã trả về công ty, một số công ty ế quá chạy không có lời nên trả tuyến. Có ngày bến đón chỉ vài người khách. Hơn 10 năm trước, khách nhiều, giờ chở hàng nhiều hơn chở người”.

Xe buýt vừa tiện ích, giá rẻ, an toàn nhưng mỗi năm mỗi vắng. Vậy nguyên nhân do đâu mà xe buýt lại dần “mất điểm” như vậy?

Theo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông- Vận tải), mạng lưới xe buýt của tỉnh đã được hình thành từ năm 1995 với 3 tuyến và 30 xe hoạt động trên tuyến QL1 và QL53. Trong những năm qua, ngành giao thông vận tải đã hình thành 10 tuyến xe buýt với 7 tuyến nội tỉnh 3 tuyến liên tỉnh với số lượng 102 xe, tăng gấp 3, 4 lần so với ban đầu. Các tuyến xe buýt này được nối liền từ TP Vĩnh Long đi các huyện và liên tỉnh, tạo thành mạng lưới xe buýt khép kín, giải quyết được nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt phục vụ nhu cầu đi lại cho học sinh sinh viên, công nhân các khu công nghiệp và công chức được thuận lợi dễ dàng hơn.

 

Bài, ảnh: THẢO LY

(Còn tiếp)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh