Ảnh hưởng hạn, mặn- ngành nông nghiệp có nguy cơ tăng trưởng âm

Cập nhật, 08:07, Thứ Năm, 14/07/2016 (GMT+7)

6 tháng qua, tuy tình hình kinh tế có tăng trưởng nhưng do ảnh hưởng của hạn, xâm nhập mặn đã tác động rất lớn đến tăng trưởng chung của tỉnh. Theo dự báo, trong năm 2016 ngành nông nghiệp sẽ có tăng trưởng âm, đây là năm thứ 2, nông nghiệp 6 tháng đầu năm giảm (năm 2013 giảm 1,82%).

Cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đạt kết quả cao nhất năm 2016.
Cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đạt kết quả cao nhất năm 2016.

Sản xuất nông nghiệp gặp khó

Thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2016, 6 tháng qua, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, công nghiệp- dịch vụ tăng khá so cùng kỳ.

Trong số các chỉ tiêu nghị quyết, đáng chú ý là chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 10,55%, trong đó phần lớn các ngành, lĩnh vực sản xuất được phục hồi, chỉ số tồn kho giảm 25,12% so cùng kỳ.

Một chỉ tiêu tăng khá là tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 177,8 triệu USD, tăng 53,8% kế hoạch và tăng 39% so cùng kỳ. Các mặt hàng tăng mạnh là giày da tăng 73%; hàng dệt may và túi xách, vali tăng 33%; hàng rau quả tăng 35%... Thu ngân sách 6 tháng ước đạt 2.881 tỷ đồng, đạt 56,7% dự toán.

Tuy nhiên, tình hình hạn, xâm nhập mặn diễn biến phức tạp đã tác động trực tiếp đến việc sản xuất, trong đó sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp khó.

Theo thống kê, diện tích sản xuất lúa, màu, cây ăn trái đều giảm về năng suất và sản lượng. Cụ thể, năng suất lúa Đông Xuân đạt 6,386 tấn/ha, giảm 0,781 tấn/ha, sản lượng giảm 46.500 tấn; ước năng suất và sản lượng lúa Hè Thu giảm 10%; sản lượng cây lâu năm đạt 301.500 tấn, giảm 1,84%.

Ngoài sản xuất nông nghiệp, ngành nuôi trồng thủy sản cũng gặp khó do có sự biến động về giá. Ước sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác 6 tháng đạt 63.053 tấn, giảm 4,2% so cùng kỳ.

Ước giá trị sản xuất nông- lâm- thủy sản giảm 3,89% so cùng kỳ, trong đó ngành nông nghiệp giảm 4,06% (chưa tính vụ Hè Thu), ngành thủy sản giảm 2,83%. Kết quả trên dẫn đến tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh chỉ đạt 4,14% so với kế hoạch 7,2%.

Trong đợt hạn, xâm nhập mặn vừa qua, ước tổng thiệt hại trên địa bàn tỉnh là 252 tỷ đồng, trong đó có 3 huyện bị ảnh hưởng nhiều nhất là Vũng Liêm (241 tỷ đồng), Trà Ôn (8 tỷ đồng), Mang Thít (2,4 tỷ đồng). Tổng kinh phí đã hỗ trợ để khắc phục hạn, xâm nhập mặn đến nay gần 45 tỷ đồng.

Hiện các huyện đã cơ bản kiểm soát và ngăn chặn được ảnh hưởng của hạn mặn đến sản xuất và sinh hoạt.

Tuy nhiên, các vườn cây ăn trái bị nhiễm mặn ở Vũng Liêm chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả, phải đốn bỏ để trồng mới, các địa phương cần nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng các công trình phòng chống lụt bão và ngăn mặn.

Cần có giải pháp đối phó với hạn, mặn

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, tuy kinh tế có tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chậm dần. Cụ thể, tăng trưởng GRDP 6 tháng chỉ đạt 4,14%, thấp nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.

Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp, thủy sản 6 tháng giảm, không những kéo theo GRDP giảm mà còn là dấu hiệu báo động đối với Vĩnh Long- một tỉnh có tiềm năng thế mạnh về nông nghiệp và đa số người dân sống ở vùng nông thôn.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn (từ đầu năm đến nay có 47 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động), các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đạt hiệu quả chưa cao.

Theo Nghị quyết Tỉnh ủy, trong năm 2016 sẽ xây dựng 8 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Tính đến thời điểm hiện tại, 8 xã đăng ký mới đạt bình quân 16,1 tiêu chí/xã và hiện còn 19/29 công trình chưa có nguồn vốn để phân bổ. Đối với 3 xã Hậu Lộc (Tam Bình), Phước Hậu (Long Hồ), Tân Lược (Bình Tân), có 22 công trình cần xây dựng, đến nay mỗi xã chỉ được phân bổ vốn cho 1 công trình trường học.

Xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng nhưng do đóng góp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thủy sản trên địa bàn chậm phục hồi.

Theo ông Nguyễn Minh Tho- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, với tình hình khó khăn hiện tại, ngành sẽ tập trung khắc phục những khó khăn.

Theo đó, ngành sẽ tập trung quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp- nhất là đề án đưa cây màu xuống ruộng, các mô hình có hiệu quả cao. Đánh giá bổ sung lịch thời vụ cũng như cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện hiện nay, đặc biệt là những lĩnh vực có thể đem lại thu hoạch cao như trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản,…

Tăng diện tích lúa Thu Đông ở những vùng phù hợp để bù lại sản lượng Hè Thu sụt giảm. Tuy đưa ra các giải pháp như trên, song tình hình vẫn không mấy khả quan. Dự báo trong năm 2016 giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản của tỉnh sẽ giảm khoảng 2,5%.

Dịp này, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương hỗ trợ về đầu tư hạ tầng cơ sở. Bởi, hiện nay ở hầu hết các địa phương, những công trình dự án đê bao, kinh mương nội đồng chuẩn bị thi công đa số vướng giải phóng mặt bằng nên đề nghị các địa phương quan tâm hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ.

Định hướng một số vấn đề cần tập trung thực hiện 6 tháng cuối năm, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, các ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đạt kết quả cao nhất năm 2016.

Rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhóm dự án năm 2016, trong đó chú ý nhân rộng các mô hình sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu, các mô hình liên kết.

Đồng chí cũng lưu ý cần quan tâm tổng hợp thiệt hại khắc phục tình trạng ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn. Theo đó, cần thống kê để miễn lãi, giảm lãi, tái cơ cấu lại nợ đối với những trường hợp bị ảnh hưởng và chuẩn bị các giải pháp phòng chống sạt lở, hạn, mặn năm 2017 một cách quyết liệt.

Song song đó, tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, nhất là phải hoàn thành mục tiêu xây dựng 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016.

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón chỉ đạo cần tập trung quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn xây dựng cơ bản, quan tâm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc những khâu còn chậm như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, thu hồi đất,… Trong 6 tháng, tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước chậm. Cụ thể, trong 6 tháng, giải ngân được 565 tỷ vốn đầu tư của kế hoạch vốn năm 2016, đạt 19,6%, thấp hơn 6,74% so cùng kỳ; trong đó nguồn vốn địa phương quản lý chỉ đạt 16,1% kế hoạch năm 2016.

 

Bài, ảnh: THANH TÂM