Nhận diện những thách thức lớn của ĐBSCL

Cập nhật, 15:30, Thứ Tư, 13/07/2016 (GMT+7)

 

Còn nhiều trăn trở trong sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.
Còn nhiều trăn trở trong sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn và hàng loạt vấn đề bức xúc của vùng ĐBSCL đang diễn ra hàng ngày, tạo ra nhiều áp lực và thách thức lớn trong quá trình hội nhập.

Ông Nguyễn Quốc Việt- Phó Trưởng ban BCĐ Tây Nam Bộ, đã đưa ra những nhận diện mở đầu tại Hội nghị “ĐBSCL- chủ động hội nhập và phát triển bền vững”, và cho rằng, đòi hỏi năng lực hội nhập vùng ĐBSCL phải được đánh giá nghiêm túc, toàn diện để có phương án chủ động, tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức.

Những đòi hỏi cấp bách

Bên cạnh những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa ĐBSCL đã đạt được, thực trạng kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, thách thức mới, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế.

Đó là: tăng trưởng kinh tế thiếu vững chắc, hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, đội ngũ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, đặc biệt các ngành khoa học công nghệ còn nhiều bất cập.

Công tác quy hoạch vùng còn chậm, tính khả thi chưa cao, nhất là chưa có định hướng, kế hoạch cụ thể để chủ động hội nhập quốc tế và phát triển theo hướng chất lượng, bền vững.

Từ đó, ông Nguyễn Quốc Việt nhận định: “Hàng loạt vấn đề lớn của vùng ĐBSCL đòi hỏi phải được giải quyết cấp bách.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Tây Nam Bộ Vương Đình Huệ:

 

Cần nhận thức về cơ hội và thách thức một cách sâu sắc, cụ thể trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhất là tác động bởi biến đổi khí hậu đối với đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển bền vững của vùng. Trong đó tập trung vấn đề rà soát, quy hoạch thủy lợi cho vùng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, cân đối thị trường đầu vào đầu ra nông sản… Các giải pháp đòi hỏi phải mang tính tổng thể, chiến lược cụ thể và phải hành động ngay.

Nền nông nghiệp phải được tái cơ cấu và phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, áp dụng khoa học công nghệ để tăng chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn vốn; nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân. Bên cạnh, trình độ công nghệ, năng suất, chất lượng, hiệu quả đầu tư kinh doanh phải được nâng cao để đủ năng lực cạnh tranh”.  

TS.Nguyễn Quốc Dũng- Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV, đưa ra những thách thức tác động từ biến đổi khí hậu, cho thấy những năm gần đây xâm nhập mặn diễn ra khắc nghiệt.

Từ cuối năm 2015 đến nay, nhiều diện tích cây trồng đã bị ảnh hưởng. Trong khi đó, thách thức từ nông sản của các nước nhập khẩu ồ ạt vào thị trường trong nước cạnh tranh với nông sản nội địa, nếu không chuẩn bị tốt sản phẩm nông sản của ĐBSCL có thể bị thua ngay trên sân nhà.

Bên cạnh, những quy định rào cản kỹ thuật như những quy định của TPP về quy tắc xuất xứ sẽ gây khó khăn cho một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy- hải sản, những yêu cầu cấm trợ cấp đánh bắt thủy hải sản có thể gây bất lợi đối với chính sách phát triển của ngành này.

Ở một góc nhìn “cận cảnh”, ông Trần Hữu Hiệp- Ủy viên chuyên trách kinh tế BCĐ Tây Nam Bộ nhìn nhận: “Danh xưng “Vựa lúa quốc gia” dành cho ĐBSCL đã có từ lâu đời, đã đến lúc cần nhìn nhận lại. Đã đến lúc không cần tự hào về mỹ từ “vựa lúa”.

Hay nhìn rộng ra, người Việt Nam chúng ta cũng không cần thiết phải tự hào là cường quốc số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, cá tra, “vương quốc trái cây”. Tự hào làm chi là những người làm ra thật nhiều nông sản cung ứng cho toàn cầu mà dân ta vẫn còn nhiều khó khăn”.

Do vậy, với hình ảnh sân bóng và đội bóng, ông Trần Hữu Hiệp đề xuất: “Định hướng chiến lược, giải pháp chiến thuật cho “đội bóng” trong “sân chơi mới” để tái cơ cấu và phát triển bền vững nền nông nghiệp ĐBSCL, chủ động hội nhập, cạnh tranh, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững cần những “định hướng chiến lược” lẫn “giải pháp chiến thuật”. 

Đứng trước thách thức- nông dân và doanh nghiệp phải liên kết

GS,TS.Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ tham gia Hội nghị với bài tham luận rất đáng chú ý liên quan đến những tác động của việc gia nhập AEC và TPP đến nông dân và doanh nghiệp Việt Nam.

Thực tế trong kinh tế thị trường hiện nay, nông dân và doanh nghiệp mất lòng tin lẫn nhau, ít gắn bó. Điều này đưa đến nghịch lý là nông dân tự do nuôi trồng giống cây con nào dễ bán; phần lớn bán cho thương lái vì ít có doanh nghiệp đến mua. Còn doanh nghiệp phải mua hàng trôi nổi của thương lái, tìm ai bán rẻ nhất thì mua.

Trong khi đó, GS,TS.Võ Tòng Xuân nêu thực trạng sản xuất hiện nay, nhà nước chưa làm hết vai trò của mình, để mặc nông dân và doanh nghiệp tự lo; chưa chuẩn bị cho họ cải tiến năng lực cạnh tranh mà chỉ lo thương thuyết và ký kết các hiệp ước hội nhập kinh tế thế giới, tự do thương mại.

Bởi theo GS,TS.Võ Tòng Xuân, nếu công tác chuẩn bị không tốt, một số ngành kinh tế nước ta sẽ bị chết yểu trước sức tấn công của hàng hóa ngoại nhập. Chịu sức ép cạnh tranh nhiều hơn nhất là nông dân làm ăn cá thể và các doanh nghiệp trong một số ngành, doanh nghiệp vừa và nhỏ, có vốn ít.

GS,TS.Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, khi phải hội nhập một sân chơi chung, chấp nhận cạnh tranh, nhưng ít hiểu biết về những vấn đề phức tạp của pháp lý và thông lệ quốc tế, kể cả ngoại ngữ, văn hóa đa dạng.

Các doanh nghiệp đặc biệt khối tư nhân cần xác định rõ vị trí hiện tại của mình, để tìm hướng đi đúng đắn nhất khai thác những cơ hội khi Việt Nam gia nhập AEC, TPP.

 Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước là một trong những đòi hỏi cấp bách tại ĐBSCL.
Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước là một trong những đòi hỏi cấp bách tại ĐBSCL.

Và trả lời câu hỏi cần phải làm gì? GS,TS.Võ Tòng Xuân nói:

“Phải biết người biết ta, thấy được cơ hội, lường được những thách thức. Nhà nông với nhà doanh nghiệp và dịch vụ liên kết tin tưởng lẫn nhau. Nông dân cá thể sẽ không tồn tại được, mà thay vào đó phải là nông dân tập thể- hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nguyên liệu từ nông dân. Nhà nước tích cực đầu tư công nghệ, nâng cao trình độ tay nghề của tất cả các thành phần kinh tế”. 

Và để ngành nông nghiệp ĐBSCL chủ động và phát triển bền vững, TS.Nguyễn Quốc Dũng nhận định: “Ngành nông nghiệp của vùng phải “sở hữu” được những “con thuyền lớn” đủ sức đương đầu với “sóng to, gió lớn”, nói cách khác là để tận dụng hết cơ hội và hóa giải tốt những thách thức.

Muốn vậy, thời gian tới, ĐBSCL cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chuẩn bị tốt với một tâm thế luôn chủ động về các nguyên liệu đầu vào, định hướng thị trường, đối tác, phương thức sản xuất và quản trị…Điều này một lần nữa cho thấy cần sự vào cuộc, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, đặc biệt là nâng cao nhận thức cho nông dân về hội nhập”.

Ông Trần Hữu Hiệp- Ủy viên chuyên trách kinh tế BCĐ Tây Nam Bộ

 

Đã đến lúc cần nhìn nhận lại mỹ từ “vựa lúa”. Người Việt Nam chúng ta cũng không cần thiết phải tự hào là cường quốc số 1, số 2 thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, cá tra, “vương quốc trái cây”. Tự hào làm chi là những người làm ra thật nhiều nông sản cung ứng cho toàn cầu mà dân ta vẫn còn nhiều khó khăn”.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC- LÊ SƠN