Vùng khoai có máy vun luống, máy thu hoạch

Cập nhật, 06:25, Thứ Năm, 14/07/2016 (GMT+7)

Bộ môn Cơ điện nông nghiệp, Viện Lúa ĐBSCL kết hợp với Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long thực hiện đề tài nghiên cứu “Xây dựng mô hình cơ giới hóa sản xuất khoai lang ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long”.

Sau gần 2 năm thực hiện, ban chủ nhiệm thực hiện đề tài đã tiến hành vận hành thử nghiệm trong điều kiện sản xuất thực tế tại xã Thành Đông (Bình Tân) và đạt được những kết quả đáng kể.

Máy thu hoạch khoai lang theo luống, giúp tăng công suất gấp 24 lần.
Máy thu hoạch khoai lang theo luống, giúp tăng công suất gấp 24 lần.

Ông Ngô Văn Tua- Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ khoai lang Thành Đông cho biết: Máy ép vòng (máy vun luống khoai) hoạt động đã giảm bớt chi phí công lao động khoảng trên 40%, thời gian vận hành đạt 2.500- 3.000m2 trong 1 giờ, tùy theo loại đất.

Như vậy, nếu máy hoạt động trong 1 ngày (8 giờ) sẽ vun xong khoảng 2ha (tương đương với >40 công lao động làm trong 1 ngày). Nhờ vậy mà đã nâng cao được hiệu quả kỹ thuật, nâng cao hiệu quả kinh tế, giải quyết được nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương trong lúc thời vụ tập trung.

Còn ông Dương Hữu Phước- Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bình Tân nhận định: "Máy vun luống khoai lang thực hiện theo giồng xuôi và mỗi lần chỉ vun 1 giồng xuôi theo chiều dài thửa ruộng. Chân luống rộng 1,05m, rãnh sâu 20cm, chiều cao luống 40cm.

Máy vun luống hoạt động nhanh, gọn, đạt yêu cầu kỹ thuật. So với vun luống bằng thủ công (vun luống bằng tay) thì máy vun luống tăng công suất gấp 48 lần.

Đối với máy thu hoạch, ông Dương Hữu Phước cho biết: Máy thu hoạch khoai lang cũng thực hiện theo giồng xuôi và mỗi lần thu hoạch chỉ 1 giồng khoai. Máy cũng hoạt động nhanh, gọn, đạt yêu cầu kỹ thuật và củ khoai không bị trầy xước, không giập. So với thu hoạch bằng thủ công thì máy thu hoạch tăng công suất gấp 24 lần.

Tuy nhiên, hạn chế của máy vun luống là ở dưới rãnh còn lại một số đất con do máy không vét hết lên luống được, chiều cao luống chỉ đạt 40- 45cm là chưa đáp ứng yêu cầu (nông dân cuốc tay sẽ đạt chiều cao 60cm). Đối với máy thu hoạch thì khâu nhặt củ sẽ chậm hơn do củ khoai đã rời rạc, không còn kết dính theo chùm như thu hoạch bằng thủ công.

Như vậy, khi thực hiện được khâu vun luống bằng máy thì chúng ta có thể áp dụng đồng bộ các biện pháp khác như diệt cỏ, bón phân, tưới nước; đồng thời thu hoạch bằng máy thì có thể giảm được nhiều công lao động.

Do đó, nếu canh tác khoai lang theo đúng chuẩn và áp dụng cơ giới hóa thì người trồng khoai có thể tiết kiệm được chi phí canh tác, góp phần hạ giá thành sản xuất.

Ngoài ra, khi áp dụng cơ giới hóa thì nông dân sẽ không lo việc thiếu nhân công lao động ở những thời điểm vào vụ tập trung xuống giống hoặc thu hoạch, khoai lang được xuống giống kịp thời vụ cũng phát triển tốt hơn.

Lúc có giá cao, nông dân chủ động thu hoạch nhanh cũng bán được giá, không bị động chờ công lao động...

Canh tác khoai lang hiện nay phải tốn rất nhiều công lao động và đây là những công việc nặng nhọc cần được làm trong thời gian ngắn.

Chính vì vậy, việc áp dụng máy vun luống và thu hoạch sẽ giải quyết được vấn đề thiếu nhân công lao động tại địa phương, ngoài ra còn giảm được giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng khoai, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp của tỉnh nhà.

Cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những khâu quan trọng khi sản xuất cây trồng nói chung. Cơ giới hóa trong nông nghiệp sẽ góp phần vào việc tăng năng suất lao động, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kỹ thuật và kinh tế, giảm cường độ lao động nặng nhọc cho nông dân,... Đồng thời còn đáp ứng kịp lịch thời vụ, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở nông thôn, tăng mùa vụ và hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu.

Bài, ảnh: Ths. NGUYỄN VĂN LIÊM