Phát hiện một 'Hố đen' vũ trụ có hành vi bất thường

Cập nhật, 14:36, Thứ Sáu, 03/05/2019 (GMT+7)

Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra một hố đen liên tục bắn ra các đám mây plasma vào vũ trụ.

Hình ảnh minh họa về hố đen V404 Cygni. Ảnh: ICRAR
Hình ảnh minh họa về hố đen V404 Cygni. Ảnh: ICRAR

Theo một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature mới đây, hố đen có tên V404 Cygni cách Trái đất 8.000 năm ánh sáng này không hoạt động giống các hố đen khác. Các tia mà nó bắn ra chỉ cách nhau vào phút và theo mọi hướng. 

Theo CNN, các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng hố đen là một trong những vật thể “cực đoan” nhất trong vũ trụ và V404 Cygni thậm chí còn khác biệt hơn hẳn. 

Tác giả nghiên cứu James Miller-Jones, Phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Thiên văn Vô tuyến Quốc tế thuộc Đại học Curtin  nói: “Đây là một trong những hệ thống hố đen bất thường nhất mà tôi từng gặp”.

Ông Miller-Jones giải thích: “Cũng như nhiều hố đen khác, hố đen V404 Cygni ‘ăn’ ngôi sao gần đó, hút khí từ ngôi sao và hình thành một đĩa vật liệu bao quanh hố đen, di chuyển theo hình xoắn ốc.

Điều khác biệt ở V404 Cygni là chúng tôi cho rằng đĩa vật liệu và hố đen chệch nhau. Điều này dường như đang khiến phần bên trong của đĩa bắn ra các tia tứ phía khi thay đổi hướng”.

Hố đen V404 Cygni lần đầu được phát hiện năm 1989 vì nó bắn ra các tia và phóng xạ. Các lần phun tia liên quan tới hố den này được ghi nhận năm 1939 và 1956.

V404 Cygni gây chú ý với các nhà thiên văn toàn thế giới khi nó tạo ra một đợt phun tia rực rỡ kéo dài suốt 2 tuần năm 2015. Kính viễn vọng tại đặt nhiều nơi đã ghi lại sự kiện này.

Thông thường, các tia bắn ra từ hố đen theo nhiều hướng với tốc độ cách nhau vài giờ.

Bản thân hố đen quay tròn và lực hút rất lớn đến mức hút cả không gian và thời gian quanh nó. 

Vật liệu trong các tia bắn ra từ đĩa đang quay của hố đen. Đĩa này hình thành khi vật liệu từ ngôi sao gần đó bị hút vào vòng tròn quanh hố đen.

Về kích thước, hố đen V404 Cygni to gấp 9 lần Mặt trời và đĩa của nó có đường ngang là 10 triệu km.

Các tia bắn ra các vật liệu ở tốc độ bằng 60% tốc độ ánh sáng.

Các nhà nghiên cứu đã phải dùng một kỹ thuật khác để ghi lại được những gì đang diễn ra trong hố đen V404 Cygni. Thông thường, họ sử dụng biện pháp phơi sáng lâu.

Ông Alex Tetarenko, một tác giả nghiên cứu thuộc Đài quan sát Đông Á nói: “Những tia này thay đổi nhanh tới mức hình ảnh trong 4 giờ mà chúng tôi nhìn thấy chỉ là một vệt mờ”.

Do đó, nhiều lần phơi sáng 70 giây đã được kết hợp để làm một đoạn phim về hành động mà các nhà thiên văn quan sát thấy ở V404 Cygni.

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức