Keo mắm thay cho những buổi chợ

08:08, 03/08/2021

Khi mà câu lưới có được nhiều cá quá, thì ông bà mình nghĩ ra cách làm khô, làm mắm để dành đó mà ăn quanh năm, suốt tháng. 

 

Mắm chưng, mắm kho cùng đi qua những ngày giãn cách.
Mắm chưng, mắm kho cùng đi qua những ngày giãn cách.

Khi mà câu lưới có được nhiều cá quá, thì ông bà mình nghĩ ra cách làm khô, làm mắm để dành đó mà ăn quanh năm, suốt tháng. Những món ăn để dành những lúc nhà không còn đồ ăn, khi không có tiền đi chợ, hoặc những khi mưa gió bão bùng, người quê có thể “cố thủ” với những món ăn mắm, muối thoải mái. Mà đó lại là những món ăn đặc trưng và đặc biệt ngon với người dân quê mình.

Xứ đồng bằng xưa, thì những giàn lu khạp sau hè là các hũ mắm thường để nấu nước mắm, còn khi cần làm ra con mắm để chế biến các món ăn thì nhận mắm trong hũ nhỏ hoặc các keo to to để trong chái bếp. Còn khô thì sau khi phơi khô thường treo trên giàn bếp hun khói như cách bảo quản theo kinh nghiệm dân gian. Cá nào cũng có thể làm mắm, làm khô, nhưng do khẩu vị, thích thú qua quá trình sàng lọc ông bà mình thường chọn một số loại được cho là ngon như: cá lóc, cá sặt, cá chốt, cá trèn…

Các loại kho mắm, cùng với các loại dưa muối, các loại rau sẵn bên nhà hoặc trồng trong những chiếc xuồng bể, thì cái ăn của người xưa nó vẫn đủ vị, ngon lành và đậm đà biết mấy tình quê. Trong những ngày này càng không ra đường càng tốt, tính toán sao mà gia đình đơn giản như mình cả tuần lễ không ló mặt ra chợ vẫn… khỏe ra. Vậy nên, lủ khủ nào là hũ hột vịt muối, keo dưa muối đu đủ, hũ cà pháo và khô, mắm đủ đầy, cùng rẫy rau; hóa ra lại là lúc có nhiều thời gian dành cho bếp núc, mọi người cùng xúm xít mà bữa ăn càng thêm ngon, thêm ấm áp tình cảm gia đình.

Nếu như mắm kho ăn đã đời một bữa rồi thôi, thì món mắm chưng lại hữu hiệu trong việc làm một thố lớn rồi cứ để đó bao lâu cũng được. Móc con mắm lóc trong keo bằm thiệt nhuyễn, mấy lát thịt ba chỉ trong… tủ lạnh, cứ theo lối cũ chế biến của ông bà xưa mà chuẩn bị đầy đủ các gia vị trộn ướp đơn sơ, chuẩn bị mấy hột vịt thêm vào là bắc nồi nước lên chưng cách thủy, là cả nhà mặc sức cuộn, chấm các loại rau, chuối, khế sẵn có vườn nhà. Cứ mỗi lần ăn thì xẻ ra một phần, bao nhiêu dành lại đó. Nhắc nhở hồi xưa hay để đổi thay khẩu vị, thì thỉnh thoảng nhón mấy con mắm sặt ăn với cơm nguội khi bụng lưng lửng đói giác xế chiều, nhai lá cần gai, cắn trái ớt hiểm xanh, nó ngon chẳng thua bất cứ cao lương mỹ vị ở nhà hàng sang trọng nào. “Ta nói, cái thứ ăn bốc ngay dưới bếp, nó y như mấy đứa nhỏ ăn vụng hồi xưa”, vừa ăn mà như vừa lẩm nhẩm với biết bao thương nhớ, bao ấm áp yêu thương những món ăn gói ghém tình quê, kỷ niệm gia đình, nhắc nhớ người này, người kia.

Được sống ở nơi giáp chợ, giáp quê, dù sao cũng quá nhiều hạnh phúc với không gian để thụ hưởng nhiều điều, khi cần mình có thể đổi thay chút đỉnh thói quen là có thể gần như trở lại nhịp sống, lối ăn của ngày xưa. Chỉ thương những bà con đô thị quá lớn, quá đông đúc, trong điều kiện khó khăn về nhà ở, không gian sống chật chội, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn với câu chuyện thiết yếu nhất là những bữa cơm hàng ngày. Nên rằng ngon thì thiệt là ngon, nhưng vẫn nặng lòng nhiều lắm với những bà con đang đối mặt khó khăn hơn mình gấp bội. Vậy nên, người quê mình cùng nhau quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh sớm qua đi, ngay từ những chuyện nhỏ nhặt nhất, từ bỏ một số thói quen thôi để sống nhẹ nhàng, không bối rối trong hoàn cảnh hiện nay. Rồi mọi khó khăn sẽ qua đi.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh