Tôi đề nghị văn kiện Trung ương nghiên cứu bổ sung cụm từ "dân thụ hưởng" (trang 66 dự thảo) trong thực hiện phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"
Ông Đỗ Thanh Hồng- Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Long Hồ
Ông Đỗ Thanh Hồng. |
Tôi đề nghị văn kiện Trung ương nghiên cứu bổ sung cụm từ “dân thụ hưởng” (trang 66 dự thảo) trong thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” theo như dự thảo báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh có nêu đầy đủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Qua nghiên cứu, bản thân tôi nhận thấy, trong thời gian qua có nhiều chủ trương, chính sách mà “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng chuyện “dân thụ hưởng” thì chưa đạt. “Dân thụ hưởng” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là những chủ trương, công trình, dự án..., được thực hiện để phục vụ tốt cho nhân dân và nhân dân phải là người trực tiếp thụ hưởng.
Tôi xin ví dụ cụ thể về vấn đề tôi cho là chưa đúng nghĩa “dân thụ hưởng”, như việc trợ cấp giá thu mua lúa gạo, nhưng nông dân hầu như không hưởng được lợi mà lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay doanh nghiệp. Tôi cho rằng, ở một chừng mực nào đó vấn đề “dân thụ hưởng” chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, theo tôi nên bổ sung vào văn kiện của Trung ương phương châm “dân thụ hưởng” thành “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Ông Nguyễn Văn Hoặc- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ
Ông Nguyễn Văn Hoặc. |
Tôi cho rằng, trong nhiệm kỳ mới, cần quan tâm cải tiến thủ tục hành chính để công tác giải phóng mặt bằng nhanh hơn. Hiện nay, chúng ta thực hiện nhiều chủ trương mới. Trong đó, giá thu hồi đất đối với dân rất có lợi. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là quy trình Luật Đất đai của chúng ta làm quá chậm. Tôi thí dụ, việc giải tỏa thu hồi đất ở Long Hồ làm cống hở khoảng 200m2 cũng phải qua Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh thành lập tổ đi khảo giá thực tế. Sau đó, về họp hội đồng ở Sở Tài nguyên- Môi trường, khi có kết quả phải trình ra Hội đồng thẩm định của Sở Tài chính. Trong hội đồng, cũng xem xét lại có phù hợp không, nếu không phù hợp thì đi xuống khảo sát lại nữa, rồi thông qua hội đồng lần nữa. Khi có kết quả thì giao lại Sở Tài nguyên- Môi trường trình UBND tỉnh. Do đó, ở địa phương chúng ta có nhiều công trình, dự án phục vụ cho xã nông thôn mới năm 2015, nhưng hiện nay chưa thi công được cũng vì chờ giá thực tế. Cũng có những công trình, dự án mà thủ tục kéo dài từ 7- 8 tháng, có khi mất cả năm mới hoàn thành hồ sơ.
Đại tá Trần Văn Thắng- Trưởng Công an huyện Long Hồ
Đại tá Trần Văn Thắng. |
Về lĩnh vực an ninh, tôi cho rằng khi điều kiện kinh tế- xã hội phát triển, kéo theo đó là tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội cũng tràn lan gây bức xúc trong nhân dân. Tôi kiến nghị trong phương hướng tới, cần làm sao để hoàn thiện hệ thống chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Cụ thể là chúng ta đang gặp khó trong việc xác định tình trạng nghiện, khi đưa các đối tượng cai nghiện đến trung tâm thì bị trả về do vướng hồ sơ, không xác định được tình trạng nghiện và không biết cấp nào xác định. Riêng y tế cấp xã vẫn chưa được đào tạo để xác định tình trạng nghiện và không có chỗ an toàn để giữ người nghiện. Theo thống kê, toàn tỉnh thống kê 1.078 đối tượng nghiện, nhưng đây mới là con số được quản lý. Để kiếm được tiền thỏa mãn cơn nghiện thì họ trộm cắp, cướp giật... Vấn đề này đang gây bức xúc trong xã hội. Bên cạnh, còn có các văn bản liên quan như là Nghị định 171 về xử phạt hành chính còn vướng, cần sửa đổi bổ sung.
Hiện, lực lượng vũ trang rất được Đảng, Nhà nước quan tâm. Tuy nhiên, tôi kiến nghị cần quan tâm chăm lo hơn nữa đời sống cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an có thu nhập thấp.
XUÂN TƯƠI (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin