ĐƯA NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4 (KHÓA XI) CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG:

Tự phê bình và phê bình- quy luật tồn tại và phát triển của Đảng

Cập nhật, 08:54, Thứ Sáu, 22/03/2013 (GMT+7)

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” xác định nhóm giải pháp hàng đầu là nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên. Đảng muốn tồn tại và phát triển thì phải làm tốt tự phê bình và phê bình. Đây là quy luật phát triển của Đảng.

Thật vậy, Đảng tồn tại và phát triển trong quá trình đấu tranh khắc phục những mâu thuẫn nội tại liên tục nảy sinh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa nhận thức chủ quan có hạn với thực tiễn không ngừng vận động.

Trong quá trình chấp hành một chủ trương, một nghị quyết, Đảng luôn rút kinh nghiệm, phân tích nguyên nhân thành công hay thất bại để phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém, phấn đấu cho cái tiến bộ, đẩy lùi cái lạc hậu.

Sự trưởng thành của cán bộ, đảng viên không chỉ sinh hoạt ở chi bộ, sinh hoạt cấp ủy hàng tháng, hàng năm mà còn diễn ra trong sinh hoạt từng ngày qua từng sự việc. Vì vậy cán bộ, đảng viên thường xuyên tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng, để khắc phục những thiếu sót, phát huy những ưu điểm đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ, đảng viên mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt”(1).

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947) Bác nhấn mạnh: “Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm… Chúng ta phải ráo riết dùng phê bình và tự phê bình để giúp nhau chữa cho hết những bệnh ấy. Có như thế Đảng mới chóng phát triển”(2).

Để làm tốt công tác tự phê bình và phê bình trong tổ chức và sinh hoạt Đảng, Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trước tiên phải có thái độ thành khẩn, phải trung thực và kiên quyết, phải xuất phát từ cái tâm trong sáng của mỗi người, phải thật thà, dũng cảm không thêm bớt, không che giấu khuyết điểm của mình.

Có như vậy tổ chức Đảng mới mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên mới tốt hơn. Cách phê bình phải thành thật, giàu lòng nhân ái, khách quan. Thái độ phê bình phải có văn hóa chứ không phải nói xấu, trù dập nhau. Điều cốt yếu nhất là phải thắng được “vật cản” chủ nghĩa cá nhân; tự phê bình và phê bình phải biến thành hành động tích cực, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh. Nếu không làm tốt sẽ suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng.

Bác Hồ kêu gọi phải mở rộng phong trào tự phê bình và phê bình trong tổ chức và sinh hoạt Đảng; trong các cơ quan đoàn thể và trong quần chúng nhân dân. Tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, liên tục, dân chủ, từ trên xuống và từ dưới lên trên.

Có thể nói những lời dạy của Bác về tự phê bình và phê bình cách nay hơn 60 năm đến nay vẫn còn nguyên giá trị, mang tính thời sự và đặc biệt có ý nghĩa to lớn khi thực hiện Nghị quyết Trung ương (khóa XI) trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), về phương châm thực hiện, Chỉ thị của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh. Kết hợp “chống và xây”, “xây và chống”, nói đi đôi với làm…

Về tổ chức kiểm điểm, Chỉ thị của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để cho các cấp noi theo” .(3)

Sự gương mẫu của cấp ủy cấp trên và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền là yếu tố có ý nghĩa quyết định kết quả tự phê bình và phê bình.
 
Thực tế cho thấy, khi cán bộ lãnh đạo cấp trên và người đứng đầu gương mẫu thực sự tự giác và kiểm điểm nghiêm túc thì cán bộ cấp dưới cũng thực hiện nghiêm túc và ngược lại. Tấm gương tự phê bình của cấp trên rất quan trọng đối với cấp dưới.
 
Cần thiết, cấp trên khuyến khích cấp dưới mạnh dạn thẳng thắn nhận xét phê bình cấp trên để cấp trên khắc phục những thiếu sót.

Thực tế cho thấy một số cơ quan, đơn vị chưa làm tốt công tác tự phê bình và phê bình vì cấp dưới không dám phê bình cấp trên, vì e ngại sợ bị thành kiến, trù dập… Như vậy thì chưa có sự kết hợp chặt chẽ tự phê bình và phê bình từ trên xuống và từ dưới lên. Công tác tự phê bình và phê bình chưa nghiêm túc và chưa mang lại hiệu quả.

Lần này, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng đã khơi dậy niềm tin, đã thổi một luồng gió mới thật mát vào lòng của quần chúng nhân dân và cán bộ đảng viên trung kiên. Mong muốn các cấp ủy Đảng tổ chức, thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, tạo sự chuyển biến thực sự trong Đảng. Bởi, Đảng mạnh đâu phải tự nhiên có, Đảng mạnh từ trong mỗi đảng viên.

Nghị quyết Trung ương 4 sẽ thật sự đạt thắng lợi to lớn khi mỗi cán bộ, đảng viên và cấp trên gương mẫu tự phê bình, phê bình để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực và sức chiến đấu; tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng. Đó chính là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.

(1) HCM-TT, NXBCTQG- HN 2000- T5- Tr 239

(2) HCM-TT, NXBCTQG- HN 2000- T5- Tr 267

(3) Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 – BCHTƯ khóa XI –NXBCTQG-HN 2012- Tr 27

MỸ KIM