Phát biểu cuối phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định trong thời gian tới cần xác định những công trình giao thông thực sự cấp bách, có vai trò kết nối, mang lại hiệu quả kinh tế -xã hội lớn để đầu tư, đồng thời phải tránh lặp lại những bài học kinh nghiệm đã có.
Phát biểu cuối phiên chất vấn Bộ trưởng GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định trong thời gian tới cần xác định những công trình giao thông thực sự cấp bách, có vai trò kết nối, mang lại hiệu quả kinh tế -xã hội lớn để đầu tư, đồng thời phải tránh lặp lại những bài học kinh nghiệm đã có.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời, làm rõ thêm một số nội dung ĐBQH quan tâm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng trong thời gian vừa qua, lĩnh vực ngành giao thông có nổi lên một số vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, như “đội” vốn lớn, chậm tiến độ, chất lượng kém; vấn đề liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng giao thông giải quyết nút thắt cho các vùng, các địa phương; vấn đề xử lý tồn tại của các dự án đầu tư theo hình thức BOT đường bộ; các vấn đề liên quan đến hoạt động vận tải; công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông…
“Đây là những vấn đề lớn, được cử tri đặc biệt quan tâm”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng, những vấn đề trên đã được các vị ĐBQH chất vấn và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trả lời rõ ràng và khá đầy đủ.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trả lời và làm rõ thêm một số nội dung mà ĐBQH quan tâm.
Về kết quả, theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Nhà nước đã dành nhiều ngân sách và huy động các nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Do đó, hệ thống hạ tầng giao thông đã có sự phát triển nhanh chóng, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Còn nhiều nút thắt cần giải quyết
Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, bất cập, được nhiều vị ĐBQH nêu trong phiên chất vấn và các phiên thảo luận kinh tế - xã hội.
Theo đó, hệ thống hạ tầng giao thông hiện nay chất lượng còn thấp, kết nối thiếu đồng bộ, còn nhiều nút thắt cần phải giải quyết. Về đường bộ, có 295.000 km nhưng mới chỉ có 977 km đường cao tốc, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Hệ thống đường sắt Việt Nam được xây dựng cách đây cả trăm năm rất cũ kỹ, lạc hậu, thiếu an toàn. Hệ thống sân bay cảng biển đã có bước phát triển, nhưng tình trạng quá tải tại một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài đang gia tăng. Giao thông đường thủy nội địa chưa được khai thác hiệu quả.
Việc kết nối các loại hình giao thông với nhau cũng như kết nối với các khu vực kinh tế, đô thị còn chậm và thiếu đồng bộ. Đầu tư hạ tầng cho vùng Tây Bắc, Đông Bắc, kết nối giao thông giữa khu vực Tây Nguyên với khu vực duyên hải miền Trung, khu vực TPHCM còn nhiều khó khăn. Đầu tư phát triển hạ tầng các đô thị lớn còn chậm, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị đã ảnh hưởng đến ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Đầu tư cho hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Cơ cấu của các loại hình vận tải còn mất cân đối. Hệ thống đường sắt mới đáp ứng được 1,31% tổng lượng vận chuyển hàng hóa và 1,97% tổng lượng hành khách.
Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, yếu kém trong quản lý đầu tư xây dựng các công trình ngành giao thông đã được các ĐBQH chỉ rõ như như tình trạng tăng vốn, đội vốn ở những công trình trọng điểm; nhiều công trình chậm tiến độ; chất lượng công trình thấp; việc quản lý đầu tư vận hành khai thác các dự án BOT giao thông còn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân; còn nhiều lo ngại về lựa chọn nhà đầu tư kém năng lực, công tác quản lý xe vận tải còn nhiều lúng túng, đặc biệt là với xe hợp đồng điện tử hay tình trạng trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp cả trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy hay hàng không.
“Nhiệm vụ trong thời gian tới là phải khắc phục những hạn chế, yếu kém mà các vị ĐBQH đã chất vấn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch
Nhiệm vụ trước tiên là phải đẩy nhanh tiến độ các dự án của ngành giao thông đã được bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, cũng như các dự án đang dở dang, các dự án đối tác công - tư.
Trong đó, đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam và sân bay Tân Sơn Nhất. “Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là phải lựa chọn nhà thầu công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Ưu tiên các nhà thầu trong nước đủ năng lực. Đối với nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài phải là những nhà thầu có năng lực, trách nhiệm, có uy tín được kiểm chứng. Không để xảy ra tình trạng đáng tiếc tương tự như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn. “Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải cơ bản hoàn thành tuyến đường này vào năm 2020”, Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời, cần tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị, sớm đưa vào vận hành thương mại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đẩy nhanh tiến độ cải tạo nâng cấp các tuyến vận tải thủy nội địa đã có vốn (như tuyến kênh Chợ Gạo). Đây là nút thắt của ĐBSCL, đã được Thủ tướng đề nghị Quốc hội bố trí vốn, trước mắt là 500 tỷ đồng.
Tập trung giải quyết những tồn tại bất cập trong các dự án BOT giao thông bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích của người dân. Kiên quyết không đầu tư các dự án mới tại các tuyến độc đạo.
Cần khoảng 2 triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông đến 2030
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu rà soát lại các quy hoạch về kết cấu hạ tầng giao thông, xác định nút thắt lớn để có kế hoạch đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, sớm hoàn thiện chiến lược, kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2025 - 2030.
Theo Phó Thủ tướng, tất cả các dự án chưa được bố trí vốn trong đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 phải chuyển sang giai đoạn 2021 - 2025 thậm chí 2030 trừ trường hợp huy động được vốn xã hội hóa.
Trong bối cảnh hạn chế nguồn lực, sẽ tập trung lựa chọn những dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2020 (ngoài những dự án mà Quốc hội đề nghị đầu tư để phát triển các vùng kinh tế như ý kiến một số vị ĐBQH đã nêu như QL62, đường tránh TP. Cà Mau, TP. An Giang…).
Đối với lĩnh vực đường bộ, phải xây dựng được khoảng 3.000 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc Việt Nam đến 2020 là 2.000 km và 2030 là 5000 km (trên quy hoạch là 6.500 km).
Cùng với việc cải tạo, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện có, sẽ ưu tiên đầu tư một số đoạn của tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh, TPHCM - Nha Trang, TPHCM - Cần Thơ nếu có đủ điều kiện. “Nếu không đủ nguồn lực, phải chuyển sang sau 2030”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Ngành GTVT cũng cần được bố trí vốn để nâng cấp cải tạo các tuyến giao thông hiện có, tập trung đầu tư các đoạn kết nối đồng bộ các loại hình giao thông với các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2021-2030 sẽ khoảng 1,5-2,0 triệu tỷ đồng (khoảng 70-90 tỷ USD).
“Trên cơ nguồn lực cụ thể sẽ cân đối các nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động xã hội. Phải xác định rõ các công trình dùng vốn ngân sách, các công trình dùng vốn ODA, các công trình dùng vốn xã hội, hoặc vốn hỗn hợp”, Phó Thủ tướng nói. Tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, Chính phủ sẽ giao Bộ GTVT làm việc với Bảo hiểm xã hội và các bộ, ngành liên quan để nghiên cứu sử dụng nguồn lực cho phát triển hạ tầng GTVT nếu có thể.
Trên cơ sở đó, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. “Chính phủ đã đề nghị tách kinh phí làm công tác chuẩn bị đầu tư thành 1 gói riêng, không chung trong dự án. Muốn thực hiện được, nội dung này cần phải được đưa vào Luật Đầu tư công sửa đổi.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, cần tiếp tục xác định các cơ chế đặc thù để huy động nguồn lực cho đầu tư hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông từ khâu lập, thẩm định, quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng mức đầu tư đến khâu lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu có đủ năng lực thực hiện dự án và đặc biệt là quản lý chặt chẽ quá trình thi công nghiệm thu bàn giao, đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Tháo gỡ nút thắt giao thông ĐBSCL
Liên quan đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực ĐBSCL, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ ý kiến nghiều vị ĐBQH, cho rằng đây là khu vực rất quan trọng trong việc bảo đảm lương thực cho cả nước và an ninh lương thực toàn cầu, có đóng góp lớn cho phát triển đất nước nhưng hệ thống hạ tầng vẫn còn nhiều điểm nghẽn, nút thắt.
“Ngoài những nội dung đã báo cáo thì nút thắt lớn nhất là kết nối giữa khu vực ĐBSCL với vùng TPHCM và cảng Cái Mép - Thị Vải”, Phó Thủ tướng nói. Do đó, sắp tới đây, phải giải quyết 3 nút thắt chính là: Nối thông tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ; nạo vét, nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo; nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ. Các nút thắt trong nội vùng sẽ được ưu tiên đầu tư, tháo gỡ trong giao đoạn 2021-2030, trong đó có cầu Đại Ngãi, Quốc lộ 60… như các ĐBQH đã đề nghị.
Theo Xuân Tuyến/Chính phủ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin