Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần 2, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời báo chí về kết quả chuyến đi của Thủ tướng.
Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần 2, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời báo chí về kết quả chuyến đi của Thủ tướng.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) |
Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ hai theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong 3 ngày từ ngày 25-27/4, ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao trả lời báo chí về kết quả chuyến đi của Thủ tướng Chính phủ.
- Xin Thứ trưởng cho biết một số kết quả chính của Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra lần đầu tiên vào năm 2013 trong bối cảnh toàn cầu hóa và liên kết kinh tế vẫn tiếp tục là xu thế lớn trong đời sống kinh tế quốc tế.
Bên cạnh sáng kiến này, còn có nhiều sáng kiến, chiến lược kết nối khác như kế hoạch kết nối Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) giai đoạn 2015-2025, Chiến lược EU về kết nối châu Âu và châu Á, Liên minh kinh tế Á-Âu, Liên minh kết nối cơ sở hạ tầng toàn cầu.
Mục đích của sáng kiến nhằm thúc đẩy kết nối trên 5 lĩnh vực về chính sách, cơ sở hạ tầng, thương mại-đầu tư, tài chính-tiền tệ và con người được đề ra trên cơ sở 5 nguyên tắc tham vấn, bình đẳng, cùng có lợi, hòa hợp và bao trùm, hoạt động dựa trên thị trường, cân bằng và bền vững. Đây là những lĩnh vực hợp tác phù hợp với lợi ích của các nước.
Với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn,” diễn đàn lần này do Trung Quốc chủ trì là hoạt động đa phương có quy mô lớn và chương trình nghị sự gồm nhiều lĩnh vực.
Khoảng 5.000 đại biểu từ 150 quốc gia và hơn 90 tổ chức quốc tế và 800 doanh nghiệp nhiều nước đã tham gia các hoạt động của Diễn đàn. Đặc biệt Diễn đàn có sự tham dự của Nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của 37 quốc gia, trong đó có 10 nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Sự kiện quan trọng nhất của Diễn đàn là Hội nghị Bàn tròn Thượng đỉnh - cuộc đối thoại chính sách giữa 37 Nguyên thủ và các nhà lãnh đạo thảo luận về ba chủ đề lớn là thúc đẩy kết nối, tăng cường cộng hưởng chính sách, và phát triển xanh và bền vững.
Về tổng thể, diễn đàn đạt nhiều kết quả, trong đó nổi lên 3 kết quả lớn sau đây:
Một là, việc tổ chức thành công diễn đàn và Thông cáo chung được thông qua đã góp phần tái khẳng định các cam kết thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối kinh tế, tự do hóa thương mại và tôn trọng chủ nghĩa đa phương. Điều này có ý nghĩa góp phần duy trì và thúc đẩy xu thế liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm, xu hướng bảo hộ thương mại, phản toàn cầu hóa đang gia tăng.
Sau gần 6 năm thực hiện, mặc dù vẫn còn nhiều khía cạnh cần hoàn thiện, song cần tiếp tục triển khai 5 lĩnh vực hợp tác của sáng kiến, trên cơ sở các nguyên tắc chung, góp phần tăng cường liên kết kinh tế, kết nối trên nhiều mặt, từ cơ sở hạ tầng, kinh tế, khoa học-công nghệ đến văn hóa xã hội và giao lưu nhân dân.
Hai là, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đã chia sẻ nhiều quan điểm thẳng thắn và xây dựng, góp phần thúc đẩy những điều chỉnh mới cho hợp tác Vành đai-Con đường theo hướng đem lại lợi ích cân bằng hơn cho các nước tham gia, nhấn mạnh đến các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, chú trọng nâng cao năng lực của các quốc gia, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất cả về môi trường, bền vững tài chính, lao động, mua sắm, đấu thầu, quản trị cũng như bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng và tính minh bạch tài chính.
Ba là, diễn đàn bàn tròn cấp cao và 12 diễn đàn chuyên ngành đã tạo cơ hội để các đại biểu từ nhiều thành phần khác nhau thảo luận các cơ hội hợp tác và phối hợp trong các lĩnh vực kết nối hạ tầng, cộng hưởng chính sách, thương mại, tài chính, đổi mới sáng tạo, kinh tế số và phát triển xanh.
Hội nghị các nhà doanh nghiệp với khoảng 800 lãnh đạo doanh nghiệp từ nhiều nước trên thế giới là dịp tốt để thúc đẩy chia sẻ thông tin, kết nối doanh nghiệp và hợp tác công-tư.
- Xin Thứ trưởng cho biết đánh giá về sự tham dự của Việt Nam lần này?
Thứ trưởng Lê Hoài Trung: Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai.
Tham dự của Việt Nam tại Diễn đàn lần này thể hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Trên tinh thần đó, Việt Nam luôn hoan nghênh các sáng kiến kết nối, trong đó có sáng kiến “Vành đai và Con đường” và tham gia các hoạt động của diễn đàn này ngay từ đầu.
Chuyến công tác của Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng cả về song phương và đa phương và trên nhiều khía cạnh hợp tác khác nhau.
Về các hoạt động đa phương, Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và hiệu quả vào các hoạt động của Diễn đàn và quá trình xây dựng Thông cáo chung của Hội nghị bàn tròn thượng đỉnh, trong đó tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản của hợp tác như bình đẳng, cùng có lợi, tuân thủ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy hợp tác chất lượng cao, cởi mở, xanh và sạch và khẳng định cam kết của các nhà Lãnh đạo đối với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, xây dựng một thế giới hoà bình và thịnh vượng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn, chia sẻ kinh nghiệm 30 năm đổi mới của Việt Nam, nhấn mạnh phát triển là trách nhiệm của mỗi quốc gia và phát huy tốt tiềm năng thế mạnh cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng là nền tảng cho hợp tác thành công.
Thủ tướng khẳng địnhViệt Nam đang tập trung phát triển kinh tế xã hội trong nước, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hợp tác với Sáng kiến Vành đai và Con đường; nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, trong đó tham gia tích cực vào các sáng kiến giảm chất thải nhựa, bảo tồn đa dạng sinh học.
Phát biểu của Thủ tướng đã được Hội nghị đánh giá cao; nhiều nhà Lãnh đạo bày tỏ ủng hộ quan điểm của Việt Nam.
Về các hoạt động song phương, Thủ tướng đã có chương trình tiếp xúc với các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và các nước tham dự hội nghị.
Thủ tướng được đón tiếp trọng thị, hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường và Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Vương Hộ Ninh.
Hai bên nhấn mạnh những điểm đồng về lợi ích, chia sẻ mong muốn phát triển quan hệ lành mạnh, ổn định và đi vào chiều sâu, tăng cường tin cậy chính trị, duy trì hòa bình, ổn định trên biển, hợp tác kinh tế-thương mại cùng có lợi; xử lý tình trạng nhập siêu, và khuyến khích các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có uy tín và các dự án có chất lượng vào Việt Nam.
Đáng chú ý, trong chuyến đi này, hai bên đã ký 5 văn bản liên quan đến kinh tế, trong đó có 2 thỏa thuận mở cánh cửa để Việt Nam xuất khẩu sữa và măng cụt vào thị trường Trung Quốc.
Thủ tướng đã tiếp hàng chục doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, khẳng định chủ trương của Chính phủ ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có uy tín, thực lực của Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam với hình thức phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về môi trường, tiến độ, giá thành, tránh các công nghệ lạc hậu, bảo đảm quản lý tốt các dịch vụ thuế, thẳng thắn nêu rõ một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả cần có các biện pháp khắc phục.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và các Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư, Công thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên môi trường, Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Tổng Thanh tra Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công an đã có cuộc gặp với nhiều lãnh đạo, các đối tác và tổ chức quốc tế.
Tại các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các nước ủng hộ Việt Nam ứng cử Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ủng hộ, phối hợp với Việt Nam trong năm chủ tịch ASEAN 2020, tạo bước chuyển mạnh trong hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, phối hợp duy trì Biển Đông hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh và an toàn hàng hải; xử lý các vấn đề liên quan đến biên giới, người gốc Việt với các nước liên quan.
Các nước đều thể hiện ủng hộ các đề xuất trên, ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, mong muốn phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các hoạt động của Liên hợp quốc cũng như năm chủ tịch ASEAN 2020.
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn, hội kiến, gặp gỡ Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và các đối tác đã thành công tốt đẹp.
Kết quả chuyến đi khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Các hoạt động phong phú, thực chất đã góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc và với các đối tác phát triển ổn định, lành mạnh và đi vào chiều sâu trong thời gian tới, khẳng định thiện chí và vai trò của Việt Nam trong việc chủ động, tích cực hội nhập quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Xin chân thành cám ơn Ông!
Theo Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin