Kỳ 2: "Vướng" từ khâu triển khai

08:10, 26/10/2018

Việc triển khai, quán triệt nghị quyết (NQ) đến với cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều vướng mắc về nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, rất cần có cái nhìn thực tế về vấn đề này để không chỉ nói chung chung là NQ khô khan, báo cáo viên trình bày chưa tốt.

 

 

Thời gian qua, các cấp ủy đảng đã tổ chức hội thi báo cáo viên giỏi triển khai nghị quyết các cấp và đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng.
Thời gian qua, các cấp ủy đảng đã tổ chức hội thi báo cáo viên giỏi triển khai nghị quyết các cấp và đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng.

Việc triển khai, quán triệt nghị quyết (NQ) đến với cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều vướng mắc về nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, rất cần có cái nhìn thực tế về vấn đề này để không chỉ nói chung chung là NQ khô khan, báo cáo viên trình bày chưa tốt.

Vướng từ khâu triển khai đến việc học

Thời gian qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phân công các báo cáo viên và tổ chức nhiều lớp triển khai học tập, các nội dung chỉ thị, NQ của Đảng. Song, thực tế mà chúng tôi ghi nhận ở một số đơn vị, địa phương thì việc triển khai chỉ thị, NQ của Đảng còn gặp không ít khó khăn, chất lượng hiệu quả chưa như mong muốn.

Qua ghi nhận, công tác triển khai, quán triệt NQ của Đảng là việc làm không hề đơn giản, bởi NQ thường có tính chất khái quát, lý luận cao, các chính sách đều mang tầm chiến lược nhưng thời gian nghiên cứu và học tập chỉ trong vòng 1- 2 ngày.

Đối tượng theo học cũng đa dạng, có sự khác biệt nhau về trình độ chính trị, văn hóa; sự tương tác giữa báo cáo viên và người học chưa nhiều.

Ông Nguyễn Đắc Phương- Chánh Văn phòng HĐND tỉnh- cho rằng, khi học NQ đa số đảng viên ghi chép chưa đầy đủ, học NQ mà không ghi chép, lo làm việc riêng và không dành thời gian để nghiên cứu NQ thì kể như... “không biết gì”.

Bởi vì trong quá trình triển khai, báo cáo viên không triển khai hết được do áp lực về thời gian, về phía người nghe lại “phó thác” cho báo cáo viên theo kiểu “nói bao nhiêu thì... nghe bấy nhiêu”.

Theo ông Nguyễn Đắc Phương, thông thường, sau khi triển khai, báo cáo viên hỏi đảng viên “có trao đổi gì không” thì hầu như tất cả đều thống nhất đứng dậy đi về và nếu người học không ghi chép, chỉ nghe báo cáo viên nói thì coi như là không ổn.

Về viết bài thu hoạch, có ý kiến cho rằng: “đảng viên mà, có ý thức hết rồi đâu cần viết làm gì”, nhưng khi hỏi để kiểm tra thử thôi cũng có người chẳng biết là học NQ nào.

Ở một khía cạnh khác, việc phân công báo cáo viên triển khai NQ cũng là vấn đề rất đáng bàn. Trên thực tế, có một vài nơi có báo cáo viên cả nhiệm kỳ không làm gì cả, có trường hợp báo cáo viên cấp tỉnh nhưng chỉ triển khai NQ trong tổ chức cơ sở đảng của mình, trong khi đây là nhiệm vụ của báo cáo viên cơ sở.

Trong quá trình triển khai NQ, thường cấp trên cung cấp đề cương để cơ sở triển khai ra đảng viên và quần chúng, thế nhưng có báo cáo viên chẳng quan tâm chắc lọc, liên hệ thêm thực tiễn, đề cương có bao nhiêu thì... “bê nguyên xi”.

Đã từng có đảng viên phản ánh: “Ông báo cáo viên lên đọc đề cương, đọc bài dùm tôi thì để tôi tự đọc sướng hơn, tốn tiền cả lít xăng chạy lên đây, tốn công cả buổi để ngồi nghe đọc, tôi cũng biết chữ mà, tôi có thể tự nghiên cứu được”.

Tại hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2018, đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy băn khoăn: Vừa rồi, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra văn bản chấn chỉnh việc học NQ, một trong những phương án được Tỉnh ủy chọn là các đơn vị được cử đi học NQ phải có danh sách gửi về văn phòng cấp ủy để bố trí chỗ ngồi. Ban tuyên giáo, ủy ban kiểm tra, văn phòng cấp ủy kiểm tra, giám sát người học để báo cáo lại, đồng thời người chủ trì sẽ quyết định là viết thu hoạch tại chỗ hay về nhà nghiên cứu viết.

Thiếu điều kiện học tập tốt

Việc tạo điều kiện cho đảng viên học NQ như hội trường, tài liệu học tập… tưởng là giản đơn cũng là chuyện đáng bàn.

Đối với tài liệu học tập, có nhiều nơi cấp ủy nói là “điều kiện không có” nên không in đề cương phát hết cho đảng viên để nghiên cứu trong lúc học và viết bài thu hoạch. Có nơi đảng viên đề nghị photo (sao in) tài liệu thì cấp ủy nói “cứ lên mạng mà đọc, in và photo nhiều tốn kinh phí vì cơ quan cần tiết giảm chi tiêu”, nhưng trên thực tế việc mở Internet tìm NQ qua điện thoại khi học NQ thì kể như là... làm việc riêng.

Về cơ sở vật chất, hội trường ở một số xã chỉ có 70 chỗ ngồi, thậm chí có nơi chỉ 40- 50 chỗ ngồi, nhưng đảng bộ xã đến nay đã lên tới 200- 300 đảng viên mà chỉ mở 1 lớp duy nhất vì... “không có kinh phí để mở được nhiều lớp”, “chỗ ngồi còn không có thì tiếp thu được gì”- một đảng viên phản biện.

Về thời gian triển khai, lâu nay cấp trên làm thế nào thì... cứ bổ xuống y thinh, bữa nay thông báo rồi ngày mai hoặc là mốt đi học, trong khi đảng viên đi làm ăn xa thì sao về học được, “nếu không học thì mất quyền lợi, không thi hành nghĩa vụ của đảng viên”- ông Nguyễn Đắc Phương băn khoăn.

Theo đánh giá của một cán bộ hưu trí ở TP Vĩnh Long, một số NQ của Đảng khá dài và khó nhớ, nhiều nội dung chưa gắn với thực tế của từng đơn vị, địa phương nên rất khó triển khai thực hiện.

Việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động ở nhiều cấp ủy Đảng còn chậm, thiếu sát thực, cùng một lúc có quá nhiều việc hoặc thiếu điều kiện để làm, khó tổng kết, đánh giá việc thực hiện.

Việc triển khai NQ cho cán bộ, đảng viên đã khó thì việc triển khai đến quần chúng nhân dân càng nan giải hơn, chị L.D.B- một công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Phú- cho rằng: “Công nhân chúng tôi còn bận lo cơm, áo, gạo, tiền... nên NQ của Đảng đối với chúng tôi là những gì rất xa xôi.

Công ty cũng bận làm kinh tế nên chẳng quan tâm tuyên truyền và chúng tôi cũng chẳng biết gì về NQ của Đảng”.

Có thể nói, việc học tập, quán triệt NQ của Đảng là khâu đầu tiên và đặc biệt quan trọng nhằm tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, là điều kiện tiên quyết đưa NQ của Đảng vào cuộc sống.

Tuy nhiên trong thực tế, việc triển khai học tập NQ của Đảng vẫn còn nhiều hạn chế. Và vấn đề đặt ra là khi NQ được triển khai mà không đi vào đảng viên, quần chúng thì làm sao có thể đi vào cuộc sống được?

Bà Tạ Thanh Trúc- Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Vĩnh Long: Về viết bài thu hoạch, đa số cán bộ, đảng viên cho rằng: “Vẫn còn ẩn đâu đó hình thức nhiều quá, nội dung không tập trung, sườn bài còn “nặng nề” quá...”. Thiết nghĩ, chúng ta chỉ nên đưa ra những câu hỏi trọng tâm thí dụ như nội dung chính của NQ triển khai về cái gì, đồng chí tâm đắc vấn đề gì, có những đề xuất gì... Để đưa NQ vào cuộc sống thì cần có cái gì đó gần gũi cho mọi người dễ thực hiện. Theo tôi, nên xây dựng sườn viết thu hoạch cho đơn giản, đánh vào trọng tâm để thực hiện dễ và không có sự sao chép.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÚY QUYÊN

>> Kỳ 3: Để đưa Nghị quyết  đi vào cuộc sống

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh