Quán triệt các nghị quyết (NQ) của Đảng là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Thông qua các đợt học tập, quán triệt NQ sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa NQ của Đảng sớm đi vào cuộc sống.
Quán triệt các nghị quyết (NQ) của Đảng là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng. Thông qua các đợt học tập, quán triệt NQ sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa NQ của Đảng sớm đi vào cuộc sống.
Song, có một thực tế là đã và đang xuất hiện “căn bệnh” lười học NQ và hệ quả của “căn bệnh” này sẽ dẫn tới việc cán bộ, đảng viên không nắm vững đường lối của Đảng, không cập nhật được thông tin mới và sẽ yếu kém về mặt lý luận.
Có thể nói, “căn bệnh” lười học NQ của Đảng không chỉ gây tác hại cho bản thân đảng viên mà còn cho tổ chức Đảng. Vì thế, rất cần có những giải pháp hữu hiệu để trị dứt điểm “căn bệnh” này.
Kỳ 1: “Bắt mạch” bệnh lười học nghị quyết
Để Nghị quyết đi vào cuộc sống và đến với người dân đang là bài toán đặt ra đối với các ngành, cấp và của cả cán bộ, đảng viên. |
Tại hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt các NQ Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Phải kiên quyết khắc phục “căn bệnh” ngại học, lười học NQ, nhất là tình trạng khai mạc thì đông, cuối giờ thì thưa thớt, lấy lý do công việc mà bỏ học NQ hoặc học hình thức, chiếu lệ...”. Vấn đề đặt ra là rất cần có những “bài thuốc” hữu hiệu để đặc trị “căn bệnh” này.
“Ngán” học nghị quyết
NQ của Đảng là văn bản ghi lại các quyết định được thông qua ở đại hội, hội nghị cơ quan lãnh đạo Đảng các cấp, hội nghị đảng viên về đường lối, chủ trương, chính sách, kế hoạch hoặc các vấn đề cụ thể. Cán bộ, đảng viên- nhất là người giữ cương vị lãnh đạo- không học tập, quán triệt để nắm chắc, hiểu sâu về NQ của Đảng sẽ dẫn đến những hệ lụy.
Thứ nhất, không hiểu thì không thể tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thứ hai, không thể triển khai thực hiện, không đưa được NQ vào cuộc sống. Thứ ba, không đấu tranh được với các quan điểm sai trái, thù địch. Thế nhưng, trên thực tế, vẫn có bộ phận cán bộ, đảng viên lười học NQ.
Có mặt trong các buổi học NQ, chúng tôi nhận thấy hiện nay có một bộ phận đảng viên có hiện tượng ngán ngẩm hoặc thờ ơ, xem nhẹ việc tiếp thu NQ, nên vẫn còn tình trạng đi trễ, về sớm, đầu giờ đông đủ, cuối giờ thưa thớt với muôn vàn lý do “về lo việc cơ quan”, “về rước con”, “con bệnh”,...
Trong giờ triển khai, một số người nghe thì không chú tâm, một số “hồn nhiên” nói chuyện bên lề, làm việc riêng, sử dụng điện thoại để lướt web, nhắn tin trên mạng xã hội, có người thì ngồi ngủ gật, người thì đi ra đi vào thường xuyên...
Anh P.T.L. (ở Bình Tân) cho rằng: “Nhiều NQ rất khô khan, tiếp thu bị động, rồi từ chuyên ngành trong NQ cũng nhiều quá, nghe không cũng thấy mệt. Chứ như NQ Trung ương 7 vừa qua triển khai về chính sách tiền lương hay công tác cán bộ thì còn dễ tiếp thu vì nó gần gũi, thời sự hơn, có tác động trực tiếp đến mình”.
Trên thực tế, không ít đảng viên sau khi dự khóa học 2- 3 ngày nhưng khi hỏi tới thì “ngớ” người ra vì không nhớ nổi đã học NQ gì, có những chương trình hành động gì...
“Thật sự là tôi hổng nhớ hết tên NQ, chẳng nhớ 1 năm mình được nghe bao nhiêu “chỉ thị” luôn. Trong 1 ngày triển khai 3- 4 “chỉ thị”, buổi trưa mà ngồi nghe giọng báo cáo viên êm êm hoặc lớp học xôn xao nói chuyện riêng nhiều nên có khi muốn nghe cũng không tập trung được. Tôi nói thiệt lòng đó”- một học viên chia sẻ.
Theo Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Vĩnh Long Tạ Thanh Trúc: “Về việc học NQ của giáo viên, chúng tôi cũng rất đau đầu. Trước khi mở lớp triển khai NQ, Ban Tuyên giáo Thành ủy có họp với ban giám hiệu các trường để cử người làm công tác quản lý, tuy nhiên vẫn bị phản ánh là “khối giáo viên THPT nói chuyện quá nhiều”.
Sau nhiều lần nhắc nhở riêng từng đơn vị và nhắc chung chung không hiệu quả, chúng tôi nêu tên thẳng đơn vị nào trong hội nghị nói chuyện nhiều quá. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được khắc phục mặc dù chúng tôi cũng đã xây dựng chuyên đề sinh hoạt chi bộ để chấn chỉnh vấn đề này”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần cảnh báo sự nguy hiểm khôn lường của hiện tượng “nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà lười học NQ của Đảng là một nguyên nhân gây nên hiện tượng trên. |
Viết bài thu hoạch để đối phó
Qua khảo sát nhỏ một số đảng viên, chị N.T.B. (TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Lúc học NQ, bàn ngồi 3- 4 người. Chị em mỗi ngày chỉ lo làm việc, nay có dịp ngồi gần nhau nên mình cũng tranh thủ hỏi thăm... Còn bài thu hoạch thì người nào làm trước thì mail cho nhau, thay đổi xíu thành bài của mình rồi in nộp”.
Vì không xem việc học NQ là nhu cầu tự thân, học để nâng cao sự hiểu biết, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng mà chỉ học do sự “bắt buộc” của tổ chức đảng. Do đó, các học viên này xem việc học NQ như một nghĩa vụ nên học qua loa, học cho có.
Chính vì động cơ không đúng nên việc học của những người này chỉ là hình thức, một số người học được một lúc đã bỏ về với “1.001 lý do” như: lãnh đạo kêu về, phải xử lý việc cơ quan... Song, công tác quản lý, giám sát việc học tập NQ vẫn còn có sự nể nang nhau, khi bị nhắc nhở thì đưa ra nhiều lý do biện minh.
Học tập NQ không nghiêm túc, dẫn đến viết bài thu hoạch cũng không nghiêm túc, chiếu lệ, chung chung, sơ sài. Trong quá trình viết thu hoạch còn xuất hiện tâm lý là viết xong không ai đọc nên chỉ viết qua loa; xuất hiện nhiều bài “copy, paste” nên có nhiều bài biết thu hoạch sau kỳ học NQ của các chi bộ lại giống nhau, có nhiều bài chỉ “thay tên, đổi họ”.
Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tam Bình Lê Thanh Hiền cho biết: Qua kiểm tra tại 17 xã- thị trấn về bài thu hoạch của đảng viên thì có khoảng 40% bài giống nhau. Hầu như lấy bài người viết trước rồi chỉnh sửa đôi chút chứ không có cái riêng của mình, mặc dù có những câu hỏi rất đơn giản như: tâm đắc nhất vấn đề gì trong NQ, đề xuất giải pháp gì,...
Về cam kết cá nhân trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Thanh Hiền cho biết: “Có đến khoảng 30% cam kết của cá nhân là giống nhau, mặc dù quý I/2018, chúng tôi đã trực tiếp giám sát và chỉ rõ ra viết cam kết là không giống nhau.
Trên thực tế, nhiệm vụ chuyên môn thì không ai giống ai rồi, phải nói rõ nhiệm vụ chuyên môn của mình là thực hiện cái gì, công việc cụ thể của mình hay là hạn chế khuyết điểm trong năm 2017 và những năm trước thì đâu ai giống ai.
Vậy mà cuối cùng thì cũng 30% giống nhau, đồng chí nào cũng như đồng chí nào. Còn về hạn chế, khuyết điểm và cách khắc phục hạn chế khuyết điểm thì ghi 1 câu là “khắc phục tốt những hạn chế khuyết điểm do tập thể góp ý”, ghi như vậy thì không cách nào giám sát được việc thực hiện của các đồng chí đó”.
Hội thi báo cáo viên do Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh tổ chức. |
Đồng chí Nguyễn Bách Khoa- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- nhận định hiện vẫn còn một bộ phận, cán bộ, đảng viên còn lười học NQ. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng rất băn khoăn, trăn trở làm sao để giải quyết được thực trạng này.
Thời gian qua, ban tuyên giáo cũng tham mưu, đề xuất và Tỉnh ủy cũng chỉ đạo để có bước chấn chỉnh tình trạng “lơ là” học NQ. Trong quá trình triển khai, quán triệt NQ, phía người học đổ lỗi sao mà NQ khô khan quá, báo cáo viên truyền đạt chưa hấp dẫn…
Đồng chí Nguyễn Bách Khoa cho rằng, dù đây là thực tế, song NQ không phải là một “bài hát” một “vở tuồng” mà thấy hay thì xem, không hay thì bỏ về.
NQ là chủ trương của Đảng và không phải NQ nào cũng có sự hấp dẫn ví dụ như NQ về tinh giản biên chế, về kiện toàn bộ máy thì chưa chắc đem lại sự hấp dẫn cho đa số, mà chỉ là sự đồng tình của một số người. Khi học NQ, chúng ta phải nghiên cứu xem NQ có sát thực tiễn hay không, có giải quyết được vấn đề thực tế hay không.
Học viên phải có trách nhiệm nghe để hiểu chủ trương của NQ vì có hiểu mới thực hiện được NQ và hướng dẫn cho cán bộ, đảng viên, người dân cùng thực hiện. Về phía báo cáo viên không phải là người “diễn viên” để diễn cho chúng ta xem, mà phải nghiên cứu, truyền đạt NQ sao cho dễ hiểu, hấp dẫn để người nghe hiểu rõ hơn.
Tất nhiên, cũng có một số trường hợp triển khai NQ mà báo cáo viên thì “lơ là” chỉ đọc từ đầu đến cuối NQ dẫn đến người nghe thấy nhàm chán. Do đó, để triển khai NQ hiệu quả, phải xuất phát từ 2 phía: từ phía người nghe và từ phía báo cáo viên.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn Vĩnh Long Nguyễn Huỳnh Thu: Hiện nay một bộ phận đoàn viên học NQ thường có tâm lý ỷ lại vì ai cũng có điện thoại nên khi cần tìm kiếm thông tin thì lên mạng là có nên dẫn đến việc các bạn không tập trung khi tham gia học NQ, việc viết thu hoạch cũng thiếu trách nhiệm. Đây là thực trạng mà tổ chức Đoàn rất quan tâm, tìm các giải pháp để các bạn có ý thức, trách nhiệm trong việc học tập NQ. |
>> Kỳ 2: “Vướng” từ khâu triển khai
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin