Từ xã có đông đồng bào dân tộc Khmer như Đông Bình (TX Bình Minh) đến quê hương cố Giáo sư- Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (xã Hòa Hiệp- Tam Bình), chúng tôi cảm nhận được sự "thay da, đổi thịt" của xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng trước đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì nay đang vươn mình đổi mới từng ngày nhờ vào những con người có tư duy mới, sáng tạo.
Các tin liên quan |
Bức tranh nông thôn no ấm của xã Hòa Hiệp hôm nay. |
Từ xã có đông đồng bào dân tộc Khmer như Đông Bình (TX Bình Minh) đến quê hương cố Giáo sư- Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (xã Hòa Hiệp- Tam Bình), chúng tôi cảm nhận được sự “thay da, đổi thịt” của xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng trước đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thì nay đang vươn mình đổi mới từng ngày nhờ vào những con người có tư duy mới, sáng tạo.
Hy sinh xương máu thời chiến, hiến đất thời bình
Về xã anh hùng Đông Bình, chúng tôi cảm nhận được đời sống của xã có đông đồng bào dân tộc Khmer đang “chuyển mình” khởi sắc. Cùng với chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, bà con đang ra sức phát triển kinh tế, tham gia xây nông thôn mới (NTM).
Con đường tráng nhựa vào ấp Phù Ly 1 kết nối với nhiều tuyến đường rộng thênh thang liên ấp, liên xóm với xe 4 bánh chạy bon bon.
Nhiều căn nhà tường khang trang mọc lên, chứng tỏ sự ổn định đời sống trong đồng bào dân tộc. Nhớ lại hồi trước, những con đường này cứ vào mùa mưa là nước ngập, lầy lội, phải dùng xuồng ba lá chở từng viên đá, bê tông về cất nhà, làm đường thật gian nan.
Tuyến đường liên xã Đông Bình- Đông Thạnh được hoàn thành phải kể sự nhiệt tình đóng góp của ông Sơn Ry Ta (ấp Phù Ly 1)- nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, em trai liệt sĩ Sơn Xô Vanh.
Cả năm trời, tuyến đường bị chia cắt do một hộ không hiến đất. Để gỡ “nút thắt”, huyện đã chủ động thay đổi nhỏ thiết kế ban đầu và ông Sơn Ry Ta đã hiến 1.000m2 đất để nối tuyến đường trên.
“Là đảng viên về hưu, sinh hoạt chi bộ tại địa phương, tui phải nêu gương để vận động gia đình và bà con xây dựng quê hương”- ông Sơn Ry Ta nói.
Đến nhà ông Sơn Son- nguyên đại biểu HĐND huyện 2 nhiệm kỳ, Bí thư ấp Phù Ly 2 đúng lúc bà Thạch Thị Của- vợ ông Son- đang ủ lúa giống chuẩn bị sạ.
Xòe đôi bàn tay thô ráp, bà Của nói: “Ông ấy bị tai biến 17 năm nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà chỉ mình ên tui mần, từ chăm sóc chồng đến mần ruộng vườn rồi nuôi con ăn học”. Bà Của có cha là liệt sĩ, mẹ là thương binh 1/4. Điều đáng quý ở bà là không có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tích cực làm kinh tế để vươn lên.
Trong xây dựng NTM, gia đình bà đã hiến 2.000m2 đất để cùng Nhà nước kiên cố hóa thủy lợi nội đồng kết hợp giao thông.
Bà tâm sự: “Tui cũng hiểu những chủ trương của Đảng, Nhà nước đều chăm lo cho dân, với lại chiến tranh mình hy sinh xương máu rồi hổng lẽ thời bình mình không hy sinh đất, mà mình hiến đất nhiều người được nhờ lắm, nước không lên phèn, nên trồng cây gì cũng trúng, khi thu hoạch chở lúa về khỏe re, bán cũng được giá hơn”.
Gia đình bà Thạch Thị Của tích cực tăng gia sản xuất để nâng cao thu nhập và sẵn lòng hiến đất xây NTM. |
|
Ông Nguyễn Văn Mễ- Bí thư Đảng ủy xã Đông Bình Được tách ra từ xã Đông Thành, năm 2016, xã Đông Bình vinh dự được công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những năm qua, cùng với các chế độ ưu đãi của Nhà nước, hầu hết gia đình chính sách và người có công tại địa phương đều rất ý thức, nhiệt tình tham gia phong trào cách mạng địa phương. Hiện Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đồng lòng quyết tâm xây dựng thành công xã NTM trong năm nay, để thị xã kịp về đích NTM cấp huyện đầu tiên của tỉnh. |
Tiên phong để bà con noi theo
Nằm bên tả ngạn sông Măng Thít, những vùng cây dại và lau sậy giờ là cây trái trù phú trên đất Hòa Hiệp anh hùng- nơi sinh ra cậu học trò hiếu học Phạm Quang Lễ, tức GS.VS Trần Đại Nghĩa, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người mà Đảng và nhân dân luôn tự hào, để từ đó phát huy phẩm chất anh hùng, bền bỉ vượt qua khó khăn, vươn mình phát triển.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hiệp Huỳnh Văn Y, toàn xã có 256 gia đình chính sách và người có công, 39 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 52 thương- bệnh binh. Nhờ vào những chủ trương, nghị quyết thiết thực của Đảng bộ xã, nhất là chính sách tri ân đối với gia đình chính sách và người có công mà cuộc sống của các hộ này giờ ổn định lắm.
Ông Nguyễn Sơn Mỹ (Ấp 7)- nguyên Đảng ủy viên Quân sự tỉnh Cửu Long tự hào nói: “Sức mạnh tự lực, tự cường của xã Hòa Hiệp là rất lớn, trong chiến tranh xã tự giải phóng cho mình thì những năm tháng hòa bình, tinh thần cách mạng ấy vẫn tiếp tục phát huy, cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đã giúp xã từng bước thực hiện thành công nhiệm vụ mới”.
Bị chiến tranh tàn phá nặng nề và địa hình chia cắt bởi nhiều sông ngòi nên việc xây dựng phát triển giao thông, cơ sở hạ tầng tại xã Hòa Hiệp bị chậm. Ở các xẻo, chủ yếu đi lại trên bập dừa nước, cầu khỉ còn không có để đi huống chi cầu bê tông. Khi còn là bí thư kiêm trưởng ấp, ông Sơn Mỹ đã huy động dân hùn tiền, góp công bắc cầu, xây đường.
Trước nhà ông Sơn Mỹ là tuyến đê bao chống lũ, sau vườn nhà là ruộng lúa, giờ đã trở thành khu dân cư vượt lũ đông đúc cùng con đường trải nhựa phẳng lỳ nối liền 2 xã Hòa Hiệp- Hòa Thạnh. Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, nhưng ông Sơn Mỹ đã hiến hơn 3.000m2 đất và vận động người thân, người dân cùng hưởng ứng.
Hỏi về “bí quyết” vận động, ông cười tươi: “Hiệu quả nhất là lấy những người cốt cán như: cán bộ, đảng viên, gia đình chính sách và người có công làm “ngòi pháo”. Thời chiến, núm ruột mình dám dâng cho Tổ quốc, thì thời bình mình phải tiên phong hiến đất để bà con noi theo”.
Đến Ấp 10 vào những ngày thu hoạch rộ vụ lúa Hè Thu, cả chục chiếc máy cắt chạy ngang, chạy dọc trên cánh đồng rộng lớn, những cành lúa nặng trĩu vàng óng dần nhường chỗ cho những bao lúa to, chắc nịch, tạo nên bức tranh nông thôn đẹp mắt với vụ mùa no ấm.
Ông Nguyễn Thành Tuế (thương binh 4/4)- Tổ trưởng Tổ sản xuất cánh đồng mẫu- cho biết: 5 năm qua, để cùng địa phương xây dựng NTM đạt tiêu chí thu nhập, tổ đã được thành lập với gần 40 hộ dân tham gia trên diện tích 33ha.
Qua đó, đã dần thay đổi tập quán canh tác cũ chuyển sang kinh tế hợp tác và sử dụng giống lúa tốt nên cho năng suất, chất lượng hơn hẳn, có vụ đạt 9,5 tấn/ha và bán được giá nên đời sống bà con ngày càng khấm khá hơn.
Theo ông Tuế, hiện tổ đang chuẩn bị trồng thử nghiệm 10ha lúa hữu cơ, dự kiến sẽ được bao tiêu đầu ra với giá 6.500 đ/kg. Nếu thành công, tổ sẽ nhân rộng mô hình, hướng tới sản xuất sạch, góp phần cùng Nhà nước xây dựng NTM đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.
|
Năm 1978, quân dân xã Hòa Hiệp được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Thành tích nổi bật của xã là 9 du kích của xã đã đánh đuổi 3 tiểu đoàn của địch ra khỏi vùng chiến trong trận đánh 6 ngày đêm. Trước đây, xã là vùng kiềm của địch- ban ngày là của địch, nhưng ban đêm do lực lượng cách mạng làm chủ. Đây cũng là nơi bám trụ kiên cường của du kích và quân dân địa phương. Phát huy truyền thống anh hùng, toàn Đảng bộ xã Hòa Hiệp đang ra sức phấn đấu về đích NTM vào cuối năm nay. |
>> Kỳ 3: Điểm tô bức tranh nông thôn thêm sáng
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin