Trong chuyến công tác "xuyên huyện" về thăm các xã anh hùng xây dựng NTM, chúng tôi cảm nhận được những mảnh đất ngoan cường của một thời máu lửa, gian khó, giờ đang chuyển mình đổi mới từng ngày cùng nhịp sống thanh bình.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, chiến đấu kiên cường trước họng súng, bom đạn của kẻ thù xâm lược để gìn giữ từng tấc đất quê hương.
Khi đất nước bước sang trang sử mới- nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long- đặc biệt là những người con ưu tú của vùng đất anh hùng đã tiếp tục phát huy nghĩa cử cao đẹp, sẵn sàng hiến đất, góp công, chung tay xây dựng quê hương đổi mới, xứng đáng với truyền thống Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Kỳ 1: Về đích nông thôn mới với truyền thống anh hùng
Trong chuyến công tác “xuyên huyện” về thăm các xã anh hùng xây dựng NTM, chúng tôi cảm nhận được những mảnh đất ngoan cường của một thời máu lửa, gian khó, giờ đang chuyển mình đổi mới từng ngày cùng nhịp sống thanh bình.
Những người con ưu tú của vùng đất anh hùng- gia đình chính sách, người có công từng một thời cống hiến hết mình cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, ngày nay lại tiếp tục chăm bồi, xây dựng quê nhà thêm “nở hoa, kết trái” mượt mà.
Xã anh hùng Chánh Hội vươn lên về đích NTM, một phần là nhờ vào sự chung sức, chung lòng của các hộ gia đình chính sách. |
Chung sức chung lòng, giữ vững truyền thống cách mạng
Men theo con đường trải nhựa phẳng lỳ, rộng thoáng, chúng tôi đến ấp Giồng Dài (xã Chánh Hội- Mang Thít) nghe chuyện nông thôn thay đổi từng ngày của vùng căn cứ cách mạng Giồng Dài.
Ông Trần Văn Đúng (thương binh 3/4) cho biết: Từ xưa, vùng đất này được thiên nhiên kiến tạo với gò đất cao, rậm rạp, cây cối um tùm, bề rộng thì chỉ vài chục mét nhưng dài cả cây số nên được gọi là Giồng Dài.
Với địa hình hiểm trở, những năm 1965, Huyện ủy Mang Thít chọn ấp Giồng Dài làm căn cứ cách mạng. Ấp bị tàn phá xơ xác vì chịu nhiều bom đạn nhất.
Năm 1971, địch đánh chiếm gần hết xã, nhưng căn cứ lõm Giồng Dài vẫn là nơi bám trụ kiên cường và chống trả quyết liệt của các chiến sĩ cách mạng, đẩy lùi được sự càn quét của địch.
Sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Chánh Hội đoàn kết một lòng xây quê hương đổi mới.
Ông Trần Văn Đúng (trái) đã tích cực vận động người dân kiên cố hóa cống đập và hiến đất xây đường, trụ sở làm việc ấp. |
Với hơn 23 năm làm Bí thư ấp, ông Trần Văn Đúng nhớ lại: “Trước đây, ấp này có tới 35 con đập lớn nhỏ, toàn cầu khỉ. Tới mùa nước nổi là nhà cửa ngập lênh láng, còn ruộng vườn cây trái thì... coi như xong, đời sống đã khó lại thêm khó”.
Thế là ông Đúng đứng ra vận động thu đầu công để mướn xáng cạp múc đất và tận dụng nhân công lao động tại chỗ để đắp toàn bộ đập trong 1 tháng.
Năm 1997, mô hình giao thông kết hợp thủy lợi của ấp được hoàn chỉnh, một số tỉnh thấy mô hình hay tìm đến tham quan. Năm 1998, ấp Giồng Dài trở thành ấp văn hóa đầu tiên của huyện và nhiều năm liền được chọn là ấp điểm trong tất cả các phong trào thi đua. Chi bộ ấp hàng năm đạt Chi bộ xuất sắc.
|
Bí thư Đảng ủy xã Chánh Hội Nguyễn Thu Hà
Xây dựng NTM là thách thức rất lớn đối với xã, vì đây là một trong số những địa phương khó khăn nhất của tỉnh, xã chẳng có gì ngoài truyền thống anh hùng. Lúc đó, toàn đảng bộ chỉ biết cố gắng hết mình chứ không nghĩ sẽ về đích sớm được.
Tuy nhiên, qua triển khai từng tiêu chí, các hộ gia đình chính sách- người có công đã nêu cao nhận thức “thời chiến đầy khó khăn gian khổ, mất mát và hy sinh mà vẫn vượt qua được thì ở thời bình không khó khăn nào có thể làm chùn bước”, nhờ vậy mà đã tạo được “sức bật” khơi thông sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng 19/19 tiêu chí. |
Cùng Nhà nước khơi sức dân
Những năm gần đây, khi triển khai xây dựng NTM, người dân Chánh Hội càng nêu cao tinh thần cách mạng, tích cực hưởng ứng các phong trào. Khi tuyến đường liên ấp Nhì B ở Giồng Dài được mở rộng, nâng cấp láng nhựa, gia đình ông Đúng đã hiến trên 300m2 đất làm đường và xây trụ sở ấp.
“Mình là đảng viên, từng tham gia cách mạng nên việc gì cũng phải tiên phong đi đầu thì mới có thể vận động bà con được”- ông Đúng nói.
Trong cuộc chiến chống Mỹ, mẹ, chồng và em trai của bà Lê Thị Xia (ấp Giồng Dài) đều lần lượt hy sinh. Bà Xia làm giao liên và bị địch bắt tù đày. Trước lằn roi tra tấn “thừa sống thiếu chết”, bà quyết không khai nửa lời để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đồng đội...
Gia đình bà Nguyễn Thị Xia đã hiến 200m2 đất và tích cực đóng góp tiền của để xây đường giao thông. |
Trở về đời thường, bà tích cực tham gia các phong trào địa phương, ngoài hiến 200m2 đất làm đường giao thông, bà còn cùng người dân trong ấp đóng góp của cải và dành trọn số tiền Nhà nước hỗ trợ cho dân trồng lúa 50.000 đ/công để làm quỹ xây dựng giao thông.
“Thời chiến, gia đình tôi đã sẵn sàng hy sinh xương máu cho đất nước thì nay chuyện hiến vài trăm mét vuông đất có sá gì. Giờ có đường thông thoáng, đi lại dễ dàng, xe tải chạy tới tận nhà, tận ruộng thu mua nông sản với giá cao hơn trước nên bà con mình mừng lắm!”- bà Xia bộc bạch.
Quanh năm gắn bó với ruộng vườn, đất đai là tài sản gắn liền như khúc ruột của người dân, nhưng vì lợi ích chung, ông Đúng, bà Xia cùng nhiều hộ dân đã vượt qua những trăn trở riêng tư, đồng thuận hiến đất xây những công trình phúc lợi.
Những con đường, trường, trạm, trụ sở làm việc... dần được mọc lên trên phần đất được hiến tặng đã làm bừng sáng nét đẹp giữa đời thường của những người con ưu tú, của vùng đất anh hùng này.
Ông Tô Minh Trí- Phó Bí thư Đảng ủy xã, Phó BCĐ Xây dựng NTM xã nhận định: Tuy khởi đầu xây NTM với điểm xuất phát thấp- cơ sở hạ tầng hạn chế, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhưng Chánh Hội đã kịp về đích NTM trong giai đoạn I (2011- 2015).
Thành quả đạt được đó, chính là nhờ vào truyền thống cách mạng của địa phương, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã luôn đoàn kết, chung sức vượt qua khó khăn. Trong đó, phải kể đến tinh thần nêu gương của những gia đình chính sách- người có công đã không ngừng hiến kế, hiến công, đất đai và tiền của để cùng Nhà nước khơi dậy sức dân.
|
Năm 1976, quân dân xã Chánh Hội được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một trong những thành tích tiêu biểu của địa phương là du kích Giồng Lức đã bám trụ, đẩy lùi sự tấn công của mấy đại đội địch suốt 2- 3 ngày đêm.
Thời bình, quân dân xã tiếp tục xây dựng thành công xã NTM và tiếp tục dẫn đầu cụm thi đua. Từ số tiền thưởng về nhất cụm thi đua cùng với nguồn huy động sức dân và vốn đối ứng của huyện, hiện xã đang láng nhựa 3 tuyến đường liên xóm dài 3,8km.
Dự kiến đến cuối năm 2017, toàn xã có 22,1km đường liên xóm đạt chuẩn NTM về cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. |
>> Kỳ 2: Tư tưởng đổi mới xây nông thôn thêm mới
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin