Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV: Sẽ khai mạc ngày 22/10/2016

04:09, 23/09/2016

Sau 8 ngày rưỡi làm việc, sáng 22/9, Phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (UBTVQH) khóa XIV đã bế mạc sau khi các đại biểu cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội.

Sau 8 ngày rưỡi làm việc, sáng 22/9, Phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (UBTVQH) khóa XIV đã bế mạc sau khi các đại biểu cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật về hội.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên họp thứ ba UBTVQH đã hoàn thành tất cả các nội dung đề ra. UBTVQH đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ hai sẽ khai mạc vào ngày 22/10 tới.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, các cơ quan soạn thảo các dự án trình, các cơ quan thẩm tra cùng phối hợp với các cơ quan hữu quan để chuẩn bị, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện tất cả các dự án luật, những báo cáo, những dự thảo nghị quyết để trình ra tại kỳ họp Quốc hội sắp tới; trong đó có 2 nội dung sẽ tiếp tục được trình ra tại Phiên họp thứ tư của UBTVQH.

Trước đó, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu đã cho ý kiến vào dự thảo Luật về hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và cho rằng đây là một dự án luật quan trọng được đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân rất quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh khi ban hành luật này phải bảo đảm quyền của công dân về lập hội theo quy định của Hiến pháp và bảo đảm sự quản lý của Nhà nước về vấn đề hội. Qua đó, góp phần tăng cường sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, về công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước thời kỳ hội nhập quốc tế.

Về cơ bản, UBTVQH thống nhất với Tờ trình của Chính phủ, trong đó nội dung bảo đảm phù hợp với các chủ trương, nghị quyết của Đảng đã nêu về vấn đề hội, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật.

Cùng với đó, UBTVQH nhấn mạnh việc thành lập hội cần bảo đảm những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hội, trong đó có 5 "tự" gồm: "Tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự trang trải kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và điều lệ hội; bảo đảm dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, hoạt động thường xuyên và không vì lợi nhuận.

Thảo luận nội dung này, một số ý kiến đề xuất cần có các quy định chặt chẽ, cụ thể để tránh tình trạng thành lập hội tràn lan, phức tạp trong việc huy động nguồn lực xã hội; chú ý phòng ngừa việc thành lập hội không phù hợp, gây khó khăn trong việc quản lý Nhà nước đối với hội. Đồng thời, có quy định chặt chẽ về các hành vi bị nghiêm cấm trong đó bao quát cả việc lợi dụng thành lập hội để tổ chức hoạt động trái pháp luật.

Theo Đ. Tiến (Laodongthudo.vn)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh