Suy ngẫm

Nghe và nói

Cập nhật, 10:18, Thứ Sáu, 10/07/2020 (GMT+7)

Trong cuộc sống hàng ngày, điều quan trọng nhất là biết cách lắng nghe người khác và nói sao cho đúng và đủ. Kế đến là “học nói” để “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Học nghe và học nói cũng chính là kỹ năng sống để chúng ta thấu hiểu được người khác. Vì vậy, nghe và nói trong đối nhân xử thế là vô cùng quan trọng.

Một số người có một thói quen khi người khác đang nói thì cướp lời người khác, hay nói đúng hơn là “nhảy vào mồm người khác để nói”. Ngay từ thuở xưa, cổ nhân đã hiểu được rằng, đằng sau mỗi lời nói đều ẩn giấu ý đồ và mục đích nhất định.

Chính vì thế, ngay trong quá trình nói chuyện và giao tiếp, nếu ta nghiêm túc lắng nghe từng câu, từng lời của đối phương thì ta có thể hiểu được một phần tâm lý của họ, lĩnh hội được ý đồ của họ, cũng như hiểu được mục đích thật sự đằng sau cuộc nói chuyện này.

Thông qua sự chăm chú lắng nghe, ta có thể hiểu được chính xác những gì đối phương muốn truyền đạt. Từ đó để ta bày tỏ quan điểm của mình.

Người xưa có câu: “Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra”. Nói nhiều thì càng dễ sai nhiều, nên trong những trường hợp cần thiết, chúng ta càng ít nói càng tốt. Thay vì “nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, thì hãy học cách quan sát nhiều hơn, suy nghĩ nhiều hơn và hành động nhiều hơn.

Thông qua việc im lặng quan sát, chúng ta có thể nhận được rất nhiều thông tin khác nhau, trải qua quá trình sàng lọc để tiếp thu, cô đọng, biến chúng trở thành kiến thức cho chính mình. Nói mười lời một ý, không bằng nói một lời nhưng ẩn giấu mười ý bên trong.

Khi muốn nói ra điều gì quan trọng, nhất định phải dành ra mấy phút để suy nghĩ thật thấu đáo, cẩn trọng, rồi mới biến suy nghĩ đó thành lời nói bộc lộ ra ngoài. Người xưa có câu: “cẩn tắc vô áy náy” nghĩa là cẩn thận trước khi nói sẽ không ân hận.

Vậy nên mới có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để tránh nói năng lung tung sinh ra những sai lầm không đáng có. Biết cách giấu tài năng của mình sẽ làm cho mọi người phải nể phục. Không nói thì thôi, đã nói, phải dứt khoát, chính xác, không quanh co, úp mở, không ba phải, đường nào cũng được.

Cách nói chuyện của một người phần nào đã thể hiện tính cách của họ. Người xưa có câu: “Châm ngôn sống quan trọng nhất của người già đó là “hòa khí sinh tài”. Hòa khí là một loại trí tuệ của con người.

Ở chợ quê làng tôi có một bà lão bán rau vô cùng đắt hàng, gánh rau của bà lúc nào cũng bán hết trước người khác, vì vậy mà những người bán rau xung quanh rất đố kỵ với bà. Mỗi sáng, họ thường đến sớm cố tình quét hay vứt rác sang chỗ ngồi của bà, nhưng bà lão không hề tức giận, cũng chẳng chửi mắng ai.

Thấy vậy người bán hàng ngồi bên cạnh bà bất bình nói: “Họ vứt rác sang chỗ của bà, sao bà không tức giận, không mắng cho họ một trận?” Bà lão cười đáp: “Cô thấy đấy, mỗi khi tết đến sáng mùng một ta đều sẽ quét rác vào phía trong nhà, ngụ ý càng nhiều rác càng nhiều tài lộc. Vậy thì sao tôi lại phải tức giận với họ kia chứ.

Cô xem, tôi bán rau không phải càng ngày càng đắt hàng đó sao?” Những người vứt rác sang sau khi nghe bà nói vậy họ cảm thấy rất xấu hổ, không còn dám vứt rác sang chỗ bà lão ngồi nữa.

Thế đấy sống ở đời, đôi khi, lùi một bước sẽ thấy đất rộng, trời cao. Giống như bà lão trong câu chuyện là một minh chứng. Bà không tranh cãi với người khác, mà chỉ đối phó tranh chấp bằng hòa khí, không cần bằng lời nói. Trông thì có vẻ giống cam chịu, nhưng thực ra là bà đang âm thầm dạy cho người chơi xấu bà một bài học làm người.

“Thượng thiên nhược thủy, dĩ nhu khắc cương” (sự cao thượng, thiện lương giống như dòng nước trong vắt, lấy nhu khắc cương). Hòa khí thường có thể hóa giải mâu thuẫn và bất hòa một cách vô hình. Vậy nên biết lắng nghe và nói chính là cha đẻ của sự “Dĩ hòa vi quý, vạn sự ắt hưng”.

HOÀNG BÍCH HÀ