Tin giả, hậu quả thật

Cập nhật, 06:50, Thứ Tư, 29/09/2021 (GMT+7)

Theo thống kê của ngành chức năng, thời gian gần đây tình trạng phát tán tin giả về dịch COVID-19 trên mạng xã hội có chiều hướng gia tăng. Việc phát tán những thông tin sai sự thật này trên mạng xã hội gây ra sự hoang mang cho người dân, bức xúc trong dư luận xã hội, gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch của các cấp, các ngành.

Điển hình vụ Công an TP Cần Thơ và Sở Thông tin- Truyền thông TP Cần Thơ phát hiện và xử phạt vụ 2 phụ nữ tung tin giả tiểu thương bán bún tại chợ Tân An tử vong do mắc COVID- 19 và dịch lây lan tại khu công nghiệp. Ngày 31/7/2021, Phòng An ninh chính trị nội bộ- Công an tỉnh Vĩnh Long quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với V.K.L. (sinh năm 1989, ngụ xã Lộc Hòa, Long Hồ) về hành vi sử dụng mạng xã hội Facebook để cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt. Trước đó, L. dùng tài khoản Facebook mang tên chồng để đăng video clip có nội dung tuyên truyền xuyên tạc về công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, đăng bài viết về “phương pháp chữa bệnh COVID-19 tại nhà” mà chưa có căn cứ khoa học.

Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, thời gian gần đây các tin giả liên quan đến dịch bệnh đang là thông tin được cảnh báo và xử phạt hành chính nhiều nhất. Liên quan đến hành vi lan truyền tin giả, các chuyên gia luật học cảnh báo, dù vô tình hay cố ý đưa tin sai sự thật về dịch COVID-19 đều là hành vi vi phạm pháp luật. Và người có hành vi này có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt 5-10 triệu đồng hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tù có thể từ 3 tháng đến 7 năm tù.

Để chấn chỉnh tình trạng này, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về COVID- 19 trên mạng và yêu cầu các ngành chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm việc phát tán thông tin không đúng sự thật.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng, cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo. Ngoài ra, khi đăng tải, chia sẻ thông tin từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận các luồng thông tin chính thống; không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, hình ảnh phản cảm… để không bị vướng vào việc vi phạm pháp luật dù vô tình hay cố ý.

™AN NHIÊN