Thể chế là đòn bẩy, động lực cho phát triển

Cập nhật, 06:00, Thứ Ba, 21/09/2021 (GMT+7)

(VLO) Tại hội nghị về xây dựng và hoàn thiện thể chế mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tới đây phải đảm bảo thể chế trở thành đòn bẩy, động lực, huy động nguồn lực tổng hợp cho phát triển, gồm nguồn lực con người, nguồn lực tự nhiên, nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.

Từ Đại hội XI của Đảng, xây dựng và hoàn thiện thể chế đã được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược. Đặc biệt, ngay từ khi khi Chính phủ nhiệm kỳ 2021- 2026 được kiện toàn đã tập trung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế một cách trọng tâm, thực chất và có giải pháp cụ thể.

Tuy nhiên, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế hiện nay vẫn còn bộc lộ một số bất cập. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, phân tích kỹ hiện trạng thể chế hiện nay, nhất là thực trạng hệ thống pháp luật, vẫn còn một số vấn đề cần được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp quan tâm, xử lý, khắc phục, như: một số chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp chưa được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời; hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh…

Để thực hiện có hiệu quả những yêu cầu nêu trên trong công tác xây dựng hoàn thiện thể chế giai đoạn 2021-2026, định hướng đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật; tiếp tục đổi mới tư duy, cải tiến quy trình trong hoạt động lập pháp, lập quy và trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật; thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận pháp luật, qua đó nâng cao năng lực thực thi pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế nguồn lực con người là quyết định. Song song đó, rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế.

Và mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

AN NHIÊN