Doanh nghiệp cần trợ lực kịp thời

Cập nhật, 06:58, Thứ Sáu, 17/09/2021 (GMT+7)

(VLO) Câu chuyện “sống chung với dịch COVID-19” đang là bài toán đặt ra với nhiều doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và hoạt động sản xuất kinh doanh dần được khởi động trở lại.

Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho thấy, dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến ĐBSCL thiệt hại nặng nề, khi nhiều tỉnh- thành phía Nam đồng loạt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Toàn vùng có hơn 75.000 doanh nghiệp, nhưng trong tháng 8/2021 chỉ còn khoảng 250 doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng.

Các doanh nghiệp đã gửi kiến nghị đến VCCI tại Cần Thơ và lãnh đạo 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL, Chính phủ với mong muốn được tiếp sức, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để khôi phục sản xuất sau thời gian dài “kiệt sức” vì chống chọi với dịch bệnh.

Đặc biệt là cần có giải pháp thay thế cho “3 tại chỗ”, nghiên cứu giải pháp sống chung với dịch; kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng tốt để tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại. Chính quyền các địa phương xem xét quy định hướng dẫn liên ngành về phương thức vận chuyển hàng hóa, thu hoạch nông sản cho bà con nông dân.

Cũng theo VCCI Cần Thơ, tỷ lệ lao động tại các doanh nghiệp ĐBSCL được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 khá thấp.

Để “sống chung với dịch”, nhiều ý kiến cho rằng, không thể kéo dài tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, vì càng kéo dài càng thêm khó khăn.

Điều đó cho thấy nhiều địa phương đã chuyển cách tiếp cận, nơi nào dịch bệnh chuyển biến tốt hơn thì có biện pháp khác, không thể giải pháp cứng hoài, cũng không thể buông lỏng. Để thích ứng với tình hình đại dịch COVID-19 còn diễn biến khó lường và tác động kéo dài, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới.

Tại cuộc họp ngày 11/9/2021 của BCĐ quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, dựa trên thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh để khôi phục và phát triển kinh tế.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp, dựa trên nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”.

AN HƯƠNG