Thi đua xây dựng và nâng chất ấp văn hóa

Cập nhật, 16:59, Thứ Sáu, 21/08/2015 (GMT+7)

Ấp Vĩnh Tiến (xã Hựu Thành- Trà Ôn) giữ vững danh hiệu ấp văn hóa 6 năm liền. Ở đó, bộ mặt địa phương ngày càng khởi sắc; đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân ngày càng được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố... Có được thành quả trên chính là nhờ sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của chính quyền và nhân dân cùng đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa...

Bộ mặt ấp văn hóa Vĩnh Tiến ngày càng khởi sắc, giao thông thuận tiện, nhà cửa xanh- sạch- đẹp.
Bộ mặt ấp văn hóa Vĩnh Tiến ngày càng khởi sắc, giao thông thuận tiện, nhà cửa xanh- sạch- đẹp.

Cùng xây dựng ấp văn hóa

Ấp Vĩnh Tiến có 269 hộ dân, đa số sống bằng nghề nông. 6 năm qua, ấp luôn là đơn vị điển hình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp- Trần Văn Hương cho biết: Những năm qua, phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Nhân dân tích cực tham gia hiến đất làm đường, hỗ trợ giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để tăng thu nhập. Giờ đây, đời sống kinh tế được ổn định từng bước phát triển, đời sống văn hóa lành mạnh phong phú, môi trường ngày càng xanh- sạch- đẹp...

Theo Bí thư Chi bộ, để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, Ban vận động ấp đã tích cực tham gia công tác tuyên truyền vận động nhân dân tự giác thực hiện các phong trào ở địa phương. Để mang lại hiệu quả, các thành viên chia làm 2 tổ đến từng nhà vận động và mời một số đồng chí cán bộ hưu trí, có uy tín tham gia; đồng thời nêu rõ trách nhiệm của từng thành viên, nhất là sự gương mẫu đi đầu của cán bộ đảng viên, đoàn viên và hội viên... “Chính vì thế mà toàn thể bà con đều nhất trí tham gia thực hiện các phong trào”- đồng chí nói.

Chung tay xây dựng ấp văn hóa, Chi hội Phụ nữ ấp đã tích cực tham gia thực hiện bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, các phong trào giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn... Bà Lê Tuyết Nhã- Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp cho hay: Để thực hiện tốt tiêu chí xây dựng môi trường, cảnh quan sạch đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, chị em phụ nữ có sự đóng góp rất lớn, nhất là thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Bên cạnh, chi hội cũng vận động và tạo điều kiện cho chị em có thêm điều kiện phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. “Xây dựng ấp văn hóa thì người dân mình được lợi nên bất kể phong trào mà ấp phát động là chị em tham gia ngay”- bà Lê Tuyết Nhã nói.

Là người dân ở ấp, chị Lương Thị Mãnh luôn tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” nên khuôn viên nhà chị xanh- sạch- đẹp. Chị còn tham gia góp vốn xoay vòng hỗ trợ chị em phát triển kinh tế. Bản thân chị cũng là phụ nữ làm kinh tế giỏi. Chị cho rằng: “Chính quyền vận động mà dân thấy lợi ích thì đồng tình ngay. Chuyện đào hố rác, sử dụng nước sạch hay làm đèn đường... không chỉ tôi mà bà con ai cũng gật đầu, bởi ai cũng muốn giữ vững ấp văn hóa mà”.

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Ấp Vĩnh Tiến sau những năm đổi mới, hôm nay đã thực sự thay da đổi thịt, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Đó là điều mà hầu hết người dân nơi đây đều thừa nhận. Chung sức đồng lòng xây dựng ấp văn hóa, những năm qua, người dân đã hiến đất, sẵn sàng đốn ngã nhiều loại cây trồng và vật kiến trúc để làm đường giao thông trị giá hàng tỷ đồng. Ngoài ra, bà con còn đóng góp làm 81 cây cột cờ có gắn bóng đèn với kinh phí hàng chục triệu đồng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn giao thông ở khu dân cư- nhất là vào ban đêm.

Chú Lem (phải) phấn khởi bước trên đường liên ấp mà theo chú là “được trải nhựa thênh thang”.
Chú Lem (phải) phấn khởi bước trên đường liên ấp mà theo chú là “được trải nhựa thênh thang”.

Trò chuyện với chúng tôi, chú Võ Văn Lem- người hăng hái hiến đất làm đường giao thông- cho biết, gia đình chú đã tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất ruộng. Chú nói: “Đây là việc có ích cho địa phương thì mình phải tham gia chớ. Bởi khi đường giao thông được mở rộng thì mọi người sẽ dễ dàng đi lại, việc buôn bán thuận tiện, thu nhập người dân nhờ đó cũng tăng lên”.

Để xây dựng ấp văn hóa, bà con trong ấp ai cũng hưởng ứng nhiệt tình bằng những việc làm cụ thể như: tăng gia phát triển kinh tế gia đình, bảo vệ môi trường, chỉnh trang nhà ở, làm hàng rào, cột cờ,… Ông Trần Công Đắc- Tổ trưởng Tổ nhân dân tự quản số 9- vui mừng ra mặt: “Giờ đường sá thuận tiện, xe chạy tới ruộng luôn. Trình độ dân trí bà con ngày càng cao và rất có trách nhiệm với các hoạt động tại địa phương. Trong tổ không còn hộ nghèo”.

Là một trong những hộ chí thú làm ăn, ông Huỳnh Văn Kháng cho biết, mỗi năm, gia đình anh thu nhập gần 100 triệu từ việc nuôi bò và làm ruộng. “Nhìn thấy quê mình ngày càng đổi mới, bà con ai cũng phấn khởi. Chăm lo phát triển kinh tế gia đình cũng là góp phần phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương đó”- ông nói.

Giữ vững danh hiệu ấp văn hóa là chặng đường dài với nhiều nỗ lực của Ban vận động ấp trong việc tuyên truyền, vận động hỗ trợ nhưng hơn hết là sự đồng thuận của người dân đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu. Ấp không chỉ giữ vững mà còn nâng chất các tiêu chí, thiết chế văn hóa. Hiện, ấp có 239/244 hộ đạt văn hóa; 212/244 hộ đạt tiêu chí nhà xanh- sạch- đẹp; có 209 hộ đủ các thiết chế văn hóa hàng rào, cổng ngõ, cột cờ,...

Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp- Trần Văn Hương chia sẻ kinh nghiệm: Trong quá trình thực hiện, chúng tôi luôn đổi mới nội dung phù hợp với thực tiễn và xác định đơn vị tổ tự quản và hộ gia đình là nền tảng để xây dựng ấp văn hóa. Nội dung tuyên truyền cũng được thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu để người dân nắm được mục đích, ý nghĩa, các tiêu chuẩn và nội dung xây dựng gia đình văn hóa để thực hiện. Đặc biệt là phát huy vai trò làm chủ của người dân trực tiếp tham gia vào tất cả các khâu trong quá trình xây dựng ấp... Qua đó đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết trong nhân dân, vun đắp tình làng nghĩa xóm và tạo điều kiện cho bà con nâng cao đời sống.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ