Chuyển đổi số với doanh nghiệp khởi nghiệp

Cập nhật, 08:52, Thứ Sáu, 04/08/2023 (GMT+7)

 

Mục tiêu của chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả, năng suất, cải thiện trải nghiệm khách hàng, mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Ảnh: NGUYÊN KHANG
Mục tiêu của chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả, năng suất, cải thiện trải nghiệm khách hàng, mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Ảnh: NGUYÊN KHANG

Chuyển đổi số (CĐS) mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp (DN) trong việc vận hành và thương mại hóa sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội đặt ra, CĐS vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp.

Bắt kịp xu hướng

CĐS đang trở thành xu hướng chung, tất yếu, biến động từng ngày, buộc người dân, DN phải thích nghi và không ngừng thay đổi. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, CĐS là quá trình thay đổi về phương thức làm việc, sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ số, giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống. Với DN và người khởi nghiệp, hướng đi này gần như bắt buộc để tồn tại và phát triển.

Thời gian qua, nhiều DN khởi nghiệp ở Vĩnh Long đã bắt đầu thích ứng, đầu tư cho CĐS, bởi đây là xu hướng chung, tất yếu, biến động từng ngày. Áp dụng CĐS trong vận hành và quản lý, sản phẩm của Cơ sở Sản xuất và phân phối Tuấn Linh (xã Tân Phú, huyện Tam Bình) được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thị Trúc Linh- chủ cơ sở cho hay, cơ sở quan tâm và nhận thấy hiệu quả rõ rệt khi quảng bá sản phẩm trên tất cả các kênh thương mại điện tử, website và mạng xã hội. Ngoài ra, cơ sở cũng áp dụng CĐS trong quản lý nhân viên, sản phẩm tồn kho và ưu tiên áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch.

Nhiều DN khởi nghiệp cũng cho rằng, lợi ích dễ nhận thấy nhất của CĐS đối với DN đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên.

Từ đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của DN được nâng cao. Theo anh Nguyễn Hoàng Khang- người sáng lập Foodo (chuyên về sản xuất và chế biến sản phẩm từ trái cây nhiệt đới ở huyện Vũng Liêm), CĐS sẽ giúp cải thiện và nâng cao năng suất làm việc của nhân viên, giảm thiểu những công việc thủ công, tốn thời gian, cắt giảm kinh phí, tiếp cận nhiều nguồn khách hàng.

Đây sẽ là hướng đi bền vững cho cơ sở trong thời gian tới. Dù vậy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 luôn đặt ra cho DN khởi nghiệp những thách thức mới, như chi phí về đầu tư công nghệ, hạ tầng, đội ngũ nhân sự hay chi phí rủi ro.

Và nếu chậm chân trong cuộc đua CĐS, DN khởi nghiệp có thể nhanh chóng bị đào thải. Do đó, để tồn tại, duy trì và phát triển trong thời đại công nghệ thay đổi không ngừng thì các DN khởi nghiệp cần phải có sự thay đổi về nhận thức và tư duy, chủ động và nhạy bén hơn.

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chiến lược kinh doanh của DN giữ vai trò quan trọng nhất và một phần trong đó có CĐS. Nếu không thay đổi và nắm bắt kịp thời xu hướng công nghệ, DN dù ở quy mô nào, sẽ khó tồn tại và phát triển vững bền.

Quá trình CĐS sẽ giúp DN thành công nếu tìm được hướng đi đúng và nền tảng công nghệ phù hợp. Theo đó, DN khởi nghiệp cần lồng ghép đa dạng các nguồn lực CĐS, tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết DN trong khối để cùng chia sẻ, tư vấn, đầu tư hiệu quả, đáp ứng yêu cầu CĐS, phát triển DN.

Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tiếp cận thêm nhiều khách hàng tiềm năng.
Chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tiếp cận thêm nhiều khách hàng tiềm năng.

Để hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp, thời gian qua, các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhiều lớp tập huấn chương trình huấn luyện kiến thức nền tảng về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho lãnh đạo, quản lý, cán bộ. Ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi mô hình kinh doanh, mở rộng thêm các kênh bán hàng và tiếp cận thêm đối tượng khách hàng mới.

Đây là những hoạt động quan trọng giúp DN khởi nghiệp có thể giải quyết khó khăn về thị trường đầu ra. Đồng thời, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách để hỗ trợ cho DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều DN mới được thành lập, nhiều dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đã ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, để việc ứng dụng CĐS trong DN khởi nghiệp đạt hiệu quả hơn, thời gian tới, ngành chức năng cũng cần có giải pháp hỗ trợ DN khởi nghiệp CĐS. Cụ thể, cần vận động DN khởi nghiệp tham gia sử dụng các nền tảng CĐS do Bộ Thông tin-TT công bố.

Tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực cho DN khởi nghiệp về CĐS. Tư vấn hỗ trợ DN khởi nghiệp phát triển phù hợp nhu cầu của thị trường, chú trọng lựa chọn các DN tiềm năng để tư vấn và hỗ trợ CĐS.

Trong Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025 của Bộ KH-ĐT, mục tiêu quan trọng là nâng cao nhận thức, kiến thức về CĐS cho 100% các DN trên toàn quốc. Còn theo Cục Phát triển DN, từ tháng 4- 6/2023, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025, Cục Phát triển DN đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án “Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của DN nhỏ và vừa” đã tổ chức 10 khóa đào tạo tại các tỉnh Gia Lai, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Hà Nội, Đắk Nông, Vĩnh Long. Tính tới tháng 6/2023, Chương trình Hỗ trợ DN CĐS giai đoạn 2021-2025 đã đào tạo, hỗ trợ CĐS cho hơn 10.000 DN tại 40 địa phương. Riêng tại Vĩnh Long, các đơn vị và DN đã tham gia khóa đào tạo: “CĐS mô hình kinh doanh và ứng dụng tiếp thị số cho DN nhỏ và vừa”. Khóa đào tạo nhằm hỗ trợ thúc đẩy việc CĐS trong DN nhỏ và vừa thông qua việc áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho DN.

Bài, ảnh: LY- THỊNH