Duy trì giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Cập nhật, 08:05, Thứ Năm, 03/08/2023 (GMT+7)

Xác định tầm quan trọng của mã số vùng trồng (MSVT), cơ sở đóng gói đối với xuất khẩu các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, nên công tác kiểm tra, giám sát để quản lý các mã số trên địa bàn tỉnh được ngành nông nghiệp quan tâm, duy trì thực hiện thường xuyên.

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh được giao phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện công tác này. Theo đó, đơn vị đã tiến hành giám sát với tần suất tối thiểu 1 lần/năm đối với 1 MSVT, cơ sở đóng gói đã được cấp. Công tác theo dõi các đối tượng kiểm dịch thực vật trên từng loại cây trồng cũng được duy trì thường xuyên tại các vùng trồng đã được cấp nhằm tuân thủ đúng quy trình canh tác.

Bên cạnh, việc phối hợp với cơ quan chuyên môn để tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, HTX áp dụng các quy trình canh tác, biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, ghi chép và hoàn thiện hồ sơ phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu… cũng được tăng cường.

Đến cuối tháng 7/2023, toàn tỉnh có 135 cơ sở được cấp 151 mã số còn hiệu lực. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt có 53 cơ sở với 68 MSVT, trong đó phần lớn là cây khoai lang (25 cơ sở với 27 mã số), bưởi năm roi (8 cơ sở với 17 mã số) và lúa (3 cơ sở với 4 mã số), có 9 cơ sở đóng gói được cấp 9 mã số; lĩnh vực thủy sản có 7 cơ sở với 7 mã số nuôi động vật hoang dã dưới nước (tăng 1 mã số so với cùng kỳ); và lĩnh vực lâm nghiệp có 75 cơ sở với 76 mã số nuôi động vật hoang dã trên cạn (tăng 9 mã số so với cùng kỳ năm ngoái).

MINH HÒA