Mạng xã hội- công cụ hỗ trợ kinh doanh hiệu quả

Cập nhật, 08:55, Thứ Năm, 03/08/2023 (GMT+7)

 

Quay video có nội dung phản hồi thực tế về sản phẩm là cách thức xây dựng lòng tin của khách hàng.
Quay video có nội dung phản hồi thực tế về sản phẩm là cách thức xây dựng lòng tin của khách hàng.

Thời đại số hóa mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp (DN). Các nền tảng mạng xã hội (MXH) trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của DN, là một trong những công cụ hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, sản phẩm và tăng cường kết nối với khách hàng.

Giải pháp thương mại nhiều tiềm năng

Theo báo cáo thương mại điện tử (TMĐT) năm 2022 của Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), quy mô thị trường TMĐT bán lẻ năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm khoảng 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Chỉ riêng trong năm 2021, tỷ lệ người tiêu dùng trực tuyến sử dụng website TMĐT chiếm 78% và MXH là 42%. Điều này phản ánh tầm quan trọng của MXH trong hoạt động thương mại. Hiện nay, có gần 66% website, ứng dụng di động có tích hợp MXH, phổ biến nhất là Facebook, Zalo, TikTok… hỗ trợ hoạt động bán hàng đa kênh cho DN, mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng.

Chia sẻ về lợi ích của việc bán hàng thông qua MXH, chuyên gia Lê Đỗ Duy Ân- giảng viên Trường Doanh nhân Top Olympia, cho biết: Trong thời buổi xã hội tiêu dùng được số hóa ngày càng có nhiều hình thức kinh doanh tận dụng hiệu quả của MXH. Vì vậy, DN “bắt buộc” phải thay đổi tư duy và sử dụng MXH như một công cụ hỗ trợ.

MXH sẽ giúp DN mở rộng tệp khách hàng, cho phép doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu, cụ thể hóa chân dung khách hàng; tăng chất lượng trải nghiệm mua hàng; tiết giảm chi phí quảng cáo.

Ông Nguyễn Khắc Nhu- Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, nhận định: “Giữa bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, hoạt động phân phối bán hàng, đối thoại và chăm sóc khách hàng chiếm vai trò quan trọng, tác động đến hiệu quả kinh doanh. Hay nói cách khác, dù DN sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến đến đâu đi chăng nữa nhưng thiếu đầu tư cho các kênh phân phối bán hàng, thì DN sẽ dễ đánh mất cơ hội cạnh tranh”.

Theo ông Nguyễn Khắc Nhu, khoảng 10 năm trở lại đây thì cụm từ “chăm sóc khách hàng” xuất hiện trong nhiều mặt cuộc sống. Đây là một hoạt động giúp DN tăng tương tác, giữ chân khách hàng nhưng lại rất phức tạp, đòi hỏi mỗi DN phải có phương pháp tiếp cận, thấu hiểu nhu cầu, đặc điểm khách hàng thông qua việc thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng để tự tin, có tâm thế sẵn sàng vận dụng vào chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả.

Khi DN bán hàng thông qua MXH

Báo cáo ngành bán lẻ tại Việt Nam 2022: Mô hình đa kênh “cất cánh” của Deloitte Việt Nam đã chỉ ra một xu hướng nổi bật là sự phát triển nhanh chóng của mô hình bán hàng đa kênh từ sau đại dịch COVID-19. Ngày nay, phần lớn người tiêu dùng Việt Nam ở thành thị có thói quen tiêu dùng đa kênh: tại cửa hàng trực tiếp, website của nhãn hàng, các nền tảng trò chuyện trực tuyến của bên thứ ba, ứng dụng giao đồ ăn…

Là thế hệ trẻ nhanh chóng nắm bắt xu hướng kinh doanh mới, chị Lê Thị Bảo Trang- đại diện hộ kinh doanh rau câu Vinh Quang (Phường 8, TP Vĩnh Long) tận dụng MXH để tăng nhận diện thương hiệu, tương tác với khách hàng: “Ngoài đầu tư về mẫu mã, chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu, chúng tôi còn chăm chút hình ảnh, cập nhật thông tin sản phẩm trên Facebook, Zalo, TikTok để tăng độ phủ sóng, uy tín cho thương hiệu. Thay vì trước đây tốn thời gian trò chuyện với từng khách hàng thì bây giờ tôi tham gia các nhóm trò chuyện, chủ động tìm kiếm khách hàng tiềm năng”- chị Trang chia sẻ.

Khi xu hướng video ngắn vừa quảng cáo sản phẩm kết hợp giải trí trên TikTok ngày càng phổ biến, chị Nguyễn Thị Ngọc Hương- Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất khẩu Hương Nguyễn (phường Cái Vồn, TX Bình Minh) kết hợp đăng tải video ngắn về sản phẩm tinh dầu thiên nhiên của đơn vị với nội dung về đời sống hàng ngày, châm ngôn… để thu hút sự chú ý.

Chị Ngọc Hương cho biết: “Không phải ai làm nghề bán hàng online cũng nhanh chóng trở thành “chiến thần chốt đơn”. Tôi đã xây dựng kênh TikTok hơn 3 năm, lúc đầu tôi làm video giới thiệu về sản phẩm nhưng không nhận được nhiều chú ý. Mới đây tôi đầu tư thiết bị quay chụp, làm video đa dạng chủ đề, livestream (phát trực tiếp) bán hàng minh bạch… mới nhận được nhiều lượt theo dõi. Nhờ vậy mà lượng khách đặt mua hàng cũng tăng lên đáng kể”.

Bán hàng trên nền tảng TikTok hơn 1 năm, chị Nguyễn Như Ý- đại diện cửa hàng nội thất gỗ mỹ nghệ Nguyễn Long (phường Thành Phước, TX Bình Minh) vẫn băn khoăn trước xu hướng bán hàng “chửi hay như hát”, “drama” (kịch tính)…

“Chưa nói đến chất lượng sản phẩm trong những video đó, tôi chỉ không hiểu tại sao nội dung như vậy lại thu hút nhiều lượt xem. Đối với tôi, việc DN quảng bá thương hiệu, bán hàng thông qua MXH như trồng một cái cây cần nhiều thời gian, kiên trì nuôi dưỡng bằng nội dung lành mạnh. Tôi hay đăng tải nội dung phản hồi của khách về sản phẩm nội thất; nhiệt tình giải đáp thắc mắc, tư vấn mẫu mã cho khách hàng trong các buổi livestream; kết hợp với các DN địa phương xây dựng nội dung bán hàng chất lượng, uy tín”- chị Như Ý bày tỏ.

Một số doanh nghiệp thực hành livestream bán hàng tại một khóa đào tạo về kỹ năng bán hàng thông qua mạng xã hội.
Một số doanh nghiệp thực hành livestream bán hàng tại một khóa đào tạo về kỹ năng bán hàng thông qua mạng xã hội.

Có thể thấy, MXH trở thành “ngôi sao sáng” về giải pháp thương mại, cho phép DN ở mọi quy mô được tham gia sân chơi chung. Song, điều này đòi hỏi các ngành chức năng cần có những biện pháp hỗ trợ gắn với kiểm soát, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa các DN để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, ngoài tạo ra sản phẩm có chất lượng đảm bảo, giá trị phù hợp, DN phải chú trọng hành vi ứng xử trên MXH, tuân thủ pháp luật về TMĐT, truyền tải hình ảnh chân thật về thương hiệu để giữ vững lòng tin của khách hàng.

Bài, ảnh: THẢO TIÊN