Quy định về lưu trú

Cập nhật, 07:06, Thứ Năm, 11/04/2024 (GMT+7)

Vợ chồng tôi bận nhiều việc nên không có thời gian chăm sóc, đưa rước con đi học. Để thuận tiện, tôi nhờ chị ruột từ dưới quê lên chăm cháu khoảng 2 tuần. Vậy tôi có cần đến chính quyền địa phương đăng ký lưu trú cho chị tôi không?

Võ Minh Nguyệt

(TP Vĩnh Long)

Trả lời:

Điều 30 Luật Cư trú quy định về thông báo lưu trú. Cụ thể, khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú. Trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm: họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số CMND, số hộ chiếu của người lưu trú, lý do lưu trú, thời gian lưu trú, địa chỉ lưu trú. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú. Trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 8 giờ ngày hôm sau. Trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

Đồng thời, khoản 4, Điều 15 Thông tư 55/2021/TT-BCA được sửa đổi bởi khoản 8, Điều 1 Thông tư 66/2023/TT-BCA có quy định, thời gian lưu trú tùy thuộc nhu cầu của công dân nhưng không quá 30 ngày. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải cập nhật nội dung thông báo về lưu trú vào Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Như vậy, khi có người đến lưu trú thì thành viên hộ gia đình có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú. Trường hợp chị ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

NT. PHÒNG BẠN ĐỌC