​Cảnh báo đột quỵ gia tăng ở người trẻ

Cập nhật, 15:12, Thứ Sáu, 18/12/2020 (GMT+7)

 

Di chứng đột quỵ để lại rất nặng nề, trở thành gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Di chứng đột quỵ để lại rất nặng nề, trở thành gánh nặng cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Di chứng đột quỵ để lại rất nặng nề, trở thành gánh nặng cho bệnh nhân (BN), gia đình và xã hội. Thời gian “vàng” để cứu sống BN đột quỵ là 4,5 giờ và thời gian “kim cương” là 30 phút. Nếu không cấp cứu kịp thời, BN sẽ bị tàn phế nặng, thậm chí tử vong.

Gia tăng bệnh đột quỵ

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Ban Phòng, chống bệnh không lây nhiễm- cho biết: Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ 3 gây tử vong tại Việt Nam.

Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Theo thống kê tại các bệnh viện (BV), tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi trung bình tăng khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Vì vậy, việc tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin về phòng ngừa và điều trị bệnh đột quỵ rất cần thiết và quan trọng.

Theo TS. bác sĩ Trần Chí Cường- Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP Hồ Chí Minh, Giám đốc chuyên môn BV Tim mạch- Đột quỵ (Cần Thơ), sau 2 năm hoạt động BV Tim mạch- Đột quỵ Cần Thơ có thể đúc kết, ở khu vực miền Tây có khoảng 30.000 người đột quỵ/năm. Số lượng BN đột quỵ được cấp cứu được trong thời gian vàng là 20%. Để cấp cứu kịp thời trong giờ vàng, cần phải nhận diện dấu hiệu, đưa đi cấp cứu, chuyển viện lên tuyến chuyên môn làm chậm quá trình đột quỵ.

Nếu như nói về yếu tố nguy cơ, đột quỵ không phải là căn bệnh quá xa vời mà chúng ta không thể hiểu biết về nó, ngược lại hiện nay đã chẩn đoán và điều trị rất tốt.

Song, không phải ai cũng hiểu nguyên nhân đột quỵ là gì, mặc dù nó hiện diện ngay trong cuộc sống, đó là: hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, bệnh tiểu đường, béo phì, mỡ máu cao, tăng huyết áp, ô nhiễm môi trường nặng, tiếp xúc hóa chất độc hại, thực phẩm bẩn... ăn trễ, ít vận động là nguyên nhân khiến đột quỵ ở người trẻ. Đây đều là những yếu tố tác động bên ngoài.

Bên cạnh đó còn có những yếu tố khó tránh khỏi như: tuổi tác (tuổi càng lớn thì nguy cơ đột quỵ càng cao); dị tật, dị dạng mạch máu não (đây là một trong những yếu tố làm người trẻ bị đột quỵ, ngoài lý do lối sống không lành mạnh như đã nêu trên).

“Thống kê tại BV Tim mạch- Đột quỵ cho thấy, đột quỵ ở người trẻ từ 40 tuổi trở xuống trong nam giới chiếm tới 80%. 100% là có hút thuốc lá hơn 1 gói 1 ngày, thường xuyên ăn nhậu. Tắm trễ không liên quan đến đột quỵ. Các bạn cần phải lưu ý, một ngày đi bộ bao nhiêu bước, có ngủ đủ giấc hay không, chế độ ăn như thế nào, uống bia bao nhiêu lần/tuần, theo dõi chỉ số cân nặng, huyết áp”- TS. bác sĩ Trần Chí Cường cho biết.

Dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

TS. bác sĩ Trần Chí Cường cho biết, đột quỵ có 20% là xảy ra đột ngột và có đến 80% là xuất hiện triệu chứng báo trước. Nhưng những dấu hiệu này thường ít được cộng đồng quan tâm. Theo kinh nghiệm của tôi, người bệnh bị nghẽn mạch máu não lúc đến BV, khi bác sĩ hỏi bệnh sử thì 80% đều nói có xuất hiện các triệu chứng. Đó là dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua.

Bạn đọc cần biết 3 dấu hiệu rất dễ nhớ. Đó là:

- Mặt méo 1 bên.

- Tay chân yếu, đưa lên mà rớt xuống.

- Nói khó, ú ớ, một số trường hợp ngất xỉu.

Đây đều là những triệu chứng rất dễ nhận biết mà không cần đến gặp bác sĩ. Có thể vài giây hay vài phút trước người bên cạnh chúng ta bình thường, khỏe mạnh mà tự nhiên gặp 3 dấu hiệu trên thì hãy chẩn đoán ngay là đột quỵ chứ không phải trúng gió như dân gian truyền miệng.

Lúc này cần đưa BN đến BV đột quỵ hoặc BV có khả năng cấp cứu, điều trị đột quỵ gần nhất. Bởi điều trị tốt đột quỵ liên quan đến thời gian vàng.

TS. bác sĩ Trần Chí Cường nêu ví dụ, dị dạng mạch máu não thường xảy ra ở độ tuổi dưới 18 tuổi, đây phần lớn là dị dạng bẩm sinh. Những trường hợp sau nên kiểm tra dù tuổi nhỏ như những cơn mất ý thức thoáng qua, cơn động kinh ở những trẻ nhỏ, nhức đầu kéo dài ở người trẻ (nhức đầu này không liên quan đến áp lực học hành) mà nhức đầu ở mọi lúc, dấu hiệu tê yếu tay chân… Nếu có những dấu hiệu này thì nên đi đến BV kiểm tra chứ không nên lơ là chủ quan.

TS. bác sĩ Trần Chí Cường nhấn mạnh: Chúng ta nên nâng cao ý thức phòng ngừa. Từ việc hãy tìm bản đồ khu vực xung quanh mình sống, tính khoảng cách từ nhà đến BV nào trong bán kính 2 giờ mà chúng ta có thể tiếp cận được phương pháp điều trị đột quỵ 1 cách tốt nhất.

Mặt khác, chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa đột quỵ từ xa nếu bỏ thuốc lá, kể cả hút thuốc lá tự động; kiểm soát đường huyết, huyết áp thật tốt; không để thừa cân béo phì; đừng sống thụ động, hãy vận động nhiều hơn; không sống trong môi trường ô nhiễm; tránh thức ăn bẩn làm cơ thể... dễ hình thành cục máu đông.

Bên cạnh đó, phải có thói quen kiểm tra sức khỏe thường xuyên, chứ đừng quan niệm sai rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, còn mình vẫn trẻ không cần quan tâm. Nếu rượu bia vẫn uống mỗi ngày, thuốc lá vẫn hút thì vấn đề đột quỵ xảy đến rất nhanh, với cả người còn trẻ.

TS. bác sĩ Trần Chí Cường lưu ý thêm, BN đột quỵ lần đầu thì nguy cơ tái phát sẽ cao hơn lần trước. Do đó việc tìm ra nguyên nhân thủ phạm rất quan trọng, có những BN bị đột quỵ 3-4 lần mới tìm được nguyên nhân. “Chúng ta phải làm sao để tìm ra nguyên nhân chứ không cần thiết 100% BN phải làm MRI. Đôi lúc nguyên nhân do tâm lý xã hội, huyết áp cao… Cách đơn giản nhất là tự bắt mạch cổ tay xem trong vòng 1 phút để biết mạch có đều không để xác định BN có rối loạn nhịp tim. Tôi cũng lưu ý rối loạn nhịp tim cũng là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ”- TS. bác sĩ Chí Cường nói.

 

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN