Hội chứng bàng quang tăng hoạt- khổ vì bệnh... "khó nói"

Cập nhật, 15:10, Thứ Sáu, 11/12/2020 (GMT+7)

 

Các bài tập co thắt cơ sàn chậu (phương pháp Kegel có ý nghĩa nhằm hỗ trợ việc kìm nén đi tiểu để điều trị tình trạng tiểu gấp hay tiểu gấp không kiểm soát).
Các bài tập co thắt cơ sàn chậu (phương pháp Kegel có ý nghĩa nhằm hỗ trợ việc kìm nén đi tiểu để điều trị tình trạng tiểu gấp hay tiểu gấp không kiểm soát).

Hiện nay, nhiều người dân mắc bệnh bàng quang tăng hoạt ngày càng gia tăng. Không chỉ là một rắc rối của cơ thể, căn bệnh này gây nên những ảnh hưởng không nhỏ về tâm lý, sinh hoạt của người bệnh. Đây là một bệnh lý thường gặp về đường tiết niệu, biểu hiện bằng các triệu chứng tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát, có són tiểu, tiểu đêm.

Khổ vì bệnh… “khó nói”

Tại các phòng khám tiết niệu Bệnh viện ĐH Y Dược thời gian gần đây có nhiều người tìm đến với nhiều triệu chứng như tiểu gấp (đột nhiên có cảm giác rất muốn đi tiểu khó mà nhịn được), tiểu nhiều lần vào lúc thức (trên 8 lần/ngày), tiểu đêm làm mất giấc ngủ (trên 1 lần/đêm), són tiểu gấp.

Bệnh gặp ở mọi độ tuổi, nữ mắc nhiều hơn nam và đến nay y học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân. Song, rất nhiều người không đi khám ở các cơ sở y tế để điều trị.

Bác L.V.T. (65 tuổi) phải “sống chung” với chứng tiểu đêm, tiểu không kiểm soát, tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ từ vài năm nay. Điều này đã đem đến cho bác nhiều phiền phức, khiến bác ngủ không thẳng giấc, đêm thức 4- 5 lần để tiểu,… làm ảnh hưởng đến sức khỏe.

Khi đến bệnh việc khám, các bác sĩ tiến hành tiêm botox vào bàng quang cho bệnh nhân. Sau 4 tháng, các triệu chứng được cải thiện đến 80%. Bác T. được hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp và tiếp tục được điều trị bằng thuốc.

Không chỉ là một rắc rối của cơ thể, bệnh lý bàng quang tăng hoạt còn làm giảm chất lượng cuộc sống khiến người bệnh không dám đi xa, không tham gia sinh hoạt hội họp hay đi công tác nên bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống.

Một số người cho rằng đây là những vấn đề của cá nhân và cảm thấy xấu hổ khi đề cập đến. Một số khác lại nghĩ đó là vấn đề của tuổi tác hoặc đó là chứng bệnh bất trị. Cho dù với lý do gì đi nữa thì rất nhiều trong số họ (hơn một nửa số người mắc bệnh) phải chịu đựng tình trạng này trong nhiều tháng, nhiều năm một cách thầm lặng.

Chị N.N.K.A. (30 tuổi, TP Vĩnh Long) bị tiểu không tự chủ và tiểu són: “Sau khi sinh bé thứ 2, chị bắt đầu gặp chứng són tiểu và hơi mắc tiểu là phải chạy ngay vào nhà vệ sinh, không kiềm chế được. Ngày nào cũng lót băng vệ sinh hàng ngày, vậy mà cứ xíu là phải thay. Ban đêm chị cũng thường mất ngủ vì phải thức dậy đi tiểu, khoảng 2- 3 lần/đêm, điều trị tại địa phương nhưng không hiệu quả”- Chị K.A. cho biết.

Triệu chứng và cách điều trị bàng quang tăng hoạt

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tuấn Vinh- Chủ tịch Liên chi hội Niệu- Thận học TP Hồ Chí Minh, bàng quang tăng hoạt là một bệnh lý thường gặp về đường tiết niệu, biểu hiện bằng các triệu chứng tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát, tiểu đêm (đã loại trừ các bệnh lý thực thể của bàng quang và đường tiểu dưới).

Trên thế giới có khoảng 16- 17% dân số mắc bệnh bàng quang tăng hoạt. Ở Việt Nam, có khoảng hơn 10 triệu người có các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt, chiếm khoảng 11% dân số.

Tùy thuộc vào mức độ của bệnh, việc điều trị có thể kéo dài, nhiều trường hợp các triệu chứng tái phát do không duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp hoặc tự ý ngưng thuốc.

Do đó người bệnh nên tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị cao nhất. Các biện pháp điều trị bao gồm: điều chỉnh chế độ sinh hoạt và cách ăn uống, dùng một số thuốc đặc trị và nếu không cải thiện triệu chứng thì xem xét thực hiện một số thủ thuật can thiệp.

Để cải thiện tình trạng bàng quang tăng hoạt, bệnh nhân nên thay đổi lối sống, có thể giảm đến 50% triệu chứng của bệnh. Người bệnh viết “nhật ký đi tiểu”; tập đi tiểu theo giờ: khoảng thời gian thích hợp giữa 2 lần đi tiểu là 3- 4 giờ và không nhất thiết cứ phải đi tiểu mỗi khi có cảm giác khác lạ trong bàng quang.

Đồng thời, người bệnh không hút thuốc lá, hạn chế cà phê, sô-cô-la, rượu, trà, thức uống có gas, thức ăn chua, cay, sản phẩm làm từ đường,... Nên uống nước vừa đủ, không hạn chế nhưng ít uống nước trước khi ngủ. Ngoài ra, người bệnh phải điều trị các bệnh kèm theo như: bón, nhiễm trùng tiểu, bệnh tiền liệt tuyến, thiếu hụt estrogen ở nữ...

Các kỹ thuật tập luyện: tập kìm nén và kiểm soát tiểu gấp, tập luyện bàng quang, tập co thắt cơ sàn chậu (phương pháp Kegel có ý nghĩa nhằm hỗ trợ việc kìm nén đi tiểu để điều trị tình trạng tiểu gấp hay tiểu gấp không kiểm soát).

Đối với các trường hợp nặng, người bệnh cần được điều trị phối hợp giữa điều chỉnh chế độ sinh hoạt và dùng thuốc. Trong trường hợp kháng thuốc, người bệnh sẽ được thực hiện các thủ thuật như tiêm botox vào bàng quang, đặt máy điều biến thần kinh cùng, kích thích thần kinh chày…

Bàng quang tăng hoạt (OAB: overactive bladder) là tình trạng bàng quang tăng nhạy cảm hơn, tăng co bóp hoặc co bóp không đúng thời điểm, gây ra cảm giác thường xuyên bị mắc tiểu, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, són tiểu hoặc tiểu gấp, cần phải đi tiểu ngay. Một số người còn có cảm giác đau tức vùng bụng dưới khi mắc tiểu.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG