Bàn tay dập nát vì bị cuốn vào máy xay cá

Cập nhật, 17:24, Thứ Hai, 14/12/2020 (GMT+7)

 

Ngày 14/12, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc chuyên môn BVĐK Trung ương Cần Thơ, cho biết đã tiếp nhận cấp cứu một nữ bệnh nhân (BN) do bị máy xay cuốn giập nát bàn tay, vào bệnh viện với chiếc máy xay trên tay.

BN N.T.P.T. (32 tuổi, ở tỉnh Bạc Liêu) được bệnh viện địa phương chuyển đến cấp cứu trong tình trạng còn nguyên máy xay trên bàn tay phải, các ngón bị xay nát, dính chặt vào khay inox không lấy ra được, gây đau đớn.

Các bác sĩ Trung tâm chấn thương và chỉnh hình BVĐK Trung ương Cần Thơ tiến hành xử lý cấp cứu, xét nghiệm chuyển nạn nhân lên phòng phẫu thuật. Trong 80 phút phẫu thuật, các bác sĩ cẩn trọng tháo rời từng bộ phận của chiếc máy xay để gỡ bàn tay bệnh nhân ra khỏi khay inox. Sau khi cắt lọc mô dập nát, bác sĩ xác định các ngón từ 1- 4 bị tổn thương nặng nề, không thể phục hồi nên phải tháo. Riêng ngón 5 bảo tồn được cùng với các xương bàn tay phải.

Trước đó, chị T. làm nghề bán chả cá, trong lúc xay cá để bán không may tay bị trượt vào khay cuốn luôn vào máy. Ngay sau đó, gia đình đưa nạn nhân đi cấp cứu cùng máy xay.

Đến trưa 14/12, sức khỏe BN ổn định, vết thương khô, ngón tay út hồng hào, bệnh nhân tiếp tục được, bác sĩ theo dõi và điều trị tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình.
Đến trưa 14/12, sức khỏe BN ổn định, vết thương khô, ngón tay út hồng hào, bệnh nhân tiếp tục được, bác sĩ theo dõi và điều trị tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình.

Bác sĩ Huỳnh Thống Em- Giám đốc Trung tâm Chấn thương, chỉnh hình, cho rằng, trường hợp BN T. sau khi lành các vết thương bàn tay phải, các bác sĩ dự định phẫu thuật lấy ngón chân cái của bàn chân phải đưa lên, làm ngón cái cho bàn tay phải bị mất nhằm giúp phục hồi một phần chức năng cầm nắm của bàn tay.

Các bác sĩ cảnh báo các trường hợp tai nạn khi sử dụng máy xay thịt, cá tự động tương tự khác, quá trình thao tác cần đặc biệt chú trọng các biện pháp bảo hộ an toàn, không dùng tay trực tiếp đưa vào máy xay, tránh tiếp xúc quá gần, ngắt cầu dao khi tiếp xúc...

Khi có sự cố cần ngắt ngay cầu dao điện và đưa người đi cấp cứu, đặc biệt không nên cố kéo tay ra mà giữ nguyên hiện trạng sớm đưa đến BV cấp cứu.

Tin, ảnh: THÚY QUYÊN