Một phút lơ đễnh- thương tật cả đời

Cập nhật, 05:42, Thứ Sáu, 11/12/2020 (GMT+7)

Vài tháng gần đây, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Cần Thơ thường xuyên tiếp nhận và khuyến cáo về các ca tai nạn lao động liên quan tới các loại máy móc nhưng những vụ tai nạn đáng tiếc vẫn xảy ra tương tự.

Bệnh nhân được đưa vào BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu hôm 27/11, cùng với chiếc máy xay thịt đang nghiến chặt cánh tay trái.
Bệnh nhân được đưa vào BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu hôm 27/11, cùng với chiếc máy xay thịt đang nghiến chặt cánh tay trái.

Phụ nữ bị máy xay thịt nghiến chặt bàn tay

Chị L.N.Đ. (46 tuổi, Vĩnh Long) được đưa vào BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu hôm 27/11, cùng với chiếc máy xay thịt đang cuốn chặt cánh tay trái.

Thời điểm đó, bệnh nhân (BN) rất đau đớn, các ngón tay tím tái, đang vướng khay inox, không lấy ra được. Người nhà cho biết, trong khi vệ sinh máy xay thịt, thay vì rút phích cắm máy xay ra thì BN lại rút nhầm phích cắm nồi cơm điện nên bị cuốn giập nát bàn tay.

Qua thăm khám, bác sĩ xác định, BN bị giập nát 4 ngón tay bàn tay trái, xử lý cấp cứu cầm máu, sử dụng kháng sinh, giảm đau, tiêm ngừa uốn ván cùng lúc thực hiện các xét nghiệm và chuyển lên phòng phẫu thuật.

Bác sĩ Trung tâm Chấn thương- Chỉnh hình và Khoa Phẫu thuật gây mê cẩn trọng tháo rời từng bộ phận chiếc máy xay ra, sau đó gỡ bàn tay BN ra khỏi máy để tiến hành phẫu thuật các ngón tay từ 2 đến 5.

Bác sĩ cho biết, bàn tay trái của BN bị giập nát, riêng ngón 3 gãy phức tạp, tuần hoàn mạch máu nuôi ngón tay bị tổn thương nặng nề không thể khâu nối, nguy cơ hoại tử cao nên các bác sĩ quyết định tháo ngón 3.

Còn các ngón 2, 4, 5 thì bác sĩ tiến hành rửa vết thương, cắt lọc, khâu gân gấp các ngón, xuyên kim cố định xương, khi kiểm tra các đầu ngón hồng. Ca phẫu thuật rất phức tạp này diễn ra trong 60 phút. Các bác sĩ đã nỗ lực hết mình, phẫu thuật bảo tồn thành công 4 ngón tay còn lại của bàn tay trái cho BN.

Hiện, tâm lý BN ổn định và đang được theo dõi, vận động nhẹ để phục hồi tối đa chức năng vận động ở các bộ phận được khâu, nối. Bác sĩ kiểm tra vết thương khô tốt, các ngón tay hồng hào.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thống Em- Giám đốc Trung tâm Chấn thương- Chỉnh hình của BV cho biết, BV tiếp nhận khá nhiều BN vào cấp cứu vì tai nạn do máy quấn như máy xay thịt, cá, ép nước… nhưng hiếm có trường hợp mang cả máy theo như thế.

Đa số các trường hợp tai nạn đều không cứu được toàn vẹn bàn tay bị giập nát do tổn thương phức tạp. Bác sĩ cũng lưu ý, vị trí đặt máy xay thịt luôn để xa tầm tay trẻ em kể cả khi không sử dụng. Khi máy đang hoạt động, không nên sửa chữa hoặc kiểm tra các thiết bị bên trong, không nên dùng tay bốc thịt và ấn thịt trong máy.

Nếu máy có sự cố, phải tắt hẳn nguồn điện trước khi kiểm tra nguyên nhân máy hỏng. “Để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra, người dân nên tuân thủ quy trình an toàn lao động. Nếu không may bị tai nạn, cần lưu ý cầm máu, sơ cứu rồi đến ngay BV gần nhất”- bác sĩ Huỳnh Thống Em khuyến cáo.

Tỉa hoa kiểng, sơ ý bị máy cưa cắt gần lìa cổ tay

Các bác sĩ cho rằng bước đầu có thể giữ lại bàn tay cho bệnh nhân bị máy cưa làm đứt gần lìa cổ tay.
Các bác sĩ cho rằng bước đầu có thể giữ lại bàn tay cho bệnh nhân bị máy cưa làm đứt gần lìa cổ tay.

Sáng 9/12, bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc chuyên môn BVĐK Trung ương Cần Thơ- cho biết, các bác sĩ Trung tâm Chấn thương- Chỉnh hình vừa phẫu thuật thành công một trường hợp tai nạn rất nguy kịch: đứt gần lìa cổ tay 2 đoạn và cổ chân do máy cưa.

BN Nguyễn Ngọc P.V. (nam, 62 tuổi, TP Cần Thơ) được đưa đến BV cấp cứu trong tình trạng cổ tay phải đứt gần lìa 2 đoạn, bàn tay tím tái, đau nhức dữ dội, lộ gân xương, không cử động được các ngón tay, kèm vết thương phức tạp cổ
chân trái.

Theo người nhà BN, trong lúc dùng máy cưa, cắt tỉa cây, máy cắt trúng thân cây quá cứng đã bật ngược trở lại cắt trúng vào cổ tay phải BN, sau đó rớt xuống đất trúng cổ chân 2 bên.

BN được đưa vào BVĐK Trung ương Cần Thơ cấp cứu, các bác sĩ xử trí cấp cứu, kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện và nhanh chóng chuyển thẳng lên phòng mổ.

Do vết thương phức tạp ở cả tay, chân và chạy đua với thời gian nên BV huy động cùng lúc 2 ê kíp vi phẫu để phẫu thuật cho BN. Sau khoảng thời gian 5 tiếng rưỡi phẫu thuật căng thẳng, bàn tay BN hồng trở lại.

Sáng 9/12, hậu phẫu ngày thứ tư, các ngón tay BN hồng, sờ mạch rõ, các ngón tay cử động được, vết thương cổ chân ổn định, có thể khẳng định bước đầu giữ lại bàn tay cho BN gần như đã thành công. Song, BN cần điều trị tích cực để tránh nhiễm trùng, lành xương và tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng bàn tay.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Thống Em, máy cưa cầm tay, máy cắt, máy xay… giúp làm việc hiệu quả, tiện dụng ở nhà, nhưng rất dễ gây tai nạn nếu người dùng không cẩn thận. “Điều trị những trường hợp đứt lìa này vô cùng khó, bởi tổn thương nặng nề, bị lóc da, bầm giập phần bởi tổn thương kiểu nhổ bật, vặn xoắn nham nhở… nên khi khâu nối mạch máu để cứu sống chi thì nguy cơ cao hơn do tổn thương sắc gọn, bởi nguy cơ tắc mạch máu thứ phát cao hơn”- bác sĩ Huỳnh Thống Em nói.

Đây lại là 2 tai nạn sinh hoạt điển hình, do vậy người dân cần cảnh giác cao độ khi làm việc với máy móc, cơ khí. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào và những hậu quả của nó ảnh hưởng dài lâu đến cuộc sống người bị nạn.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG