Xuất huyết tiêu hóa- đừng xem thường!

Cập nhật, 18:55, Thứ Sáu, 03/01/2020 (GMT+7)

Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng máu chảy ra khỏi lòng mạch vào đường tiêu hóa và được thải ra ngoài bằng cách nôn ra máu, đi tiêu phân đen hoặc đi tiêu máu đỏ. Tùy mức độ tổn thương, tình trạng chảy máu có thể diễn ra từ nhẹ, rỉ rả đến ồ ạt, gây tử vong nhanh chóng cho bệnh nhân do hết máu trong cơ thể.

Bác sĩ nội soi thực quản- dạ dày tá tràng khi bệnh nhân có các dấu hiệu chảy máu tiêu hóa như nôn ra máu, đại tiện phân đen,...
Bác sĩ nội soi thực quản- dạ dày tá tràng khi bệnh nhân có các dấu hiệu chảy máu tiêu hóa như nôn ra máu, đại tiện phân đen,...

Lạm dụng bia rượu- dễ xuất huyết tiêu hóa

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ mắc bệnh xuất huyết tiêu hóa ở nam là 60%, nữ là 40%. Sở dĩ nam giới bị nhiều hơn chủ yếu là do sử dụng rượu, bia, thuốc lá và ăn uống không điều độ.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân của việc xuất huyết là khi uống rượu, bia nhiều sẽ làm tăng tính axit của dạ dày và gây kích thích, ăn mòn niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét và xuất huyết đường ruột.

Chú P.V.K (59 tuổi, TP Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng chóng mặt, xanh xao, niêm mạc nhạt và đi cầu phân đen vài ngày. Do chủ quan, tưởng do bị bao tử hành và mệt do có uống rượu, bia trước đó nên chú chỉ đi khám về bao tử và uống thuốc 2 ngày.

“Sau đó, chú thấy mệt, người vã mồ hôi, chú đến trạm y tế nhờ kiểm tra huyết áp thì huyết áp thấp, bác sĩ không cho về, gọi điện cho người nhà đưa đi bệnh viện. Qua xét nghiệm máu, nội soi, bác sĩ nói chú bị xuất huyết tiêu hóa nặng, mất máu nhiều, phải truyền máu”- chú K. cho biết.

Theo Th.S. bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trung Tín- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Triều An- Loan Trâm, có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa, nhưng xuất huyết tiêu hóa do xơ gan, viêm loét dạ dày tá tràng chiếm đại đa số.

Các nguyên nhân này đều xuất phát từ việc người bệnh uống nhiều bia, rượu và sử dụng thuốc không có kê toa của bác sĩ. Bệnh chủ yếu thường gặp ở nam giới.

Triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa rất dễ nhận biết. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân, vị trí chảy máu và mức độ mất máu, xuất huyết tiêu hóa thường có dấu hiệu nôn ra máu. Đây là triệu chứng thường gặp do chảy máu dạ dày, tá tràng.

Sau đó, do mất máu kéo dài, bệnh nhân thường xanh xao, niêm mạc nhạt, yếu mệt, hoa mắt, chóng mặt. Trường hợp mất máu mức độ nặng thường kèm theo triệu chứng sốc: da xanh tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp hạ, tiểu ít, khó thở… Một số bệnh nhân khác lại có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu.

Đừng chủ quan với xuất huyết tiêu hóa

Ông N. V. C. (65 tuổi, huyện Mỹ Xuyên- Sóc Trăng) được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng lơ mơ, da xanh, mạch nhanh, huyết áp khó đo, bệnh nhân thở máy, nhiều mảng bầm ở chi trên...

Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức tích cực, đảm bảo hô hấp. Thực hiện quy trình báo động đỏ nội viện, hội chẩn các chuyên khoa xác định bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa dưới ồ ạt chưa rõ nguyên nhân.

Bệnh nhân được tiếp tục thở máy, truyền dịch, truyền 3 khối hồng cầu từ 350ml máu toàn phần, 4 đơn vị huyết tương... Sau hồi sức tích cực, sinh tồn bệnh nhân có cải thiện.

Bác sĩ tiến hành nội soi đại tràng cấp cứu tại giường. Trong quá trình nội soi thấy có 3 ổ loét đường kính 1-12mm, có một ổ loét còn nhú mạch máu đang chảy; đại tràng ngang máu đỏ tươi, bơm rửa thấy gần góc gan một ổ loét to đường kính 2,5cm có nhú mạch máu to, còn rịn máu. Sau can thiệp sinh tồn bệnh nhân ổn định, ngưng thở máy, hiện tiếp xúc tốt...

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Bồ Kim Phương- Trưởng Khoa Nội tiêu hóa, xuất huyết tiêu hóa dưới chiếm khoảng 20- 33% các chảy máu tiêu hóa nói chung, xuất huyết tiêu hóa dưới chiếm tỷ lệ cao ở độ tuổi từ 63- 77 tuổi, tỷ lệ tử vong dao động từ 2-4%... Do đó các bệnh nhân khi có triệu chứng cần đến sớm ở các bệnh viện để điều trị.

Theo Th.S. bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trung Tín, xuất huyết tiêu hóa nếu không được phát hiện, cấp cứu và điều trị kịp thời khiến bệnh nhân bị chảy máu nhiều, gây thiếu máu nặng và sẽ dẫn đến tử vong.

Trường hợp bị loét dạ dày, về lâu dài sẽ gây hẹp môn vị (tức là thức ăn không thể từ dạ dày xuống ruột). Một số trường hợp khác gây biến chứng cấp như thủng, xơ gan hay hôn mê gan khiến bệnh nhân tử vong.

Để phòng bệnh xuất huyết tiêu hóa thì không nên uống rượu bia và hút thuốc lá, không dùng các thuốc và thức ăn có hại cho dạ dày, nên ăn tăng cường chất xơ và rau quả.

Khi sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh hoặc thuốc điều trị cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhằm tránh xuất huyết do thuốc. Trong đợt xuất huyết cần dùng thức ăn mềm, ăn thành nhiều bữa trong ngày. Cần tái khám định kỳ theo quy định của bác sĩ để việc điều trị đạt hiệu quả.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Thanh Phong- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị xuất huyết dạ dày như tiêm cầm máu, đốt điện cầm máu, kẹp cầm máu... Trường hợp bệnh nhân xuất huyết ồ ạt do có nhiều mao mạch đang chảy máu, kỹ thuật cầm máu bằng argon plasma là phương pháp tối ưu. Đây là kỹ thuật cầm máu sử dụng năng lượng nhiệt từ đầu dò có dẫn khí trơ argon được ion hóa thành plasma, ít gây tai biến, phù hợp với tổn thương do dị dạng mạch máu của ống tiêu hóa.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN