Đang vào "đỉnh dịch" chính của tay chân miệng

Cập nhật, 14:01, Thứ Sáu, 27/10/2017 (GMT+7)

Từ tháng 9- 12 là “đỉnh dịch” cao nhất trong năm của bệnh tay chân miệng (TCM). Tại tỉnh Vĩnh Long các năm qua, TCM cùng sốt xuất huyết là 2 bệnh truyền nhiễm lưu hành tại địa phương.

Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh sẽ được nhân viên y tế tư vấn cách phòng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết.
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, phụ huynh sẽ được nhân viên y tế tư vấn cách phòng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Theo số liệu Sở Y tế, trong tháng qua ghi nhận 473 ca bệnh TCM (trong đó: 404 ca tại các bệnh viện trong tỉnh, 69 ca ở các bệnh viện ngoài tỉnh), tăng gần 149% so với cùng kỳ. Tính từ đầu năm đến nay, ghi nhận tổng ca bệnh truyền nhiễm này ở tỉnh gần 2.300 ca, tăng hơn 1.000 ca (81%) so cùng thời điểm năm ngoái.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, từ 1- 26/10/2017, ghi nhận 201 ca bệnh, trong đó điều trị nội trú 50 ca (độ I- độ nhẹ có 9 ca, độ IIA và IIB- nặng hơn có 41 ca). Khám ngoại trú 151 ca bệnh, trong đó chủ yếu độ nhẹ (148 ca), độ IIA và IIB (3 ca).

Ở cơ sở y tế tuyến huyện, lượng bệnh khám điều trị TCM một số nơi chiếm đông hơn.

Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long thống kê trong gần hết tháng 10/2017, đã có 310 bệnh nhi đến khám, điều trị với triệu chứng được chẩn đoán là “viêm miệng rộp nước do vi rút đường ruột với phát ban”.

Ca bệnh từ ít nhất 5 tháng tuổi cho đến trên dưới 5 tuổi, ở các địa bàn TP Vĩnh Long, các huyện Long Hồ, Tam Bình, Mang Thít và lân cận như Cái Bè (Tiền Giang), Châu Thành (Đồng Tháp).

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là biện pháp được khuyến cáo để phòng bệnh qua đường tiêu hóa, trong đó có tay chân miệng.
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là biện pháp được khuyến cáo để phòng bệnh qua đường tiêu hóa, trong đó có tay chân miệng.

ThS, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long (Sở Y tế)- cho biết: Bệnh TCM có chiều hướng tăng những tuần gần đây.

Hiện đang bước vào mùa “đỉnh dịch” thứ 2 của bệnh trong năm (tháng 9-12). Và đây là “đỉnh dịch” cao so đợt “đỉnh dịch” thấp hồi đầu năm (tháng 3- 5)”.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường tiêu hóa rất dễ lây lan thành dịch. Bệnh gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi.

Hiện nay chưa có vắc xin ngừa bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi đây là bệnh truyền nhiễm lưu hành ở tỉnh, ca bệnh xuất hiện mỗi ngày và có chiều hướng tăng vào tháng cao điểm “đỉnh dịch”.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo tất cả người dân trong cộng đồng- đặc biệt là các bà mẹ có con em dưới 5 tuổi, các trường mầm non, mẫu giáo- cần ý thức, quan tâm hơn tới các biện pháp được hướng dẫn phòng bệnh cho trẻ nhỏ.

Đó là giữ gìn vệ sinh môi trường sống, giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, quần áo chăn màn và bề mặt của mặt ghế, sàn nhà... để loại trừ vi trùng gây bệnh nói chung, trong đó có TCM.

Vi rút gây bệnh TCM xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, nên việc chế biến thực phẩm an toàn, thực hiện ăn chín, uống chín là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh.

Vẫn theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, có thể nói “bàn tay chính là thủ phạm làm lan truyền bệnh TCM”. Trong sinh hoạt hàng ngày, bàn tay phụ huynh có thể dính vi rút bệnh TCM mà không biết, sau đó cầm nắm vật dụng, ẵm bồng chăm trẻ, chế biến thức ăn... và có thể lây bệnh sang trẻ.

Bàn tay của trẻ do cầm nắm thức ăn, mút tay hay tiếp xúc với người lớn mà lây bệnh. Do đó, bác sĩ khuyên mọi người luôn nhớ rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt với người chế biến thức ăn và chăm sóc trẻ để hạn chế phát tán nguồn lây bệnh.

ThS, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết: Nhà trẻ, trường mầm non, mẫu giáo là môi trường thuận lợi để phát bệnh TCM và lây lan thành dịch. Nơi đây sẽ cần thực hiện những biện pháp phòng tránh sau:

- Thường xuyên cho trẻ rửa tay bằng xà phòng.

- Bảo mẫu, cô giáo cần rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn, chăm sóc và cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, thay tã...

- Thường xuyên lau rửa bề mặt sàn nhà, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ học tập, đồ chơi, nhà vệ sinh bằng nước tẩy rửa thông thường.

- Cho trẻ nghỉ học ngay khi trẻ bệnh, ít nhất 10 ngày từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh TCM: sốt nhẹ hoặc cao (sốt cao không thể hạ sốt là dấu hiệu bệnh nặng); đỏ da, bóng nước nhỏ ở họng, quanh miệng, lòng bàn tay bàn chân, mông, gối... Khi thấy bất cứ dấu hiệu nào trên đây, người nhà nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa nhi, nhiễm để thăm khám và điều trị.

Bài, ảnh: MINH THÁI