Phòng, chống bệnh tay chân miệng trong học đường

Cập nhật, 15:54, Thứ Năm, 19/10/2017 (GMT+7)

 

Nhắc trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà bông là cách phòng bệnh TCM hiệu quả nhất.
Nhắc trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà bông là cách phòng bệnh TCM hiệu quả nhất.

Bệnh tay chân miệng tuy xảy ra quanh năm nhưng theo ngành y tế tháng 9, tháng 10 là đỉnh điểm bệnh bùng phát. Vậy phụ huynh cần phòng bệnh cho con bằng cách nào?

Bùng phát mạnh ở các trường mầm non

Là bệnh truyền nhiễm lây trực tiếp qua đường tiêu hóa nên bệnh tay chân miệng (TCM) dễ dàng bùng phát và không ngừng gia tăng về số ca mắc. Tại Vĩnh Long theo ghi nhận của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 2.000 trường hợp mắc bệnh TCM tăng trên 60% so cùng kỳ năm trước.

Các trường hợp mắc bệnh tập trung nhiều nhất ở huyện Long Hồ, Tam Bình, Vũng Liêm và TP Vĩnh Long. Điều đáng quan tâm là các ca bệnh nặng vẫn còn và bệnh nhi hầu hết đang theo học ở các trường mầm non.

Chị Nguyễn Thị Xuân Duyên (Phường 2- TP Vĩnh Long) lo lắng: "Bé Sơ Ri 22 tháng mới đi học nhà trẻ có mấy bữa mà bị sốt, nổi bong bóng nước ở tay, đi khám biết bệnh TCM. Bệnh sò quấy khóc, ăn uống khó. Tôi lo lắng quá, giờ bệnh này đang nhiều, con hết bệnh đi học lại sợ lây bệnh từ bé khác".

Theo đánh giá của ngành y tế với tình hình hiện tại khả năng lây lan và bùng phát thành dịch TCM rất cao, đặc biệt là trong những môi trường đông trẻ. Để bảo vệ tốt sức khỏe trẻ và hạn chế lây lan căn bệnh này đòi hỏi nhà trường thực hiện thêm nhiều biện pháp như giữ vệ sinh cho các bé, vệ sinh lớp lau lớp bằng cloramin B.

Cô Nguyễn Thị Phương Lành (Trường mầm non Thanh An, TP Vĩnh Long) cho biết:  “Chúng tôi đón trẻ cũng xoa đầu, trán, hỏi thăm bé, hỏi thăm phụ huynh sức khỏe bé ở nhà. Vào lớp chúng tôi cũng thường xuyên quan sát bé, trong lúc dạy, cho bé vệ sinh tay chân sạch sẽ để phòng bệnh TCM. Khi thấy triệu chứng bệnh nổi đỏ trên tay, mặt, miệng, chúng tôi báo với phụ huynh”.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, để khống chế bệnh TCM nhà trường cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, thường xuyên vệ sinh trường lớp, đồ dùng đồ chơi của trẻ bằng thuốc sát khuẩn. Đồng thời, cách ly và cho trẻ mắc bệnh nghỉ học đúng thời gian quy định, vì trường học là môi trường rất dễ lây lan căn bệnh này.

Dinh dưỡng cho trẻ bệnh TCM

Bệnh TCM lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.

Bệnh vẫn tập trung hầu hết ở trẻ dưới 6 tuổi, với biểu hiện lâm sàng có sốt hoặc không sốt, nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, ở miệng.

Bệnh có thể khỏi sau 7 – 10 ngày điều trị nhưng cũng có nguy cơ xảy ra biến chứng thần kinh như viêm não, viêm màng não, biến chứng ở tim như viêm cơ tim, suy tim và có thể tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời những biến chứng.

Để chăm sóc tốt cho trẻ, các phụ huynh cần quan tâm hơn đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, do khi mắc bệnh trẻ sẽ mệt mỏi, đau và biếng ăn. 

 Xử lý nhiều ổ dịch TCM nhỏ tại các khu dân cư và trường học bằng cách phun thuốc sát khuẩn tổng vệ sinh môi trường.
Xử lý nhiều ổ dịch TCM nhỏ tại các khu dân cư và trường học bằng cách phun thuốc sát khuẩn tổng vệ sinh môi trường.

Theo Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh, trẻ bệnh TCM phụ huynh nên cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt nước dừa lạnh giúp trẻ giảm đau, khó chịu nhưng quan trọng hơn, nhờ lượng kali, chất điện giải cao chính là cách hoàn hảo để ngăn ngừa mất nước.

Cho trẻ ăn những món ăn mà trẻ thích nhưng làm lỏng, mềm như cháo bột để thật nguội (kể cả trẻ lớn) vì thức ăn cứng làm trẻ đau rát miệng. Có thể thay một bữa ăn bằng một hũ yaourt, một ly sữa mát.

Khi trẻ đã từ chối không ăn thì nên ngưng ngay và bù vào bằng một ly sữa lạnh, một bánh flan, một hũ yaourt hoặc một ly nước trái cây lạnh. Không nên ép trẻ ăn quá làm trẻ khóc, trẻ sẽ mệt mỏi hơn. Sau khi ăn cần súc miệng sạch sẽ và để trẻ nghỉ ngơi (nhịn hoàn toàn) trong 3- 4 giờ sau đó mới cho ăn bữa khác. Cần uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ.

Nếu thời gian trẻ bị bệnh ngắn (khoảng từ 5-10 ngày) nên không cần ép trẻ ăn quá vì sau khi hết bệnh trẻ sẽ ăn nhiều hơn để bù lại khi bị bệnh

Dấu hiệu nhận biết bệnh

 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.Hồ Chí Minh), các dấu hiệu nghi ngờ bệnh TCM là:

 

Trẻ tự nhiên bỏ ăn, chảy nước miệng, khóc, nói đau miệng. Sốt 1-2 ngày. Sau khi hết sốt, trẻ bị nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối và lỡ trong miệng. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán có đúng bị bệnh TCM.

 

Khi bệnh chuyển biến nặng hơn, trẻ sẽ sốt hơn 2 ngày (sốt hơn 39 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không hết), nôn/nhợn ói. Sau đó trẻ sẽ bị giật mình chới với; đi không vững, tay chân yếu, người run. “Phụ huynh cần phân biệt giật mình chới với biểu hiện của bệnh tay chân miệng tức là lúc thiu thiu ngủ, trẻ bị giật nảy người; còn trong trường hợp trẻ giật mình lăn qua lăn lại khi ngủ sâu là không phải”, bác sĩ Khanh giải thích thêm.

 

Khi đã có những biểu hiện trên, bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Nếu để bệnh quá nặng, trẻ sẽ thở mệt, da nổi bông, mạch sờ không thấy hay quá nhanh. Lúc này bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG