Đối thoại phòng bệnh sốt xuất huyết

Cập nhật, 04:47, Thứ Sáu, 30/06/2017 (GMT+7)

Ý thức chủ động của người dân và từ chính người dân trong cộng đồng là yếu tố quan trọng trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH).

Củng cố điều này, các cơ quan truyền thông giáo dục sức khỏe, y tế dự phòng tỉnh đang phối hợp cung cấp thông tin đến tận địa bàn có số ca bệnh cao, ổ dịch lưu hành nhiều để giúp phòng tránh SXH trong cộng đồng.

Người dân xã Hiếu Thành đặt câu hỏi với ngành y tế để tìm hiểu thêm về cơ chế, biểu hiện, cách phòng chống bệnh SXH.
Người dân xã Hiếu Thành đặt câu hỏi với ngành y tế để tìm hiểu thêm về cơ chế, biểu hiện, cách phòng chống bệnh SXH.

Các tỉnh miền Tây: TP Cần Thơ, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long,... hiện bệnh SXH đang tăng cao so cùng kỳ năm trước. Tại Trà Vinh, ngành y tế tỉnh này cho hay bệnh SXH đang báo động với trên 500 ca, có 3 trường hợp tử vong.

Tiền Giang, địa phương đứng thứ 7 ở ĐBSCL đến thời điểm này về ca bệnh SXH với hơn 1.000 ca mắc, có 1 ca tử vong. Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận trên 700 ca SXH, tăng hơn 20% so cùng kỳ.

Theo nhận định của ngành y tế, tình hình thời tiết bất thường, biến đổi khí hậu nên lượng lăng quăng, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết sinh sôi nhiều, mật độ cao.

Vì vậy, các địa phương dự báo từ nay đến hết mùa mưa, dịch bệnh lây lan nhiều hơn. Đồng thời khuyến cáo người dân cần chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi và phòng muỗi đốt để không mắc bệnh.

Ngày 28/6/2017, tại xã Hiếu Thành (Vũng Liêm), các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Vĩnh Long: Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ phối hợp tọa đàm phòng chống SXH cho trên 100 người dân

. Đây là 1 trong 5 xã (Long An, Phú Quới, Vĩnh Xuân, Hiếu Thành, Tân Lược) có ca bệnh lưu hành cao- đợt tháng 6 này được tuyên truyền phổ biến kiến thức phòng chống SXH.

Bác sĩ Hà Văn Thanh Khải- Giám đốc Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thủ (huyện Vũng Liêm) cho biết, trong 47 ca bệnh SXH đầu năm đến nay tại huyện, thì Hiếu Thành chiếm 8 ca và “số đó là cao” so các địa bàn còn lại. Dự báo sắp tới bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long- cho biết, nếu như trước đây thường SXH mắc theo mùa mưa, thì nay không còn theo mùa mà đã lưu hành quanh năm, kể cả mùa khô hay mưa.

Trả lời câu hỏi của người dân về diễn biến bệnh cảnh của người lớn và trẻ em như thế nào khi mắc SXH, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết: Biểu hiện lâm sàng của bệnh ở người lớn và trẻ em không khác nhau, nhưng sẽ khác ở người lớn khi bệnh có khả năng nặng hơn so với trẻ nhỏ.

Đó là do thường người lớn chủ quan với bệnh, cứ nghĩ là sốt thông thường và mua thuốc uống, đến khi đi cơ sở y tế khám và phát hiện SXH thì thường trễ, nhập viện muộn.

Lý giải thêm về cơ chế của sốt siêu vi, sốt thông thường với SXH từ nhiều người dân hay gặp, bác sĩ Phạm Trí Châu- Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Vĩnh Long nói: Tất cả đều có biểu hiện sốt, nhiệt độ cơ thể tăng cao.

Nhưng nếu sốt siêu vi, sau khi lau mát, uống thuốc hạ sốt thì nhiệt độ cơ thể người bệnh đang cao (38- 410C) có thể trở về bình thường (370C).

Còn với SXH, thì lau mát, dùng thuốc hạ sốt sẽ không giảm, thời gian sốt kéo dài 2-3 ngày trở lên. Biểu hiện của người SXH còn là đau cơ, đau 2 bên thái dương, 2 bên hốc mắt... nặng hơn là xuất huyết dưới da.

“Trường hợp đó người bệnh nên được đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, hạn chế bệnh trở nặng”- bác sĩ Phạm Trí Châu cho hay.

Cũng chính lưu hành quanh năm, bất kể nắng mưa, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho hay “khi mật độ muỗi càng cao thì nguy cơ truyền bệnh SXH cho người dân càng cao”. Do đó hầu như giáp năm, việc phòng chống SXH trong cộng đồng lúc nào cũng cần chủ động.

Để phòng tránh SXH, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo người dân: tuyệt đối tránh muỗi vằn chích vào ban ngày: “Ban ngày người dân bị muỗi vằn chích thì khả năng mắc SXH rất cao”. Muỗi vằn sống quanh quẩn trong nhà, hoạt động vào sáng sớm và chiều tối.

Thậm chí, ngay cả người dân đi chợ, đi làm đồng về, mắc máng cái áo dơ mồ hôi, cũng thành nơi trú ngụ cho muỗi.

Người dân nên chủ động lật úp đổ bỏ dụng cụ phế thải chứa nước, đậy kín dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thay nước bình bông, chạn kê tủ ở nhà bếp... để hạn chế nơi sinh sống lăng quăng để sinh sôi muỗi.

Theo các bác sĩ, diệt lăng quăng dễ hơn diệt muỗi. Thay vì diệt 100-200 con lăng quăng trong bình bông, vỏ dừa, thì đơn giản và hiệu quả hơn nhiều so với sơ ý bỏ qua để rồi đi diệt muỗi.

Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên người dân khi thấy bất cứ dấu hiệu nào của sốt SXH như đã nói, hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám chẩn đoán, can thiệp kịp thời.

Không nên cạo gió khi bị sốt và xuất huyết trên da

Theo bác sĩ Phạm Trí Châu, dân gian vẫn thường hay cạo gió cho nhau khi thấy cảm sốt, nóng lạnh và biểu hiện chấm xuất huyết trên da. Dẫu được lưu truyền rằng có thể giảm bệnh trong một số trường hợp nào đó, nhưng với SXH và biểu hiện chấm xuất huyết trên da, cạo gió sẽ làm kích thích toàn bộ hệ thống mao mạch, làm xuất huyết nhiều hơn, bệnh sẽ nặng hơn. Khi mắc bệnh SXH, người bệnh sẽ được bệnh viện điều trị các triệu chứng đến 5- 7 ngày thì khỏi và những chấm xuất huyết trên da sẽ tự tan đi.

Bài, ảnh: MINH THÁI