Hành trang cho con trưởng thành

Cập nhật, 16:46, Thứ Năm, 16/08/2018 (GMT+7)

Con vào cấp II, ngoài những lo lắng về chuyện học hành, chuyện tiền nong, các bậc cha mẹ còn lo con mình có những thay đổi nhất định về tâm sinh lý khi bước vào môi trường hoàn toàn mới, bước vào độ tuổi teen với nhiều cung bậc xúc cảm mới mẻ.

Trẻ bước vào giai đoạn tuổi teen có nhiều thay đổi mà cha mẹ cần quan tâm chia sẻ.  Ảnh minh họa
Trẻ bước vào giai đoạn tuổi teen có nhiều thay đổi mà cha mẹ cần quan tâm chia sẻ. Ảnh minh họa

Chiều tối, chị M.A. (Phường 3- TP Vĩnh Long) quen miệng nhắc nhở cậu con trai của mình ăn cơm xong đi tắm, đánh răng cho kỹ đừng để sâu răng.

Tự nhiên thằng bé phản ứng lại một cách nhăn nhó: “Mẹ khỏi nhắc mấy chuyện đó nữa, con tự biết làm rồi. Con trưởng thành rồi chứ bộ”. Giật mình nhìn cậu con trai chuẩn bị vào lớp 6 của mình, chị nhận ra thằng bé đã lớn thật, trông cao hơn và nhất là nói chuyện như người lớn.

Chị M.A. vừa buồn cười vừa lo lắng nghĩ rằng, sắp bước vào môi trường mới không biết rồi con mình có ngoan ngoãn như hồi cấp I không hay sẽ thay đổi nổi loạn hơn muốn thoát khỏi vòng tay cha mẹ như nhiều người thường nói, thích tụ tập bạn bè rồi xao lãng chuyện học, nhất là tập tành yêu đương sớm… Chị thở dài lo nghĩ.

Chị L.P. (Phường 1- TP Vĩnh Long) cũng đang lo cho con gái sắp vào lớp 7 của mình khi thấy bé phát triển rất nhanh sau năm lớp 6.

Con gái chị biết chọn quần áo mặc, nhìn gương săm soi khuôn mặt mình và không còn ríu rít nói chuyện suốt ngày với chị như trước mà thường ở trong phòng lên mạng chơi hay trò chuyện với bạn bè. Hôm rồi trong lúc nói chuyện với nhau, chị còn nghe con vô tình kể rằng bạn trong lớp đã có bạn trai.

Điều chị lo lắng nhất là vậy, trẻ ở độ tuổi này rất dễ bị những cảm xúc mới lạ xâm chiếm, rất dễ xao lãng chuyện học hành, rất dễ bị cám dỗ. Chị lo không biết làm sao để có thể quản lý con thật tốt.

Theo các chuyên gia tâm lý, những năm tháng tuổi teen là giai đoạn chuyển giao từ phụ thuộc sang độc lập với cha mẹ. Thời điểm này, phụ huynh nên cho phép con cái lớn lên và ngày càng tự lập hơn.

Để giúp giai đoạn chuyển giao diễn ra suôn sẻ, hãy giúp con trang bị một số kỹ năng sống thiết yếu trước khi trưởng thành. Đây là thời điểm trẻ trở nên khó hiểu với rất nhiều cảm xúc thăng trầm...

Khi đó mỗi một đứa trẻ sẽ hình thành trí tuệ, đạo đức, tính cách riêng biệt của mình và phụ huynh đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi đó trở nên đúng đắn hơn.

Một trong những đặc điểm nổi bật của trẻ khi đến tuổi vị thành niên là nhu cầu được tách biệt khỏi cha mẹ và trở nên độc lập hơn.

Một số phụ huynh thất vọng khi thấy con phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt với những ý kiến họ đưa ra hoặc nhận thấy các quyết định của con chịu ảnh hưởng từ bạn bè nhiều hơn từ gia đình.

Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ, dù thế nào con cũng luôn cần tình yêu thương, sự quan tâm và chia sẻ từ cha mẹ.

Có thể con bị lôi kéo bởi một trào lưu, xu hướng nào đó, nhưng cha mẹ vẫn phải cố gắng tiếp tục ở cạnh con, gần gũi, trò chuyện, chủ động lắng nghe, khuyến khích, động viên con; đồng thời hãy luôn duy trì những bữa cơm gia đình hoặc duy trì những thói quen trong sinh hoạt, dành nhiều thời gian cho con ngay cả đối với các hoạt động, công việc nhỏ nhặt trong gia đình.

Ngoài thể chất và trí tuệ, kỹ năng sống là hành trang quan trọng để trẻ có thể đạt được thành công trong tương lai.

Để con trở thành một đứa trẻ hoạt bát và có thể ứng biến nhanh với nhiều tình huống phức tạp trong cuộc sống, các bậc phụ huynh nên xem kỹ năng sống như một môn học và dạy dỗ con từng chút một mỗi ngày.

Trang bị tốt cho trẻ về kỹ năng sống không chỉ giúp con yêu vững bước trên con đường mang tên trưởng thành mà nó còn khiến việc nuôi dạy con trở nên đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Chuyên gia khuyên rằng cha mẹ nên hướng dẫn con phụ giúp việc nhà, biết tự chủ chia sẻ với cha mẹ, dạy con nhận thức được việc quý trọng bảo vệ cơ thể mình, kỹ năng chấp nhận và kiểm soát cảm xúc như yêu thương, giận dữ, stress, lo âu, hiểu về tình huống mình đang phải đối mặt, quản lý cảm xúc và tìm kiếm trợ giúp khi cần.

Cha mẹ không nên quản lý thời gian và các mối quan hệ của con để tạo cho trẻ có tinh thần tự lập và tư duy độc lập.

Khi trẻ đến tuổi vị thành niên, cha mẹ nên để con phát triển những ý kiến riêng, có thể những ý kiến đó khác với quan điểm của bạn. Cha mẹ có thể dành nhiều thời gian cho con hơn, tạo ra những cơ hội để trò chuyện tâm sự với con.

Chia sẻ cùng con suy nghĩ, lo lắng của chính mình để con học cách chia sẻ lại cùng ba mẹ những quan điểm, suy nghĩ, mong muốn của bản thân để từ đó có thể kịp thời nắm bắt được những gì đang xảy ra với con mình và dìu dắt con đi đúng hướng.

Nuôi dạy con thành công trong những năm thiếu niên là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi các bậc làm cha mẹ phải linh hoạt và uyển chuyển trong cách ứng xử.

Đừng lo sợ mất quyền kiểm soát mà áp đặt kỷ luật cứng nhắc sẽ khiến con khó phát triển kỹ năng đưa ra quyết định sau này. Trong gia đình, trẻ con luôn coi cha mẹ là chỗ dựa vững chắc nhất.

Nếu cha mẹ thực sự hiểu rõ con mình, hiểu được khả năng của trẻ, họ sẽ hỗ trợ cho con tốt hơn. Họ sẽ động viên, khuyến khích con phát triển thế mạnh thay vì áp đặt con, hãy là một người bạn để có thể hiểu và đồng cảm, chia sẻ chân thành nhất.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHÔI