Giáo dục vì xã hội, vì học sinh

Cập nhật, 13:52, Thứ Năm, 24/08/2017 (GMT+7)

Bộ GD- ĐT vừa tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2016- 2017 với nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Tuy nhiên, năm học mới 2017- 2018 và những năm học tiếp theo, nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng ngành giáo dục cần có nhiều thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, đáp ứng tốt nhiệm vụ đổi mới GD-ĐT…

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được giữ ổn định trong nhiều năm tới.
Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được giữ ổn định trong nhiều năm tới.

Đổi mới giáo dục toàn diện

Tại hội nghị tổng kết, Bộ GD- ĐT đã báo cáo về những kết quả đạt được cũng như tự nhận những khuyết điểm, hạn chế trong năm học qua. Qua đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, một trong những bất cập hiện nay trong GD-ĐT là các cấp quản lý còn nặng lối “cầm tay chỉ việc”, trong khi điều này đã không còn phù hợp với xu hướng chung.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ về vướng mắc trong quy định cấp học bổng cho sinh viên. Theo đó, Bộ GD- ĐT quy định học bổng là để cấp cho sinh viên có thành tích học tập tốt, trong khi nhà trường muốn ưu tiên hỗ trợ cho sinh viên có điều kiện học tập khó khăn.

Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, các trường ĐH đã được tự chủ rồi thì Bộ GD-ĐT cần phải nhạy bén, tháo gỡ vấn đề này.

“Phát huy tính chủ động, tăng cường tự chủ. ĐH tự chủ theo đúng nghĩa. Tự chủ không chỉ ở trường, với Bộ GD-ĐT mà tự chủ phải xuống đến từng bộ môn, từng giáo viên”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Ngoài việc giao quyền tự chủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam còn cho rằng, giáo dục hiện nay cần phải vì học sinh. Theo đó, hiện vẫn còn không ít các hoạt động, các kỳ thi, các tiêu chuẩn, quy chuẩn mang bệnh thành tích, chưa thực sự vì học sinh.

“Từ từng việc một, chúng ta phải trên tinh thần thực sự vì học sinh, đừng vì người lớn. Có rất nhiều việc chúng ta đã làm, giờ hãy điểm lại xem là vì học sinh hay người lớn.

Hiện dù công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT đã có bước tiến bộ, cũng đã bớt được bệnh hình thức trong chỉ đạo, bớt được một số hoạt động không cần thiết, nhưng vẫn cần phải tiếp tục thúc đẩy việc đổi mới trong năm học tới.

Quản lý nhà nước theo tinh thần đổi mới và phát huy sáng tạo, phải lấy ý kiến từ bên dưới, rồi cố gắng bãi bỏ hết những quy định cứng nhắc, đặc biệt là các quy định có tính hình thức, các loại chuẩn, tiêu chuẩn…”- Phó Thủ tướng yêu cầu.

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chất lượng phải trên hết!

Hội nghị tổng kết năm học cũng là nơi để nhiều đại biểu có ý kiến, kiến nghị trên tinh thần lấy chất lượng giáo dục đặt lên hàng đầu. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng nên lùi và thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Lãnh đạo các sở GD- ĐT ở Kiên Giang, Nam Định, Nghệ An, Thừa Thiên Huế… đều cho rằng nếu lùi lại 1 năm thì các địa phương sẽ có thêm thời gian để chuẩn bị tốt hơn về 2 điều kiện là đội ngũ và cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình.

Giám đốc Sở GD- ĐT Kiên Giang Nguyễn Thị Minh Giang cho rằng, chủ trương khi ban hành cũng không thể hoàn thiện ngay từ đầu mà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Do đó, việc lùi thời gian thực hiện chương trình đổi mới 1 năm không phải là xa quá. “Cái quan trọng là phải đủ điều kiện để thực hiện. Nhưng để thỏa mãn thì nhu cầu về tài chính quá lớn”- bà Nguyễn Thị Minh Giang cho ý kiến đồng thời nêu rõ nhiều khó khăn của tỉnh Kiên Giang.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục- Thanh niên- Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, quan điểm là làm sao có được một chương trình phổ thông tốt nhất chứ không cần gấp gáp. “Một lần làm một lần khó nên phải làm thế nào để tốt nhất cho học sinh”- ông nhấn mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long, Bộ GD- ĐT cần có sự phân cấp, hướng dẫn rõ ràng để các địa phương chủ động thực hiện.

Bộ cũng cần phối hợp với các bộ, ngành khác ban hành những chuẩn cơ bản về cơ sở vật chất để địa phương thực hiện. “Chuẩn này phải khả thi khi đi vào thực tế, phù hợp với từng vùng miền, địa phương”- bà đóng góp.

Xoay quanh vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, quan điểm là làm khẩn trương nhưng nếu chưa thấy yên tâm thì báo cáo các cơ quan chức năng điều chỉnh tiến độ. Tinh thần là khẩn trương nhưng chất lượng là trên hết…

Giữ ổn định hay thay đổi thi THPT quốc gia?

Tại hội nghị, nhiều địa phương đề nghị Bộ GD- ĐT nên cố gắng giữ ổn định cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, chỉ nên điều chỉnh về mặt kỹ thuật, tránh thay đổi lớn gây khó khăn cho học sinh.

Tuy nhiên, ông Phan Thanh Bình chia sẻ quan điểm, kỳ thi THPT quốc gia 2017 mặc dù nói là đáp ứng 2 yêu cầu, nhưng theo ông, thi chỉ là để công nhận tốt nghiệp của học sinh sau 12 năm học, còn chuyện tuyển sinh ĐH là việc của các trường, tùy theo yêu cầu, theo đặc thù mà có cách tuyển phù hợp.

“Chúng ta lấy kết quả thi phổ thông rồi… đắp vào ĐH thì sẽ khó vì thi phổ thông là để đánh giá đa số, mà đa số đã đạt 28- 30 điểm, rồi cộng điểm ưu tiên thì mức điểm chuẩn lên tới 30- 30,5 là chuyện bình thường. Trong khi tuyển sinh ĐH là tuyển những em có năng lực phù hợp với từng ngành nghề”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng tuyển sinh phải trên tinh thần vì xã hội, vì thí sinh. “Bộ GD- ĐT làm việc với các trường để xem có nhất thiết phải chia nhỏ 2 bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thành 3 môn nhỏ như vậy không, mục đích là gì…?

Vì vậy mà công tác ra đề, in đề, tổ chức thi rất phức tạp, gây mệt mỏi cho thí sinh. Tinh thần của chúng ta là vì xã hội, vì thí sinh”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

LNói về những bất cập xung quanh kỳ thi THPT quốc gia 2017, nhất là nhiều trường hợp thí sinh dù đạt điểm cao nhưng vẫn không đậu vào các trường ĐH do không đáp ứng được các tiêu chí phụ, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thừa nhận đây là lỗi do đề thi phân hóa chưa tốt. Việc này sẽ được khắc phục bằng các giải pháp kỹ thuật trong những năm sau. “Kỳ thi THPT quốc gia sẽ giữ ổn định cho nhiều năm tới”- ông khẳng định.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

TIN LIÊN QUAN