Ôn thi môn Ngữ văn: Đọc kỹ đề, diễn tả rõ ràng, mạch lạc

Cập nhật, 08:01, Thứ Tư, 24/05/2017 (GMT+7)

Năm nay, môn Ngữ văn tiếp tục là môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia. Vì đây là môn bắt buộc nên các em cũng rất cần lưu ý ôn tập, cách làm bài để đạt điểm cao.

Thầy Đỗ Ý Ly- chuyên viên môn Ngữ văn thuộc Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD- ĐT) đã có những chia sẻ:

    Thầy Đỗ Ý Ly.
Thầy Đỗ Ý Ly.

Lưu ý chung đến các em là khi làm bài phải đọc kỹ đề để xác định đúng yêu cầu đặt ra. Từ đó có những ý diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, đúng chính tả, ngữ pháp. Đặc biệt là chú ý đến độ cảm xúc trong hành văn. Các em cũng cần phân lượng thời gian hợp lý. Các em cần chú ý đến các phần của đề thi, là:

Phần “Đọc hiểu”- các em cần nắm vững kiến thức lý thuyết gồm: Phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, biện pháp tu từ… Sau khi hệ thống lại, các em có thể viết ra một cách ngắn gọn cho dễ nhớ.

Đọc lướt qua tất cả các câu hỏi, làm trước những câu mà bản thân đã có lời đáp, không cần theo thứ tự. Ví dụ, câu hỏi 1, 2 thường ở mức độ “Nhận biết”, câu 3 thường là “Thông hiểu”, câu 4 thường là “Vận dụng”.

Vì vậy, ở câu 3, 4 các em cần có sự lý giải hoặc rút ra những thông điệp tư tưởng cụ thể, khoa học, thực tiễn, không trái với pháp luật và truyền thống đạo đức, văn hóa… Các em cũng cần chú ý là diễn đạt ngắn gọn, đúng trọng tâm câu hỏi.

Ở phần “Làm văn”, các em phải nắm chắc bố cục chung của đoạn văn, bài văn. Ở đoạn nghị luận xã hội, cần xoáy vào trọng tâm, có thể trả lời những câu hỏi sau để tìm ý cho đoạn viết: Nên hiểu như thế nào về vấn đề? Tại sao nên/ không nên như vậy và ngược lại? Những ai đã từng thực hiện điều đó? Mọi người và bản thân nên làm gì để thực hiện tốt các vấn đề đặt ra?

Còn ở phần nghị luận văn học, thầy Đỗ Ý Ly chia sẻ: “Các em phải thật lưu ý yêu cầu của đề bài, xây dựng dàn ý sơ lược để tránh lạc ý, thiếu ý. Nếu là nghị luận thơ thì phải theo trình tự từ nghệ thuật để làm nổi bật nội dung. Các em cần thuộc thơ vì có thể đề cho nghị luận thơ dạng định hướng, thuộc những dẫn chứng tiêu biểu của tác giả, tác phẩm văn xuôi”.

Thầy Đỗ Ý Ly cũng chia sẻ thêm, đối với đoạn nghị luận, các em cần trình bày bố cục bài viết rõ ràng. Đặc biệt, đôi khi, cần xoáy sâu những điểm sáng nghệ thuật, những tư duy mới mẻ, độc đáo của tác giả, tác phẩm…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY