Để làm tốt bài thi Giáo dục Công dân: Không học "tủ"

Cập nhật, 08:01, Thứ Tư, 17/05/2017 (GMT+7)

 

Cô Lê Thị Thủy Tiên.
Cô Lê Thị Thủy Tiên.

Môn Giáo dục Công dân là môn lần đầu tiên học sinh phải thi trong kỳ thi THPT quốc gia 2017 (trong tổ hợp môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

Do đó, học sinh có thể tham khảo một vài kinh nghiệm của cô Lê Thị Thủy Tiên- Tổ phó Tổ Lịch sử, Công dân (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) về nội dung thi và kỹ năng làm bài. Môn thi có thời gian làm bài là 50 phút, theo cô Thủy Tiên, các em có học lực trung bình có thể đạt 5- 6 điểm.

Hiện nay, phương pháp ôn tập môn Giáo dục Công dân trong nhà trường là giáo viên dạy thật kỹ phần lý thuyết trong sách giáo khoa và bám sát chuẩn kiến thức- kỹ năng của Bộ GD- ĐT ban hành, bằng cách đổi mới phương pháp dạy- học, tránh đọc chép như trước đây, giáo viên có thể đưa ra những tình huống hoặc một vấn đề để học sinh giải quyết.

Từ đó cả người dạy và học cùng nhau phân tích để tìm ra cái nào đúng, cái nào chưa đúng. Bằng phương pháp đó các em sẽ hiểu sâu hơn và kỹ hơn.

Theo kết cấu của môn học, sau mỗi bài học thì giáo viên đưa ra câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến kiến thức của bài đó và cho học sinh cùng làm.

Giáo viên chỉ cho học sinh cách làm bài trắc nghiệm, không phải cứ chọn câu 1 là A đúng, câu 2 là B đúng chẳng hạn, mà còn biết giải thích tại sao câu 1 là A đúng mà B, C, D lại sai… Từ đó các em sẽ hiểu rõ hơn phương pháp loại trừ trong làm trắc nghiệm.

Theo cô Thủy Tiên, sau mỗi tiết ôn thì cô sẽ giao câu hỏi trắc nghiệm về nhà cho học sinh tự làm và tiết sau sẽ kiểm tra lại.

Về nhà, câu nào khó hiểu hay có thắc mắc gì thì cô, trò có thể trao đổi với nhau qua email, tin nhắn, điện thoại, hay “zalo, facebook”… Đồng thời sẽ tổ chức ôn tập một cách nhẹ nhàng, gần gũi, động viên các em cố gắng học. Tránh gây áp lực có thể sẽ dẫn tới kết quả không tốt.

Về những kiến thức có thể thi, cô Thủy Tiên nhấn mạnh là các em không được bỏ phần nào hay “tủ” phần nào. Bởi theo như đề minh họa hay đề thử nghiệm của Bộ GD- ĐT thì kiến thức dàn trải hết tất cả các bài trong chương trình Giáo dục Công dân 12 (từ bài 1 đến hết bài 9, trừ phần giảm tải, đọc thêm).

“Các em nên nắm kiến thức cho vững. Học từ từ, nắm chắc kiến thức của từng bài theo nội dung mà giáo viên đã ôn tập trên lớp, tránh trường hợp để dồn kiến thức, đợi đến khi thi mới học thì không được”- cô Thủy Tiên cho biết.

Về kỹ năng làm bài, cô Thủy Tiên chia sẻ, các em cần liên hệ thực tế, vận dụng kiến thức để giải quyết một số tình huống (phần vận dụng và vận dụng cao trong môn Giáo dục Công dân liên quan đến tình huống).

Căn cứ vào đề minh họa và đề thử nghiệm của Bộ GD- ĐT thì học sinh trung bình có thể làm được 5- 6 điểm.

Để đạt điểm cao hơn nữa thì các em cần lưu ý một số vấn đề: cố gắng học thuộc bài trong sách giáo khoa và chuẩn kiến thức- kỹ năng; tham gia ôn tập đầy đủ và chú ý nghe giảng bài đồng thời phát biểu ý kiến xây dựng bài; đọc báo, xem đài, cập nhật tin tức… để vận dụng kiến thức giải quyết tình huống liên quan; làm hết các câu hỏi trắc nghiệm mà giáo viên đã giao tại lớp hay về nhà.

Khi thi, các em phải làm hết tất cả các câu trong đề, không nên bỏ câu nào, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau, cân nhắc thời gian cho hợp lý (40 câu/50 phút). Khi chọn đáp án thì tô liền, tránh để gần hết giờ có thể sẽ tô nhầm.

  • ™Bài, ảnh: KHÁNH DUY