Vào mùa ôn thi, mỗi trường mỗi lo

Cập nhật, 08:44, Thứ Ba, 16/05/2017 (GMT+7)

 

Một buổi ôn thi của học sinh Trường THCS- THPT Phú Quới.
Một buổi ôn thi của học sinh Trường THCS- THPT Phú Quới.

Học sinh lớp 12 đã bước vào thời gian ôn tập khoảng 3 tuần. Dựa trên chuẩn chung của Bộ GD- ĐT để đảm bảo đúng đủ chương trình, các trường phổ thông còn “tự điều tiết” dựa trên tình hình học sinh từng trường.

Nhưng vẫn còn đó nhiều mối lo về bài thi mới, cách làm mới cũng như nhiều học sinh chủ quan,… Ôn tập sao cho đạt hiệu quả cao nhất vẫn là mong muốn mỗi trường.

Nhiều nỗi lo

Với bài thi tổng hợp, các học sinh thi THPT quốc gia năm 2017 này ít nhất phải học thi 6 môn, theo nhiều giáo viên là nặng, nhất là với đối tượng học sinh trung bình yếu.

Ở Trường THPT Hựu Thành (Trà Ôn), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Bảo cho biết: “Trường tôi có đến 30% học sinh trung bình yếu”, nói xong thầy xuống giọng “khổ hơn nữa là các em không chịu học bài, chủ quan vì các em cho rằng thi trắc nghiệm thì không cần phải học nhiều”.

Trong đó, có nhiều môn thi trước đây bằng hình thức tự luận thì nay lại thi trắc nghiệm nên cũng khó khăn trong việc ôn thi. Môn mới như Giáo dục công dân cũng làm nhiều giáo viên học sinh lo lắng khi ôn tập.

Môn thi cũng nhiều hơn nên đối với các em trung bình yếu càng khó khăn hơn. Trường THPT Hựu Thành ngoài tổ chức ôn buổi sáng, một tuần các em còn ôn tập 2 buổi.

Trong khi đó, thầy Hiệu trưởng Hồ Trọng Nhân- Trường THPT Phan Văn Hòa (Tam Bình) cho biết: “Trường chúng tôi có 33 học sinh nằm trong diện “nguy hiểm”, có khả năng rớt tốt nghiệp cao”. Ngoài thời gian ôn chính thức vào các buổi sáng trong tuần, Trường THPT Phan Văn Hòa cũng ôn thêm cho các em 2 buổi chiều/tuần.

“Đối với các em học yếu, có giáo viên nhận trách nhiệm dò bài riêng”- thầy nói thêm. Nỗi lo lớn nhất của thầy không phải là học sinh yếu, vì yếu thì năm nào cũng sẽ có. “Tuy nhiên, các em năm nay lại không chịu học, có nhiều em nghỉ học thầy cô vào “năn nỉ” mấy bận cũng không chịu ra lớp”- thầy Hiệu trưởng Hồ Trọng Nhân nói.

Những đổi mới thường gắn với những nỗi lo và lãnh đạo các trường phổ thông còn đang đợi đề thi thử của Bộ GD- ĐT vào giữa tháng 5 này.

Học sinh mới là người quyết định

Việc ôn tập là vì lợi ích của học sinh, trước mắt là phải tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nhiều em chưa ý thức được tầm quan trọng của kỳ thi nên lơ là. Kết quả kỳ thi sẽ đánh giá quá trình học, ôn tập mà chính học sinh là nhân tố quyết định.

Thầy Hiệu trưởng Lê Thành Hiếu- Trường THCS- THPT Phú Quới (Long Hồ) vui vẻ: “Niềm hạnh phúc của chúng tôi năm nay là phụ huynh, học sinh rất quan tâm đến việc ôn thi, như hôm họp phụ huynh bàn chuyện ôn thi có hơn 90% phụ huynh đến dự”.

Không như mọi năm chọn môn thi nghiêng về tự nhiên, năm nay, học sinh Trường THCS- THPT Phú Quới chủ yếu chọn bài thi xã hội. Cô Phan Hoàng Tú Nga- Phó Hiệu trưởng trường này cho biết: “Có 219 học sinh lớp 12 thì có đến 157 em chọn bài thi xã hội. Trong đó, có 29 em đang nằm trong diện lo lắng”. Tuy nhiên, điều đáng mừng là các học sinh đi học rất đều.

Cô Nga cho biết thêm: “Cuối tháng 5, chúng tôi sẽ tổ chức cho các em thi thử, để đánh giá lại tình hình học sinh và cho các em ôn thi nước rút”. Khác với mọi năm, năm nay trường này không tổ chức các lớp ôn nâng cao vào buổi chiều cho học sinh mà chỉ dạy các lớp bồi dưỡng cho các em trung bình yếu.

Cô Nga giải thích: “Chúng tôi muốn các em khá giỏi có thời gian tự học, tự nghiên cứu hoặc học thêm theo nhu cầu của mình, chủ trương của trường là giảm áp lực cho học sinh”.

Ngoài việc ôn thi, mỗi lớp 12 của Trường THCS- THPT Phú Quới còn được phân công thêm 1 giáo viên là phó chủ nhiệm. Cô Nga cho rằng: Công việc của giáo viên chủ nhiệm lớp 12 rất nặng cần người chia sẻ.

Trên nguyên tắc “1 cứng 1 mềm”. Cô Nga cho rằng: “Tâm lý học sinh hiện nay không chịu cứng, cũng không chịu mềm nên giáo viên cũng cần đa dạng, uyển chuyển để phù hợp với tâm lý đó”.

Học sinh Nguyễn Thanh Ngân- lớp 12A6 Trường THCS- THPT Phú Quới- là học sinh giỏi với học lực trung bình 8,4. Tuy nhiên, Ngân cũng khá lo lắng cho kỳ thi sắp tới. Ngân cho biết: “Em đã tự tin ôn tập được một nửa chặng đường rồi”. Tuy nhiên, “em và nhiều bạn vẫn lo vì nếu tập trung ôn các môn xét tuyển ĐH thì có khi lại bị điểm liệt”- Ngân nói.

Nhìn chung, ôn tập muốn đạt kết quả cao thì học sinh phải là người chủ động, học cho mình. Ngoài ra, phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh ôn tập.

 

Thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia từ 24/4- 17/6. Thời gian thi chính thức từ 22/6- 24/6/2017. Mỗi thí sinh dự thi làm 3 bài thi bắt buộc là Văn, Toán, Tiếng Anh và chọn 1 trong 2 hoặc cả 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN