Cơ sở Cai nghiện ma túy

Nơi nâng bước chân lạc lối trở về

Cập nhật, 14:55, Thứ Năm, 08/10/2020 (GMT+7)

Cơ sở Cai nghiện ma túy (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long) trong nhiều năm qua đã có những đóng góp đặc biệt vào công tác điều trị, giáo dưỡng cho hàng ngàn học viên lầm lỡ, đã tìm lại bản thân, làm lại cuộc đời.

Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy- Trần Ngọc Chi tự hào và khẳng định: Nơi đây vừa là một cơ sở y tế điều trị bệnh, vừa là ngôi trường giáo dục, đào tạo nghề, đưa những con người từng lún sâu vào khoảng đời tăm tối trở về với tương lai tươi sáng.

Nhưng trên tất cả, đây là ngôi nhà thứ hai của tất cả học viên, nơi nâng đỡ những bước chân lạc lối, trở về và sống có ích với gia đình, xã hội.

Học viên thường xuyên được tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống.
Học viên thường xuyên được tham gia các hoạt động rèn luyện kỹ năng sống.

Lao động trị liệu kết hợp đào tạo nghề

Theo ông Trần Ngọc Chi, cơ sở hiện tiếp nhận các học viên là người nghiện ma túy do công an các địa phương đưa vào thuộc diện bắt buộc theo quyết định của tòa án, đối tượng xã hội không nơi cư trú ổn định, những người cắt cơn giải độc 15 ngày cai nghiện cộng đồng.

Từ ngày đầu năm 2016 đến giữa tháng 8/2020, cơ sở tiếp nhận và quản lý 1.357 lượt học viên. Trong đó, 500 học viên cai nghiện bắt buộc, 252 học viên cai nghiện tự nguyện, đối tượng xã hội không có nơi cư trú ổn định là 440 người, cắt cơn giải độc 15 ngày là 165 người.

Theo ông Phạm Hữu Dũng- Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy, cơ sở hiện có một khu điều trị chăm sóc học viên bệnh được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế như: máy X-quang, máy đo điện tim, máy siêu âm,… cùng 10 giường lưu bệnh và một khu tiếp nhận học viên mới gồm 8 phòng để bố trí đưa vào điều trị cắt cơn giải độc.

Công tác khám điều trị bệnh, cắt cơn phải thực hiện liên tục nên y sĩ, bác sĩ phụ trách công tác điều trị bệnh và phục hồi cho học viên phải đảm bảo làm việc 24/24 giờ, với tinh thần trách nhiệm cao nhất, cùng tình thương, sự đồng cảm để giúp các học viên vượt qua cơn vật vã khi phát sinh hội chứng cai trong cơ thể.

Kết thúc thời gian cắt cơn, giải độc (khoảng 15- 20 ngày), học viên được chuyển đến sinh hoạt trong từng khu riêng biệt.

Trong giai đoạn này, học viên được bồi dưỡng và phục hồi sức khỏe, được tư vấn, học tập những nội quy, quy định chung của cơ sở và bắt đầu tham gia các hoạt động như học các chuyên đề chính khóa về kiến thức pháp luật, phòng chống ma túy, quyền và nghĩa vụ công dân, đạo đức và lối sống, sinh hoạt nhóm, học tập văn hóa, học nghề kết hợp với lao động trị liệu và tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn nghệ,… nhằm từng bước thay đổi hành vi và phục hồi sức khỏe.

Tiếp đến, sau khi học viên được tư vấn, phục hồi sức khỏe, ổn định về tư tưởng, cơ sở sẽ tiến hành phân loại và tổ chức liên kết đào tạo các nghề ngắn hạn như: hàn, điện dân dụng, sửa xe gắn máy, may công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sinh vật cảnh, hớt tóc nam,…

Đồng thời, tổ chức lao động trị liệu như: gia công đan ghế bằng dây nhựa, may giày dép, quay chậu, hàn khung sắt.

Đối với học viên có sức khỏe không tốt thì phân công làm những việc nhẹ như vệ sinh tổng quát các khu.

Thời gian đào tạo nghề và tham gia lao động trị liệu chiếm gần 50% thời gian theo quyết định tập trung. Từ năm 2016 đến nay, cơ sở liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên Tam Bình và các cơ sở khác khai giảng 12 lớp nghề, với 172 học viên.

Kỷ cương, tình thương và trách nhiệm

Theo ông Phạm Hữu Dũng, sau khi tiếp nhận và phân loại, tất cả các học viên đều được lập hồ sơ bệnh án, khám kiểm tra sức khỏe và lên phác đồ điều trị bệnh, cắt cơn phục hồi sức khỏe.

100% học viên được cắt cơn nghiện ma túy, điều trị khỏi bệnh và tạm thời ổn định về bệnh tật, được phục hồi sức khỏe tốt. Những trường hợp bệnh hiểm nghèo được chuyển lên tuyến trên hoặc bàn giao về gia đình để điều trị.

Từ năm 2019, cơ sở phối hợp và vận động Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp và dịch vụ FATACO Bến Tre tài trợ và ký gửi 130 liều thuốc Đông y hiệu Bông sen nhằm hỗ trợ trong việc cắt cơn giải độc.

Trước đây, điều trị cắt cơn theo phác đồ của Bộ Y tế với phương pháp an thần kinh chỉ đạt hiệu quả 80%, nhưng khi phối hợp Đông- Tây y đã nâng hiệu quả điều trị lên gần 100%.

Lao động trị liệu kết hợp đào tạo nghề giúp học viên có thể tìm được việc làm ổn định sau cai nghiện.
Lao động trị liệu kết hợp đào tạo nghề giúp học viên có thể tìm được việc làm ổn định sau cai nghiện.

Bên cạnh đó, cơ sở còn phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức xét nghiệm, sàng lọc HIV cho 100% học viên tại cơ sở và nâng cao công tác tuyên truyền phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho học viên nên hầu hết học viên khi tái hòa nhập cộng đồng đều có thể trạng tốt hơn so với thời gian trước khi vào cơ sở cai nghiện.

Từ năm 2016 đến nay, cơ sở đã khám, điều trị các bệnh thông thường cho hơn 31.000 lượt học viên, chuyển tuyến trên điều trị bệnh cho gần 400 lượt học viên, sơ cứu tại chỗ cho gần 500 lượt học viên.

Song song đó, theo ông Trần Ngọc Chi, cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình “3 không” (không có thẩm lậu ma túy; không có học viên trốn trường và không có đại ca, băng nhóm, anh chị trong nội bộ học viên).

Đồng thời, lãnh đạo triển khai hiệu quả mô hình xây dựng đạo đức công vụ của người đứng đầu, của đảng viên và viên chức trong thực hiện “4 xin” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép), “4 luôn” (luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ).

Hàng tháng có những cuộc đối thoại giữa ban quản lý với học viên, lồng ghép những buổi tiệc sinh nhật có sinh hoạt văn nghệ tạo không khí vui vẻ, thân tình.

Điều này đã tạo sự gắn kết, hòa đồng, gần gũi hơn trong mối quan hệ giữa lãnh đạo với nhân viên, giữa viên chức quản lý và học viên, giữa viên chức đối với các tổ chức, cá nhân đến liên hệ công việc, góp phần xây dựng môi trường công sở lành mạnh, thân thiện, phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ nhằm phục vụ và chăm sóc sức khỏe cho học viên.

Nổi bật là việc tăng cường công tác dạy nghề, tổ chức lao động trị liệu, kết hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường: học viên- gia đình- cơ sở cai nghiện.

Đồng thời, làm tốt công tác tư vấn, giáo dục cho học viên nhận thức đầy đủ mọi quyền lợi, nghĩa vụ của họ để mọi người tích cực chữa bệnh, học tập, tự giác tham gia các hoạt động và chấp hành tốt nội quy, quy chế cơ sở đề ra.

Cộng với tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sự tiên phong, gương mẫu của tập thể công chức, viên chức và người lao động là nhân tố quan trọng tác động đến sự thành công của việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của đơn vị.

Ông Trần Ngọc Chi chia sẻ, niềm vui lớn nhất chính là nhìn những học viên hoàn thành tốt việc trị liệu, học tập trở về với gia đình, tái hòa nhập với cộng đồng.

Nhiều trường hợp xây dựng gia đình, làm ăn kinh tế thành đạt, họ thường xuyên đưa gia đình về đây thăm lại những người thầy, cũng được họ xem như là người thân đã giúp họ vượt qua lầm lỗi, làm lại cuộc đời, tìm thấy tương lai tươi sáng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- NGUYỄN THỊNH