Đi vào chợ tuyên truyền BHXH tự nguyện

Cập nhật, 13:40, Thứ Tư, 07/10/2020 (GMT+7)

BHXH tỉnh Vĩnh Long và Bưu điện TP Vĩnh Long đang phối hợp đi vào các chợ trên địa bàn tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. Cách tiếp cận và tương tác trực tiếp đó góp phần giúp các tiểu thương, bạn hàng nắm bắt, hiểu rõ và đồng thuận tham gia chính sách.

Nhân viên Bưu điện TP Vĩnh Long ghi tờ khai và ra biên lai thu BHXH tự nguyện với người tham gia.
Nhân viên Bưu điện TP Vĩnh Long ghi tờ khai và ra biên lai thu BHXH tự nguyện với người tham gia.

“Vào chợ” tuyên truyền chính sách

Đối tượng tiếp cận là tiểu thương buôn bán mặt hàng từ trái cây, rau củ, cá thịt; đồ ăn thức uống; vải vóc, đồ điện; tiệm tóc, tiệm làm móng,... ở các khu chợ trên địa bàn. Có 4 chợ quy mô lớn gồm Khu bách hóa tổng hợp Vĩnh Long, Phước Thọ (Phường 8), Trường An (phường Trường An), Long Châu (Phường 2) và các tổ sẽ trực tiếp đi đến tuyên truyền.

Sáng 5/10/2020, 3 tổ gồm bộ phận truyền thông BHXH tỉnh, nhân viên bưu điện và ban quản lý chợ cùng vào chợ Trường An. Ở một quầy ăn uống, nhân viên bưu điện tiếp cận cô đứng tuổi bán cơm tấm, thông tin về BHXH tự nguyện, xong cô nhận tờ rơi tuyên truyền “về nghiên cứu thêm rồi có gì gọi lại” (qua số điện thoại của nhân viên bưu điện có trên tờ rơi).

Bán bún ăn sáng gần đó, chị Lê Thị Bích Liễu (37 tuổi) tiếp cận câu chuyện của tổ tuyên truyền và sẵn sàng “tôi sẽ tham gia”. Chị trước đi làm công ty, sau nghỉ về bán hàng ăn, tỏ ra am hiểu vì đã từng có tham gia BHXH bắt buộc và BHYT.

Vài câu trao đổi nhanh giữa chị và nhân viên bưu điện đã “chốt” lại bằng tờ khai tham gia BHXH tự nguyện và biên lai thu được ghi.

Đây được coi là cách tương tác sâu sát tới địa bàn, đúng và trúng từng đối tượng trong thực hiện chính sách.
Đây được coi là cách tương tác sâu sát tới địa bàn, đúng và trúng từng đối tượng trong thực hiện chính sách.

Chọn mức thu nhập hàng tháng 700.000đ, chị Liễu đóng bằng 22% mức thu nhập lựa chọn, là 154.000đ. Mức đóng hàng tháng sau khi tính hỗ trợ của Nhà nước theo tỷ lệ 10%, còn 138.600đ.

Theo quy định, Nhà nước hỗ trợ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn: 30% với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người tham gia thuộc hộ cận nghèo, bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Tổ tuyên truyền ghé tiệm tóc của chị Huỳnh Châu Ngọc Thùy (39 tuổi). Sau câu chuyện tương tự về chính sách, chị Thùy đồng ý tham gia BHXH tự nguyện với mức thu nhập lựa chọn và mức đóng tương tự như chị Liễu.

Trong 2 giờ tại chợ Trường An, tổ tuyên truyền BHXH đi gần như giáp ki-ốt, sạp, quầy bán hàng từ thực phẩm sống (rau củ, thịt cá), gia vị, đồ ăn thức uống, đồ dùng gia dụng... Có 8 hộ tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó chị Lê Thị Thúy Quyên quyết định tham gia ngay BHXH tự nguyện cho chị và ông xã với mức đóng mỗi người hàng tháng là 138.600đ.

Tại chợ Vĩnh Long, các tổ ra quân tương tự. Trên dưới chục hộ tiểu thương đã tham gia BHXH tự nguyện. Chú Phúc Sô (49 tuổi) chọn mức thu nhập 1.000.000đ để tham gia BHXH tự nguyện với số tiền đóng hàng tháng 204.600đ. Chị Cẩm Loan (41 tuổi) chọn mức thu nhập 1.500.000đ và hàng tháng nhân viên bưu điện sẽ đến thu 314.600đ.

Cải cách chính sách và tiến tới BHXH toàn dân

Có điều kiện kinh tế, đồng ra đồng vào, đa phần tiểu thương các chợ khi trao đổi đều có tham gia một số loại bảo hiểm thương mại. Nhưng qua tuyên truyền BHXH tự nguyện- một trong các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước, họ am hiểu và đồng thuận tham gia.

Tuần rồi tại chợ Phước Thọ, kết quả các tổ tuyên truyền trong 2 buổi vào chợ đã vận động được 38 hộ tiểu thương tham gia BHXH tự nguyện.

Luật BHXH năm 2014 và các văn bản về chính sách pháp luật BHXH quy định rất cụ thể về đối tượng, địa điểm, thủ tục, mức đóng và phương thức đóng, quyền lợi và mức hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện. Các nội dung này sẽ được phổ biến cụ thể tới hộ tiểu thương trong các buổi vào chợ tuyên truyền.

Tổ tuyên truyền BHXH tự nguyện đi vào chợ Trường An tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia.
Tổ tuyên truyền BHXH tự nguyện đi vào chợ Trường An tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia.

Anh Nguyễn Thế Nguyên- cán bộ Phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng thuộc BHXH tỉnh Vĩnh Long- nói khi vào chợ tuyên truyền BHXH tự nguyện cần phải kiên trì.

Tuyên truyền sao để người tham gia thấy được khi tham gia BHXH tự nguyện, khi hết tuổi lao động có cuộc sống ổn định hơn “thông qua lương hưu và được chăm sóc sức khỏe suốt đời từ tấm thẻ BHYT”.

Giám đốc Bưu điện TP Vĩnh Long Tạ Thị Ngọc Tuyền cùng đi tuyên truyền BHXH tự nguyện cho rằng, đi tới trực tiếp hộ tiểu thương như vậy rất tiện lợi để họ nắm thông tin.

Có thể họ không tham gia ngay mà vào đợt sau quay lại hoặc họ sẽ gọi lại cho đại lý thu để tham gia. Đây là điều có thể kỳ vọng chỉ tiêu mỗi khu chợ 50 người tham gia BHXH tự nguyện sẽ đạt yêu cầu.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long Ngô Tuấn Anh chia sẻ, nhiều người dân cứ nghĩ chỉ cán bộ, viên chức mới được hưởng lương hưu, còn người làm ăn buôn bán không có.

Nhưng qua tiếp xúc trực tiếp, tuyên truyền về quyền lợi khi tham gia BHXH tự nguyện, họ nắm bắt và có một tỷ lệ nhất định tham gia ngay, “để dành” cho hưu trí, tử tuất theo quy định của chính sách hiện hành.

Bằng nhiều phương thức tuyên truyền, việc đi sâu đi sát vào địa bàn, trực tiếp tới đối tượng như vậy cho thấy cách tương tác trực tiếp nhất tới đối tượng cần vận động, phát triển BHXH tự nguyện.

Công tác này tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của BCH Trung ương về cải cách chính sách BHXH, góp phần tiến tới BHXH toàn dân.

Bài, ảnh: MINH THÁI