Sổ tay

Chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm- liệu có thu hút hơn?

Cập nhật, 13:37, Thứ Tư, 07/10/2020 (GMT+7)

Nghị định số 116/2020/NĐ- CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chính thức có hiệu lực vào ngày 15/11/2020. 

Như vậy, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Ngoài ra, sinh viên còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt. Mức sinh hoạt phí này xem ra khá hấp dẫn và người học chọn ngành sư phạm xem như được “bao trọn gói”.

Dĩ nhiên, được hỗ trợ phải đi kèm với điều kiện là sinh viên sư phạm nhận kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước có trách nhiệm trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ phải công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp 2 lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng (khoảng 8 năm cho hệ ĐH). Nếu đảm bảo điều này thì sinh viên không phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.

Nếu ra trường sau 2 năm mà không công tác trong ngành giáo dục, sinh viên phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ đã nhận từ Nhà nước.

Bên cạnh đó, những sinh viên đang trong thời gian đào tạo sư phạm chuyển ngành, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học sẽ có trách nhiệm bồi hoàn khoản hỗ trợ họ đã nhận.

Liệu người học có vì khoản trợ cấp này mà chọn ngành sư phạm? Có nhiều ý kiến khác nhau, một số người đã tốt nghiệp sư phạm và không đi dạy cho rằng: Chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm trước đây cũng có quy định sau khi tốt nghiệp sinh viên phải công tác trong ngành giáo dục, nếu không phải bồi hoàn học phí.

Nhưng, cho đến nay chưa có sinh viên sư phạm nào không được làm việc đúng chuyên môn nào phải bồi hoàn học phí. Có khi nào, lãng phí sẽ lớn hơn?

Đặt trường hợp có những quy định chế tài bắt buộc sinh viên phải bồi hoàn số tiền này thì lại khó khăn cho những sinh viên đã không có tiền đi học mới chọn ngành sư phạm. Học xong ra trường không xin được việc làm đúng chuyên môn, không thể bắt họ ngồi đợi được.

Điều này đặt ra bài toán liên kết cực kỳ chặt chẽ giữa các địa phương với cơ sở giáo dục để tuyển và đào tạo đủ chỉ tiêu, không dôi dư nhân lực dẫn đến thiếu việc làm.

VĨNH PHÚC