Làng quê ngày càng đẹp hơn

Cập nhật, 13:59, Thứ Tư, 16/10/2019 (GMT+7)

 

Với sự chăm chút của người dân mà nhà mát, ngõ sạch hơn.
Với sự chăm chút của người dân mà nhà mát, ngõ sạch hơn.

Những năm qua, gắn với việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác quản lý, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe người dân luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị- xã hội đặc biệt quan tâm.

Thông qua việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm mà các làng quê ngày càng xanh- sạch- đẹp hơn. Bức tranh nông thôn nhờ vậy cũng ngày càng đẹp hơn.

Đẹp từ nhà ra ngõ

Đến ấp Tân Thiềng (xã Tân An Hội- Mang Thít), chúng tôi khá bất ngờ khi chị Trần Thị Sa đang làm cỏ dọc theo tuyến đường đan mà đây không phải là đất của chị và cũng không phải ai thuê mướn chị làm.

Chị Sa cho biết: “Do chủ đất không có ở đây mà đường sá đầy cỏ như vầy mọi người đi đứng sẽ khó khăn rồi chưa kể rắn rết đến trú ngụ, thấy vậy nên lúc rảnh thì tui ra làm cỏ, vừa làm đẹp cảnh quan, vừa tạo thuận lợi cho mọi người đi lại”.

Đến thăm nhà chị Sa, chúng tôi thêm ấn tượng với căn nhà sạch, mát, khá gần gũi thiên nhiên với hàng rào cây kiểng, cùng các loại hoa dây leo trồng bên hiên nhà tạo không gian xanh, sân vườn được quét dọn sạch sẽ.

Bên cạnh, chị còn tận dụng những khoảng đất trống trồng các loại rau, nha đam… để bổ sung rau sạch cho bữa ăn và làm thức uống cho gia đình. Chị Sa cho biết: “Nhà sạch thì mát”, mình dọn dẹp nơi ở chu đáo cũng là cách để chăm sóc gia đình và bản thân. Qua đó, còn chung tay giữ gìn cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp cho xã NTM.

Trên tuyến kinh 3 Tháng 2 thuộc ấp Thành Hiếu (xã Thành Trung- Bình Tân) đường sá trông khá đẹp mắt với bên cặp mé sông được người dân tận dụng trồng mít Thái để che bóng mát và có thêm thu nhập, bên còn lại là những hàng rào kiên cố được người dân tận dụng phần đất trống để trồng hoa, cây cảnh.

Chị Trần Thị Minh Thủy (ấp Thành Hiếu) cho biết: Tuyến kinh này trước đây cứ vào mùa mưa là bị ngập, không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại mà còn gây thiệt hại đến ruộng lúa, hoa màu và vườn cây ăn trái.

Từ khi được Nhà nước đầu tư nâng cấp tuyến kinh kết hợp làm đường giao thông nông thôn mà đời sống người dân có nhiều thay đổi. Sau khi công trình hoàn thành, theo phát động của địa phương về xây dựng NTM nâng cao, nhiều hộ tích cực tham gia trồng hoa, cùng nhau hùn tiền làm đèn đường nên nông thôn mình thay đổi hẳn.

Ông Ngô Văn Lợi- Chủ tịch UBND xã Thành Trung, Trưởng BCĐ xây dựng NTM xã- cho biết, thời gian qua, nhân dân trong xã đã tự góp vốn làm cột cờ kết hợp đèn chiếu sáng công cộng trên tuyến đường dài trên 22km.

Bên cạnh, các hộ dân còn làm hàng rào bê tông hoặc cây xanh, trồng cây cảnh, hoa kiểng trong khuôn viên nhà và cùng nhau giữ gìn vệ sinh môi trường sống xung quanh để cùng địa phương nâng chất tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

Làng quê ngày càng đẹp hơn

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, “3 sạch” được xác định là một trong những nội dung tập trung thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM”, thông qua hoạt động tuyên truyền, Tỉnh hội đã chỉ đạo các cấp hội triển khai xây dựng mô hình “Nhà tôi xanh- sạch- đẹp” với 13 tiêu chí.

Trong đó có 5 tiêu chí “5 không”, 7 tiêu chí “3 sạch” và 1 tiêu chí tiết kiệm. Bước đầu, tập trung triển khai tại 22 xã NTM, đến nay đã nhân rộng được 123 mô hình.

Hội cũng đã thành lập 835 mô hình tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện an toàn thực phẩm với trên 65.800 thành viên tham gia.

Nổi bật là: tổ phụ nữ thân thiện với môi trường, biến rác thành tiền; thu gom rác thải; xây nhà vệ sinh tự hoại; giáo dục hành động thực hiện 3 sạch; tổ phụ nữ trồng rau sạch; phụ nữ với an toàn thực phẩm; nói không với hóa chất trong sản xuất thực phẩm; phụ nữ chế biến thực phẩm an toàn; điểm kinh doanh ăn uống an toàn…

Để phát huy vai trò phụ nữ chung sức xây dựng NTM, hàng năm Tỉnh hội còn phát động mỗi cơ sở đăng ký ít nhất 1 công trình/phần việc phù hợp tham gia xây dựng NTM. Năm 2016 đến nay, đã có 458 công trình/phần việc do Hội LHPN đăng ký đảm nhận.

Nổi bật là các mô hình: tuyến đường hoa; treo đèn trước ngõ; thu gom rác thải; tuyến đường không rác; khu phố sạch- đẹp; phân rác thải từ hộ gia đình vì môi trường xanh- sạch… đã thu hút hàng chục ngàn chị em tham gia với kinh phí gần 1,9 tỷ đồng. “Đây cũng là một trong những nội dung được đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm”- bà Lý Thị Kiệp- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- cho biết.

Nhờ trồng hoa dọc các tuyến đường mà đường sá ngày càng đẹp hơn.
Nhờ trồng hoa dọc các tuyến đường mà đường sá ngày càng đẹp hơn.

Bên cạnh, Hội LHPN tỉnh còn vận động từ chương trình viện trợ trực tiếp DAD và Tổng lãnh sự quán Úc hỗ trợ xây công trình nhà vệ sinh công cộng; hỗ trợ thùng chứa nước cho hộ nghèo bị ảnh hưởng xâm nhập mặn với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.

Hội cũng đã vận động Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và UBND các cấp triển khai dự án truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, sử dụng nước sạch, cải thiện điều kiện vệ sinh, xây nhà tiêu tự hoại tiến tới xóa cầu tạm trên ao hồ, sông rạch.

Ngoài ra, hội còn phát động thành lập 64 mô hình hùn vốn, hùn xi măng xây nhà vệ sinh tự hoại với gần 820 thành viên tham gia. Qua đó, đã xây mới trên 26.200 nhà vệ sinh, gần 4.300 công trình nước sạch, 1.800 thùng rác công cộng bố trí trên các tuyến đường liên ấp… với tổng kinh phí trên 97 tỷ đồng.

Thông qua việc triển khai cuộc vận động, các cấp hội đã xây dựng nhiều mô hình phù hợp, thiết thực, gần gũi với chị em, góp phần thực hiện có hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng NTM.

“Đây là yếu tố thuận lợi thúc đẩy phong trào ngày càng có hiệu quả, đặc biệt các công trình mang “thương hiệu” của Hội LHPN trong thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM”- bà Lý Thị Kiệp cho biết.

Đến nay, trên địa bàn 89 xã xây dựng NTM đã được đầu tư 102 trạm cấp nước. Có 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ nhà máy nước tập trung đạt 87%.

Về xây dựng cảnh quan môi trường, hầu hết các địa phương đều tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường. MTTQ phối hợp với các đoàn thể phát động phong trào khơi thông dòng chảy, trồng cây, thu gom rác thải,… Ngoài ra, các chi hội đoàn thể đảm nhiệm phụ trách vệ sinh môi trường các tuyến đường trong ấp, kết hợp chỉnh trang hàng rào, treo đèn trước ngõ, trồng hoa trước nhà.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG