QL1 qua Tam Bình sẽ hết ngập?

Cập nhật, 08:02, Thứ Tư, 16/10/2019 (GMT+7)

 

Mùa mưa lũ, QL1 qua Tam Bình thường bị ngập sâu khi triều cường khiến giao thông hỗn loạn.
Mùa mưa lũ, QL1 qua Tam Bình thường bị ngập sâu khi triều cường khiến giao thông hỗn loạn.

QL1 qua xã Tân Phú (Tam Bình) là đoạn mặt tiền của Vĩnh Long vì nằm trên tuyến giao thông đường bộ huyết mạch kết nối các tỉnh- thành vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và cả nước. 

Tuy nhiên, tình trạng ngập sâu khi triều cường vào mùa mưa lũ, đặc biệt vào những năm gần đây khiến lưu thông qua đoạn này trở thành “nỗi ám ảnh” bởi nguy cơ mất an toàn, kéo dài thời gian di chuyển... Hiện đoạn này đang được thi công sửa chữa nhằm khắc phục tình trạng hư hỏng (ngập úng khi triều cường), đảm bảo an toàn giao thông.

Anh Phạm Quý Bình nhà ở xã Hòa Phú (Long Hồ) làm việc ở Trà Nóc (TP Cần Thơ) đi qua đoạn này hàng ngày, kể: “Mùa mưa lũ năm 2018, đoạn qua xã Tân Phú nước ngập rất sâu, tôi chạy vấp ổ gà ngã xe, may là lúc đó không có xe lớn phía sau chạy tới.

Năm nay, đoạn này còn ngập sâu hơn nên tôi đi “trái giờ nước lên” hoặc vòng đường tỉnh để né. Cũng thường xuyên lưu thông qua đoạn này đi làm, chị Phạm Tuyết Nhung nói vẫn còn bị ám ảnh đợt lội nước năm rồi, nước ngập gần lút bánh xe, chết máy phải dẫn bộ bị sóng đánh liêu xiêu rất nguy hiểm.

Theo Công văn số 2229/BQLDA8-BĐH về việc công khai hóa thông tin về công trình: sửa chữa đoạn Km2057+440- Km2058+300 QL1, tỉnh Vĩnh Long của Ban Quản lý Dự án 8 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) ngày 16/9/2019, Công trình do Cục Quản lý đường bộ IV làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư gần 23 tỷ đồng từ nguồn vốn quỹ bảo trì đường bộ.

Thời gian thực hiện dự án trong năm 2019. Việc sửa chữa QL1 bên cạnh bảo đảm an toàn giao thông còn nhằm duy trì tuổi thọ công trình, nâng cao khả năng khai thác của đoạn tuyến.

Theo đó, căn cứ mực nước lớn nhất trong vòng 64 năm kể từ năm 1947 đến nay là +2,46m, mực nước do ảnh hưởng triều cường thường xuyên là +2,3m, dự án nâng cao độ mặt đường; làm tường chắn taluy tại các vị trí bị ảnh hưởng triều cường và hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ.

Phương án xây dựng là trên cơ sở nền, mặt đường hiện tại tiến hành nâng cao độ mặt đường để chống ngập, đảm bảo an toàn giao thông. Cụ thể, bình đồ và mặt cắt ngang của đoạn tuyến: giữ nguyên hướng tuyến, quy mô mặt cắt ngang của đoạn tuyến, chỉ nâng cao độ mặt đường. Về trắc dọc, cao độ vai đường thiết kế là +2,46m; cao độ tim đường thiết kế là +2,67m và vuốt nối vào điểm đầu, điểm cuối của đoạn tuyến.

Về tường chắn, tại những vị trí bị ảnh hưởng ngập nước do triều cường gồm các đoạn từ Km2057+600- Km2058+300 (phải tuyến) dài 700m, từ Km2057+600- Km2058+020 (trái tuyến) dài 420m và từ Km2058+200- Km2058+300 (trái tuyến) dài 100m làm tường chắn bằng bê tông xi măng mác M250; khoảng cách giữa 2 nhánh tuyến đoạn đầu cầu Rạch Múc được đắp đất để ngăn nước triều cường ảnh hưởng đến nền, mặt đường.

Nhân công đang ráo riết thi công công trình sửa chữa QL1 qua Tam Bình.
Nhân công đang ráo riết thi công công trình sửa chữa QL1 qua Tam Bình.

Bên cạnh, các vị trí đường, nút giao: giữ nguyên quy mô, kích thước nút giao hiện tại, vuốt nối các đường ngang với kết cấu như kết cấu hiện hữu để đảm bảo êm thuận. Đối với rãnh thoát nước dọc kín bằng bê tông cốt thép được nâng cao độ đỉnh rãnh phù hợp với cao độ mặt đường sau tôn cao bằng bê tông cốt thép đá 1x2 Mác 250.

Đối với các đoạn chưa có rãnh hoặc không tận dụng được rãnh cũ thì được bổ sung rãnh dọc để đảm bảo thoát nước nền, mặt đường. Trong khi đó, những đoạn hiện có bó vỉa được nâng cao phù hợp cao độ mặt đường; các đoạn bó vỉa bị hư hỏng được làm mới bằng bê tông xi măng trên lớp đá dăm đệm.

Đồng thời, sơn hoàn trả vạch sơn báo hiệu đường bộ bằng sơn phản quang nhiệt dẻo dày 2mm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ. Hệ thống biển báo, cọc tiêu, cột kilomet, dải phân cách giữa, tôn song hiện hữu được tận dụng lại (nâng cấp theo cao độ mặt đường)… Trong quá trình thi công, chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu xây lắp tổ chức đảm bảo an toàn giao thông, môi trường theo quy định hiện hành.

Chú Trương Văn Ba có nhà ven QL1- ngay đoạn ngập sâu thuộc ấp Phú Mỹ (Tân Phú)- nói: Đoạn này bị ngập vào mùa mưa lũ khoảng 5- 6 năm nay, vài năm gần đây thì ngập sâu hơn gây ảnh hưởng an toàn giao thông, xe chết máy rất nhiều, nhất là xe máy. Năm nay còn ngập sâu hơn năm rồi cỡ 2 tấc, nhờ có lực lượng công an “chở xe và người” qua điểm ngập.

Chỉ chúng tôi căn nhà mới cất có nền cao hơn so với mặt đường QL1, chú nói: “Trước đây, nước ngập nhà tôi tới nửa cái tủ. 3 năm nay, tôi nâng nền thêm 2 thước rồi, vậy cho chắc ăn. Hiện thấy thi công sửa QL, làm tường chắn cho hết ngập, tụi tui ở đây mừng lắm. Mong sao khi hoàn thành thì đoạn này không ngập nữa”.

 Bức tường chắn chống ngập đang được thi công, hoàn thành.
Bức tường chắn chống ngập đang được thi công, hoàn thành.

QL1 qua Tam Bình nằm trên tuyến giao thông đường bộ huyết mạch kết nối các tỉnh- thành vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và cả nước.

Do đó, thi công sửa chữa nhằm khắc phục tình trạng hư hỏng (ngập úng khi triều cường), đảm bảo an toàn giao thông không chỉ là “tin tốt lành” đối với tỉnh mà còn là tin vui chung, góp phần đảm bảo lưu thông thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế- xã hội cho các tỉnh- thành vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: SÔNG HẬU