Câu chuyện nông thôn

Biết quý là quý

Cập nhật, 13:56, Thứ Tư, 16/10/2019 (GMT+7)

Trò chuyện với một phụ nữ dành cả một đời cho niềm say mê về gỗ dừa, Hai Lúa tui vừa nể phục, vừa có nhiều tâm tư suy nghĩ. 

Chị vốn xuất thân từ miền Tây, nên quý mến cây dừa là lẽ đương nhiên. Song trên bước đường lập nghiệp, chị đã dành trọn tâm huyết, tài năng của mình để “hóa phép” những khúc gỗ dừa, những gáo dừa… trở thành những sản phẩm, những tác phẩm chuyên bán cho người nước ngoài họ xài.

Nói về các loại gỗ quý, chị nói với Hai Lúa tui một câu khá mơ hồ: “Biết quý là quý”. Lâu sau, Hai Lúa tui cũng hiểu được rằng, sự quý giá nhiều khi không xuất phát từ bản thân sự vật, sự việc, mà cũng có thể tùy vào thái độ, nhận thức của mỗi người mà ra. Chị nói về gỗ quý là Hai Lúa tui cũng thấy giật mình.

Những loại gỗ quý chính là sự cám dỗ cho lòng tham lam, sự khoe mẻ mà tạo nên những cuộc phá rừng, đốn hạ, trộm cắp… bằng mọi giá để trở thành những món hàng đổi chác, mua bán đắt tiền.

Người ta lên án lâm tặc, lẽ đương nhiên vì chúng vi phạm pháp luật, nhưng suy cho cùng mọi nguồn gốc của tội phạm này đều từ những người lắm của nhiều tiền, những người có đủ tiền, đủ quyền để tham gia vào cái con đường triệt phá gỗ quý và biến chúng thành những món hàng tiền tỷ, chục tỷ.

Chị nói dài dòng về gỗ quý, cũng là để tự hào về việc mình đang làm trong mấy chục năm qua. Chị âm thầm biến những cây dừa bình thường, những gáo dừa lăn lóc ngoài sân, trở thành những tác phẩm cao cấp chuyên bán cho nước ngoài và tính bằng tiền “đô” giá không hề rẻ.

Những vật dụng trang trí, những vật liệu xây dựng có tính thẩm mỹ cao từ gỗ dừa của chị được người nước ngoài mê mẩn, chớ chị không bán trong nước, có lẽ vì giá cao cũng có lẽ vì như chị nghĩ: biết quý mới quý vậy. Đến nỗi người ta gọi chị là “phù thủy gáo dừa”.

Ý là chị góp phần tôn vinh loại cây gỗ bình thường quê mình trở thành loại sản phẩm quý giá cao cấp; đồng thời cũng là góp phần giảm bớt sự đốn hạ những cây cổ thụ quý giá của núi rừng.

Một cách nhìn nhận khác về giá trị sản vật quê mình, phải dụng công, để nâng cao giá trị chúng lên; đồng thời giảm bớt sự tác động đến những loài gỗ quý.

Hailua@.com