"Gỡ khó" cho tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa

Kỳ 2: Bức tranh đời sống tinh thần... chưa đẹp, vì đâu?

Cập nhật, 14:39, Thứ Năm, 28/06/2018 (GMT+7)

Cùng với tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, những năm qua bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng để xây trung tâm văn hóa thể thao (TT.VHTT) xã, nhà VH xã, nhà VH- khu TT liên ấp. Tuy nhiên, qua thời gian đã phát sinh nhiều bất cập về nhân lực và tính hiệu quả của nó.

Trung tâm văn hóa thể thao xã Phú Lộc (Tam Bình) có vị trí khá thuận tiện và đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất nhưng cũng khó thu hút người dân đến sinh hoạt.
Trung tâm văn hóa thể thao xã Phú Lộc (Tam Bình) có vị trí khá thuận tiện và đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất nhưng cũng khó thu hút người dân đến sinh hoạt.

Còn nhiều bất cập

Huyện Mang Thít hiện có 5 TT.VH- học tập cộng đồng xã, 1 nhà VH xã và 6 nhà VH- khu TT liên ấp với cái “vỏ” được đầu tư đạt chuẩn. Tuy nhiên, trang thiết bị cùng các điều kiện cơ bản cho hoạt động chưa đầy đủ, kinh phí còn hạn hẹp, thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh tế khó khăn phải đi làm ăn xa, nên khó giữ hạt nhân tốt để duy trì phong trào.

Hoạt động ở một vài nơi chưa sáng tạo, chưa mạnh dạn đổi mới trong tổ chức. Ban chủ nhiệm TT.VHTT xã chủ yếu là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi và không có chế độ hỗ trợ trong khi việc chuyên môn của cán bộ xã chiếm khá nhiều thời gian nên chưa nhiệt tình trong tham gia tổ chức, điều hành hoạt động.

“Khó khăn hiện nay là do bố trí cán bộ chưa phù hợp và thường xuyên thay đổi; kinh phí cấp chưa kịp thời để duy trì và phát triển phong trào; ở một vài nơi cấp ủy và chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm chỉ đạo phát triển phong trào”- ông Trần Thanh Huệ- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít- cho biết.

Ông Lê Thanh Tuấn- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH, TT và DL- nhận định: “Việc thiếu sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao”.

Ngoài ra, theo quy định, TT.VHTT xã, nhà VH xã được cấp 20 triệu đồng/năm thì ban chủ nhiệm cần ngồi lại tính toán làm gì trong năm. Nếu có kế hoạch làm tốt thì việc sử dụng sẽ khả thi.

Còn nếu thiếu kế hoạch, tới đâu làm tới đó thì số tiền trên có khi được điều tiết cho các hoạt động khác, trong khi “tiền nào cũng của Nhà nước, chi nào cũng chi cho hoạt động” nhưng phải chia sẻ đủ thứ chuyện, khi kiểm tra so với kế hoạch hoạt động thì không khớp.

Huyện Tam Bình có 9 TT.VHTT xã, 4 nhà VH xã và 9 nhà VH- khu TT liên ấp được đầu tư cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dụng cụ chuyên dùng phục vụ cho các phong trào VH- văn nghệ, thể dục- TT ở địa phương.

Tuy nhiên, việc tổ chức phong trào của các nhà VH- khu TT liên ấp chưa được thường xuyên, không có người quản lý (do không có chế độ thù lao) nên luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”.

Ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình- cho rằng: Việc đầu tư các tủ sách không mang lại hiệu quả do hiện nay công nghệ thông tin khá phát triển, đa phần ai cũng có điện thoại thông minh, lên mạng truy cập thông tin mọi lúc, mọi nơi và rất nhanh nên không thu hút được độc giả đến phòng sách ngồi đọc.

Mặt khác, VH đọc ở nông thôn vẫn chưa phát triển, người dân chủ yếu lo làm ăn nên chưa quan tâm nhiều đến việc nghiên cứu sách báo.

Tuy nhiên, theo quy định của Bộ VH, TT và DL, chuẩn TT.VHTT xã và nhà VH xã phải có 5 phòng chức năng, nên khi xây dựng không thể “bỏ qua” phòng truyền thống và phòng đọc sách được.

Theo ông Lê Thanh Tuấn, mặc dù phòng đọc sách được đầu tư, thư viện cũng thường xuyên luân chuyển sách về nhưng nhiều người vẫn còn thờ ơ chưa quan tâm đến VH đọc. Đây là “hồi chuông cảnh báo” trong cả nước về thực trạng người dân không đọc sách và đang là vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước, chứ không riêng gì ở nông thôn.

Khó... đủ đường

Để đạt tiêu chí số 6 trong xây dựng NTM về CS.VCVH thì mỗi TT.VHTT xã, nhà VH xã phải đạt diện tích từ 2.500m2 trở lên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều bất cập.

Theo ông Lê Thanh Tuấn, với quỹ đất hạn hẹp, thậm chí một số xã không có quỹ đất công dự phòng, nên “có chỗ nào thì xây chỗ đó”, dẫn đến việc quy hoạch đất để xây dựng các CS.VCVH chưa thật sự hợp lý (quy hoạch xây dựng xa khu dân cư, xa trường học, không thuận lợi với điều kiện đi lại sinh hoạt của người dân,…), đến khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng thì lại không thu hút người dân đến sinh hoạt.

Ông Huỳnh Tấn Lộc- Phó Trưởng phòng Quản lý VH (Sở VH, TT và DL)- cho biết thêm, việc thiết kế các CS.VCVH do ban quản lý dự án của huyện tham mưu UBND huyện thực hiện. Do chưa nghiên cứu hết các thông tư quy định cũng không có ngành VH tham mưu, nên xây dựng chưa đáp ứng yêu cầu.

Về các phòng chức năng, có nơi xây hội trường rất lớn đẹp, cao ráo, sân khấu có chiều ngang hơn chục mét, nhưng chiều vô có khi 2,5m hoặc tối đa 3,5m nên rất khó tổ chức các hoạt động do chiều sâu không có hoặc xây bít lối đi phía sau, không có cửa hậu nên khi hội diễn văn nghệ thì không có chỗ đi lại.

“Chúng ta cần thiết kế hội trường đa năng để tổ chức nhiều sự kiện chứ không chỉ là hội họp”- ông Huỳnh Tấn Lộc nói.

Do kinh phí cấp cho trung tâm văn hóa thể thao xã còn hạn chế nên việc tổ chức các phong trào chưa sôi nổi, thường xuyên.
Do kinh phí cấp cho trung tâm văn hóa thể thao xã còn hạn chế nên việc tổ chức các phong trào chưa sôi nổi, thường xuyên.

Trên thực tế, việc đầu tư CS.VC cho các TT.VHTT xã vẫn chưa đồng bộ đã dẫn đến tình trạng công trình xây mới có khi cả năm thậm chí vài năm trời mà không có trang thiết bị, dụng cụ phục vụ hoạt động; hoặc đầu tư còn hạn chế nên chưa tạo được sức hấp dẫn, chưa thu hút được người dân đến sinh hoạt.

Việc đặt địa điểm sinh hoạt VH không đúng vị trí và các trang thiết bị luôn trong tình trạng “đã thiếu thốn, lại lỗi thời” hoặc bị hư hỏng, xuống cấp, không thể tiếp tục sử dụng đã khiến người dân đã kém “mặn mà” lại càng... “ngán ngẩm”. Do không thể “kích cầu” nên các CS.VCVH luôn thiếu vắng bóng người.

Ông Nguyễn Minh Dũng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh- cho biết: “Vấn đề tôi băn khoăn hiện nay là vẫn còn một số TT.VHTT xã và đa số các nhà VH- khu TT liên ấp hoạt động không hiệu quả, việc đầu tư xây dựng nâng cấp chưa đáp ứng nhu cầu.

Hiện vẫn còn 2 đơn vị cấp huyện là TX Bình Minh và huyện Bình Tân chưa xây dựng TT.VHTT. Về diện tích, một số nơi còn nhỏ, nếu chỉ vừa đủ để xây dựng trụ sở mà cái sân nhỏ xíu thì rất khó để hoạt động vì không phải hoạt động nào cũng làm trong hội trường và không phải cái nào chúng ta cũng xã hội hóa hết được”.

Về nội dung, hình thức hoạt động, cũng còn nhiều vấn đề đáng lo ngại vì chưa đổi mới được, chưa đáp ứng được yêu cầu. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó đáng lo nhất là cán bộ bố trí không đúng chuyên môn nghiệp vụ, không có năng khiếu phụ trách.

“Làm ngành này phải có tâm huyết và năng khiếu mới làm được, vì dù có trang bị máy móc tối tân, hiện đại cỡ nào mà cán bộ VH không biết gì về nó thì chẳng khác nào là... cục sắt vụn. Nếu học lĩnh vực này mà bố trí làm việc khác cũng rất khó”- ông Nguyễn Minh Dũng nhận định và cho rằng- Một số cán bộ chưa nắm vững chủ trương, chính sách pháp luật về VH, thể dục- TT nên chưa thể tham mưu về cơ chế chính sách cho có hiệu quả

Ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở VH, TT và DL tỉnh

Hiện cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy của TT.VHTT xã, nhà VH xã vẫn còn nhiều bất cập. Đội ngũ cán bộ chưa ổn định, thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, một số nơi bố trí cán bộ phụ trách không đúng với chuyên môn được đào tạo. Ban chủ nhiệm ở các trung tâm làm công tác kiêm nhiệm, không có phụ cấp, không có chế độ đãi ngộ dẫn đến thiếu sự nhiệt tình trong việc đóng góp xây dựng phát triển phong trào ở cơ sở.

 Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- CẨM HUỆ

(Còn tiếp)